Những điều đặc biệt về các bí thư, chủ tịch của 34 tỉnh, thành phố sau sắp xếp

Trong số 34 bí thư tỉnh, thành có ba người là nữ, 27 người không phải người địa phương; bí thư trẻ tuổi nhất hiện nay 47 tuổi.

Đầu tuần qua, cả nước đã đồng loạt công bố các nghị quyết, quyết định liên quan đến vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh thành – mô hình “chưa có tiền lệ” trong cả nước.

Tổng Bí thư trong phát biểu của mình tại lễ công bố ở TP.HCM đã khẳng định quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Từ đó, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo của các địa phương với các chức danh bí thư, chủ tịch tỉnh đã được thực hiện cẩn trọng, nhanh chóng, góp phần đưa bộ máy đi vào vận hành trơn tru, thông suốt và hiệu quả. Đáng chú ý, bên cạnh những lãnh đạo là người địa phương thì cũng có nhiều nhân sự chủ chốt được điều động, luân chuyển từ trung ương về trong những năm gần đây. Họ là những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản và có chiến lược phát triển.

 Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo TP.HCM tại Lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương sáng 30-6. Ảnh: THUẬN VĂN

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo TP.HCM tại Lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương sáng 30-6. Ảnh: THUẬN VĂN

3 bí thư tỉnh ủy, thành ủy là nữ

Về độ tuổi trung bình của 34 bí thư tỉnh ủy, thành ủy sau sắp xếp là 55, hầu hết bí thư các địa phương đều sinh năm 1970-1979 tương đương nhóm tuổi 45-54 với 17 người; 16 bí thư tỉnh, thành ủy thuộc thế hệ sinh năm 1960-1969, tương đương nhóm tuổi từ 55 tuổi trở lên và một người thuộc nhóm sinh năm 1950-1959.

 Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong là bí thư trẻ tuổi nhất hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong là bí thư trẻ tuổi nhất hiện nay.

Bí thư trẻ tuổi nhất hiện nay là ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, sinh năm 1978; quê ở Hà Nội; là Thạc sĩ sinh học, cao cấp lý luận chính trị. Ông Phong là cán bộ trưởng thành từ hoạt động Đoàn và giữ nhiều vị trí quan trọng. Đến tháng 10-2020, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Trong số 34 bí thư tỉnh, thành có ba người là nữ, gồm Bí thư TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, trong đó bà Bùi Thị Minh Hoài là nữ bí thư không phải người địa phương.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài. Ảnh: QH

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài. Ảnh: QH

Bùi Thị Minh Hoài và bà Giàng Páo Mỷ cũng là bí thư các địa phương không thực hiện sáp nhập đợt này.

Bà Hoài quê ở Hà Nam (nay là tỉnh Ninh Bình), từng kinh qua nhiều vị trí công tác, bà giữ cương vị Bí thư Thành ủy TP Hà Nội từ tháng 7-2024. Còn bà Giàng Páo Mỷ quê Lai Châu, sinh năm 1963, giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu từ năm 2018.

Có 5 bí thư là người dân tộc thiểu số, gồm ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng (dân tộc Ê-đê); Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ (dân tộc H’Mông), Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh (dân tộc H’Mông).

Cùng đó là ông Hoàng Văn Nghiệm (dân tộc Tày), Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và ông Hoàng Quốc Khánh (dân tộc Thái), Bí thư Tỉnh ủy Sơn La.

 Ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, một trong năm bí thư là người dân tộc thiểu số. Ảnh: QH

Ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, một trong năm bí thư là người dân tộc thiểu số. Ảnh: QH

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Đây cũng vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu quan trọng nhằm đảm bảo cho sự đại diện cũng như phát triển bền vững của các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Mới đây nhất, trong Chỉ thị 45 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục nêu ra yêu cầu về việc chú trọng quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ.

Cạnh đó, với một nửa nhân sự là bí thư thuộc thế hệ 7X cũng cho thấy đang có sự dần trẻ hóa đội ngũ mà vẫn đảm bảo tính kế thừa. Thực tiễn trong những năm qua, trong chiến lược phát triển cán bộ nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung, Đảng luôn quan tâm, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cán bộ trẻ phát triển, cống hiến.

Đặc biệt, Đảng xác định việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ là yêu cầu thực tế, cần thiết, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Lý do của chiến lược này là các cán bộ trẻ sẽ mang lại một luồng gió mới, sức sống mới trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ. Ở họ sẽ luôn có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm..., nhất là khả năng thích ứng với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, đáp ứng yêu cầu về khoa học, công nghệ.

27/34 bí thư không phải người địa phương

Đặc biệt có đến 27 bí thư không phải người địa phương. Việc bố trí bí thư không là người địa phương là chủ trương của Đảng được đề ra từ Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị 7 Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh không là người địa phương.

 Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh. Ảnh: M.H

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh. Ảnh: M.H

Việc luân chuyển cán bộ nói chung, thực hiện chủ trương bí thư không là người địa phương nói riêng giúp kết hợp hài hòa, nâng cao hiệu quả giữa mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ với tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn gắn với quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Mặt khác, cán bộ ở nơi khác đến thường có tư duy mới, cách nghĩ mới, lề lối mới, cách làm mới, dễ đột phá, sáng tạo. Từ đó, góp phần khắc phục một phần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Ngoài ra, có ba bí thư là những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, gồm Trung tướng Nguyễn Văn Gấu - trước khi được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và nay là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông từng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Trước đó, ông giữ chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Người thứ ba là Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Trước đó, ông từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, giám đốc công an tỉnh Đồng Nai, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an).

Sau sáp nhập, có 23/34 bí thư là Ủy viên Trung ương, 1/34 người là Ủy viên dự khuyết Trung ương.

 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: VOV

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: VOV

Trẻ hóa nhóm lãnh đạo là chủ tịch tỉnh

Sau sáp nhập, tất cả 34 chủ tịch UBND đều là nam, không có nữ; các chủ tịch phần lớn nằm trong nhóm tuổi 45-54 với 26 người, nhóm 55-65 tuổi có 8 người.

Trong đó, người trẻ tuổi nhất cả nước là ông Lê Hải Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Ông Hòa 45 tuổi, là Tiến sĩ Kinh tế. Người lớn tuổi nhất là ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, 60 tuổi, Thạc sĩ Quản lý hành chính công, Cử nhân Kinh tế. Vị trí này, ông Thiệu đã đảm nhiệm trong 5 năm qua.

Ba người từng là bí thư tỉnh ủy cũ chuyển sang làm chủ tịch tỉnh mới. Cụ thể, ông Lương Nguyễn Minh Triết, từ Bí thư Quảng Nam sang làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; ông Nguyễn Khắc Thận, từ Bí thư Thái Bình sang làm Chủ tịch tỉnh Hưng Yên; ông Trần Huy Tuấn, từ Bí thư Yên Bái sang làm Chủ tịch Lào Cai.

Trong số 34 chủ tịch, hai người là Ủy viên Trung ương khóa XIII, gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Ba người là Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa XIII gồm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết.

4 chủ tịch UBND tỉnh, thành mới từng là thứ trưởng các bộ

Trong 23 chủ tịch UBND tỉnh, thành mới có những lãnh đạo là thứ trưởng một số bộ, ngành được luân chuyển về địa phương trong thời gian gần đây.

Cụ thể, ông Trần Duy Đông, 46 tuổi, tiến sĩ Kinh tế; từng giữ chức Thứ trưởng Bộ KH&ĐT. Tháng 7-2024, ông được điều động về công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc và giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Sau khi sáp nhập tỉnh, ông Đông được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, 54 tuổi, tiến sĩ Kinh tế; từng giữ chức Thứ trưởng Bộ KH&CN.

Tháng 7-2024, ông được điều động làm phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; một tháng sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh này. Sau khi tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum sáp nhập, ông được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Phạm Anh Tuấn, 52 tuổi, tiến sĩ Tài chính; từng giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT. Ông giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định từ tháng 9-2022. Sau khi sáp nhập tỉnh, ông Tuấn được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Ông Tạ Anh Tuấn, 56 tuổi, thạc sĩ Tài chính. Ông từng làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, từ tháng 11-2022, ông làm phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Sau sáp nhập, ông được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.

NGỌC MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-dieu-dac-biet-ve-cac-bi-thu-chu-tich-cua-34-tinh-thanh-pho-sau-sap-xep-post858829.html