Những điều ít biết Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1968, ngày 10-5, đúng 9h sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại phần mở đầu của bản Di chúc và về phần việc riêng. Ngày 11-5, đúng 9h sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục viết phần nói về công tác chỉnh đốn Đảng trong Di chúc.

Ngày 12-5, đúng 9h sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đọc và sửa chữa những phần đã viết trong Di chúc.

Người căn dặn thêm nhiều điểm cụ thể về việc chăm lo đời sống của nhân dân sau chiến tranh.

Ngày 13-5, đúng 9h sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục sửa chữa đoạn viết về chăm lo hạnh phúc đối với con người trong Di chúc. Các ngày 14, 15, 16, 17 và 18 tháng 5, cùng giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung và sửa chữa bản Di chúc. Sau bữa cơm chiều 18-5, Người rời nhà sàn đến nhà nghỉ Hồ Tây. Ngày 19-5, tại nhà nghỉ Hồ Tây, từ 9h sáng đến 10h, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung và sửa chữa bản Di chúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại tầng 2 Nhà sàn, tháng 4-1960.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại tầng 2 Nhà sàn, tháng 4-1960.

Năm 1969, ngày 10-5, từ 9h30 đến 10h30, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa bản Di chúc, Người viết toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc vào mặt sau tờ Tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam ra ngày 3-5-1969. Ngày 11-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bổ sung và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 12-5, từ 8h sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị. Đến 15h, Người sửa phần mở đầu và phần viết thêm của Di chúc năm 1968.

Ngày 13-5, từ 9h đến 10h, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa bản Di chúc. Người sửa đoạn mở đầu và phần viết thêm của năm 1965. Các ngày 14, 15, 16, 17 và 18, từ 9h đến 10h, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 19-5, từ 9h đến 10h, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Người xem lại tài liệu và xếp vào phong bì cất đi.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 3-9-1969, Bộ Chính trị triệu tập cuộc họp bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng để quyết định tổ chức quốc tang và công bố bản Di chúc của Người viết lần đầu năm 1965. Quyết định này hợp lý lúc đó vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có cả chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Đá Chông, Sơn Tây, tháng 2-1958.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Đá Chông, Sơn Tây, tháng 2-1958.

Sau khi Tổ quốc thống nhất, công cuộc khôi phục, xây dựng lại đất nước bị chiến tranh kéo dài tàn phá đã tạm ổn định thì đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn hồi ký Bác Hồ viết Di chúc bằng tình cảm tận tụy, sâu nặng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với lịch sử. Cuốn hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ được sự cộng tác nhiệt tình của đồng chí Thế Kỷ, một sĩ quan nghiên cứu lịch sử, công tác tại Bộ Tư lệnh phòng không - không quân.

Sau khi bản thảo cuốn sách hoàn thành, đồng chí Vũ Kỳ đã gửi đến Nhà xuất bản Sự thật (Chính trị quốc gia) để biên tập, xuất bản đồng thời tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sau đó phát hành rộng rãi trong toàn quốc nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng vào dịp này, ngày 19-8-1989, Bộ Chính trị ra thông báo số 151/TB-TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà do hoàn cảnh lịch sử của năm 1969 chưa được công bố, đó là các tài liệu, bản viết gốc Di chúc có chỉnh sửa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản công bố chính thức tháng 9-1969 là hoàn toàn trung thành, chính xác với bản gốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân chống lụt ở Bắc Ninh, tháng 7-1960.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân chống lụt ở Bắc Ninh, tháng 7-1960.

Ý nghĩa lịch sử

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kiệt tác chứa đựng tinh thần cao cả, sâu sắc nhưng cũng rất gần gũi với đời sống hằng ngày của một nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục và nhà văn hóa lỗi lạc; vừa mang tính triết lý truyền thống đồng thời cũng chỉ ra con đường tương lai; vừa là cảm nghĩ của một vĩ nhân nhưng cũng là sự đúc kết các quy luật của tự nhiên, xã hội, con người một cách đơn giản, nhẹ nhàng, kinh nghiệm, cô đọng, triết luận.

Chọn dịp sinh nhật để viết những dòng tài liệu bí mật để lại cho đồng bào, đồng chí và Tổ quốc nên phong cách diễn đạt suy nghĩ của Người trong Di chúc rất độc đáo, đó là sự kết hợp hài hòa giữa dân gian và bác học, cổ điển và hiện đại, phù hợp giữa tinh thần Đông phương với tình hình thực tiễn của thời điểm đó và cả về sau này, mang chất dung dị, đời thường, chứa đựng tình cảm thương yêu mênh mông bao trùm hết thảy của một trái tim nhân hậu.

Những ý tưởng của Người được diễn tả chân thực vì nói đúng sự thật khách quan và chính xác về chủ quan; ngắn gọn, dễ hiểu bởi mọi tâm ý đều đã được khái quát, chắt lọc tối giản; nhân văn và thiết thực.

Chính vì tư tưởng, phong cách, đạo đức cao thượng, đẹp đẽ, trong sáng như vậy nên tác phẩm này chỉ có thể thuộc về một con người vĩ đại, có tầm nhìn thời đại và hàm chứa suy nghĩ của cả nhân loại. Nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy khí phách, tinh thần lạc quan cách mạng của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng như Jean Lacourture đã nhận xét: “Văn phong kỳ lạ rõ ràng là thế! Người ta không thấy có giọng văn này ở cả Stalin, Churchill hay De Gaulle, còn văn Cụ Hồ thì vươn tới tiếng nói của lịch sử”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với nhân dân khu tập thể Kim Liên, Hà Nội, tháng 3-1963.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với nhân dân khu tập thể Kim Liên, Hà Nội, tháng 3-1963.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào vai trò, vị trí và tính tiên phong của Đảng cầm quyền, một chính Đảng cần phải lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng, có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh và người đảng viên luôn xác định phải trung thành, tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ vững tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định về tư cách của đảng cầm quyền, trong đó nền tảng là đạo đức của đảng viên. Người đã nói rõ, cách mạng muốn thành công trước hết phải có “đảng cách mệnh”, tuy nhiên: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Muốn gánh vác được trách nhiệm nặng nề đó, đảng viên cần có đạo đức cách mạng, đó là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì Dân mà đấu tranh quên mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên nhắc nhở: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”.

Và, trong Di chúc, Người cũng nhấn mạnh những vấn đề cơ bản, quyết định đến sự tồn vong của đảng cầm quyền, đó là: đoàn kết, tự phê bình và phê bình, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục tiêu duy nhất để hướng tới, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, để nhân dân có quyền làm chủ đất nước. Vì thế, Người luôn tâm niệm rằng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Trong những lời cuối cùng để lại, Người quan tâm từng chi tiết tới người dân của các tầng lớp xã hội, nhắc những công việc cụ thể đối với những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đến những nạn nhân của xã hội cũ. Đó không chỉ là niềm tin vững chắc, sự khẳng định về thắng lợi cuối cùng của một dân tộc anh hùng đấu tranh vì chính nghĩa mà còn là tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu con người vô bờ bến.

Như nhà sử học Helen Tourmel đã viết: “Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình... Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp giữa đạo đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Karl Mark, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn xa, sự quan tâm sâu sắc, chăm lo, bồi dưỡng các thế hệ cách mạng đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề đào tạo, giáo dục các thế hệ cách mạng kế cận, đặc biệt là lứa tuổi đoàn viên, thanh niên bởi: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Hơn thế nữa, đội quân chủ lực, nguồn sức mạnh tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng chính là nhờ các thế hệ thanh niên, nếu như lực lượng thanh niên được giáo dục, rèn luyện thử thách trong thực tiễn cách mạng thì chắc chắn sẽ trở thành lực lượng hậu bị vững chắc của Đảng và của dân tộc.

Chiến lược đối với thế hệ trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là cẩm nang cần thiết cho một giai đoạn cách mạng cụ thể mà đó còn là yêu cầu quan trọng phục vụ mãi mãi sự nghiệp và lý tưởng cách mạng.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản thảo Di chúc.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản thảo Di chúc.

Giá trị trường tồn

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn của đạo đức cách mạng đối với xã hội nói chung và đặc biệt quan trọng đối với tư cách của người đảng viên: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Cả cuộc đời Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản.

Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh rất sâu sắc, toàn diện và mang tính thiết thực, tuy ở mỗi giai đoạn lịch sử, tùy theo yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp cách mạng, những tiêu chí của đạo đức được bổ sung thêm nhưng nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng không thay đổi. Trải qua nửa thế kỷ quyết tâm thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vững vàng lãnh đạo đất nước ta đến những thành công to lớn về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngoại giao...

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo, đó là: xác định nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; lấy xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu lâu dài; dựa vào dân để xây dựng Đảng; Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và kể từ đó đến nay cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thoái hóa trong tổ chức Đảng diễn ra quyết liệt, nóng hổi, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, quần chúng nhân dân hồ hởi, phấn khởi, ủng hộ, dõi theo từng ngày và qua đó đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng.

Trước tình hình đó, vai trò trách nhiệm của người đảng viên càng nặng nề hơn, mỗi người cần phải kịp thời rút ra những bài học thực tế cho riêng bản thân, không ngừng tu dưỡng đạo đức người đảng viên bằng những hành động cụ thể trong đời sống hằng ngày và khi thực thi nhiệm vụ.

Đã tròn 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị, đó là một áng văn tuyệt bút minh chứng cho lòng yêu nước, thương dân thiết tha, vô bờ bến, một trí tuệ mẫn tiệp, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, một tấm gương đạo đức ngời sáng và tình đoàn kết quốc tế nồng nhiệt, chân thành.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi soi rọi con đường chân lý chẳng những cho nhân dân ta mà còn cho tất cả những dân tộc trên thế giới đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc của loài người.

Đỗ Hoàng Linh - PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nhung-dieu-it-biet-ban-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-559361/