Những điều ít biết về Trường tiểu học Tân An I

Không như nhiều cơ sở trường lớp, được nhà nước đầu tư, quy hoạch đất đai để xây dựng. Sự ra đời của ngôi Trường tiểu học Tân An I, xã Tân An, huyện Hàm Tân (nay là phường Tân An, thị xã La Gi) trong thời kỳ bao cấp lại có một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.

Xã Tân An lúc bấy giờ có 2 Ban giám hiệu trường tiểu học, riêng Ban giám hiệu Trường Tân An I phải quản lý 3 phân hiệu gồm 1 phân hiệu ở Tân Tạo (khu phố 1), 1 phân hiệu ở Phước An (khu phố 7), và 1 phân hiệu ở Phước Bình (khu phố 8). Cả 3 phân hiệu này, mỗi phân hiệu chỉ mở được vài lớp, trường lại xuống cấp nghiêm trọng do xây dựng trước giải phóng quá lâu. Học trò lớp 4, lớp 5 phải dồn lớp, các cháu đi học đường xa rất cách trở, nhiều cháu phải bỏ học nửa chừng. Tình trạng này khiến cho Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và giảng dạy, từ đó dẫn đến chất lượng học của các cháu không tốt, không sánh kịp với những trường khác. Phụ huynh rất tâm tư cho điều kiện học hành của con cái mình.

Đã có nhiều ý kiến đưa ra để tìm một giải pháp tốt nhất cho vấn đề này, như xin kinh phí sửa chữa lại trường, mở thêm lớp ở từng phân hiệu để tạo điều kiện cho các cháu thuận tiện trong việc học. Song tất cả những ý kiến này vẫn không có lối ra vì kinh phí thì huyện không có để sửa một lúc 3 trường, mở thêm lớp cho từng phân hiệu thì không đủ học sinh và giáo viên không thể “chạy sô” từ trường này sang trường khác.

Giữa những bế tắc tưởng chừng như không lối thoát đó. Lãnh đạo UBND xã Tân An lúc bây giờ đã hết sức táo bạo khi đưa ra một ý tưởng mà người mới nghe, nếu chưa tường tận hết vấn đề, sẽ cho là không thực tế.

Ý tưởng ấy là, xây dựng một trường học mới nằm ở trung tâm hai khu dân cư Phước Bình và Tân Tạo, để sáp nhập 2 phân hiệu này thành 1, như vậy ta sẽ có 1 trường hoàn chỉnh, đủ điều kiện để mở từ lớp 1 đến lớp 5. Các cháu đi học bên nào cũng gần.

Vấn đề khó khăn nhất là đất ở đâu ngay khu trung tâm đủ rộng để xây trường. Nhằm tháo gỡ vấn đề này, một lần nữa lãnh đạo UBND xã Tân An lại “táo bạo” đưa ra đề xuất, phải giải tỏa nghĩa trang Tân Tạo, di dời mồ mả về nghĩa trang mới, xa dân cư, nhưng cao ráo, sạch đẹp hơn. Lý do để đưa ra đề xuất trên là khu đất nghĩa trang Tân Tạo nằm ngay cạnh đường lộ, trung tâm giữa làng dân cư, đất đủ rộng để xây trường.

Vấn đề thứ hai, kinh phí để xây trường. Không thể ngồi đó chờ đợi kinh phí của huyện cấp về, trong điều kiện mà huyện Hàm Tân lúc bấy giờ nhiều nơi còn chưa có cả trường để các cháu học. Vì vậy để có kinh phí xây trường, cách tốt nhất là dựa vào dân. UBND xã sẽ là làm trung tâm đứng ra vận động nhân dân đóng góp xây dựng kể cả trong và ngoài nước.

Hướng thì đã định rồi, nhưng khi vào thực hiện không dễ dàng chút nào. Cái khó nhất là làm sao vận động dân di dời mồ mả, vì đây là nghĩa trang có từ lâu. Chủ trương di dời nếu không có tính thuyết phục cao, không được giáo dân đồng tình thì khó thực hiện.

Nhưng sau nhiều lần lãnh đạo xã trực tiếp thuyết phục vận động, bà con nhận ra sự cần thiết phải di dời nghĩa trang, đưa hài cốt của thân nhân họ vào nghĩa trang mới, cao ráo hơn, khang trang hơn, nhường phần đất để chính quyền xây dựng trường học cho các cháu học hành ổn định, vì lợi ích thiết thực của nhiều thế hệ con cháu sau này. Vậy là chỉ trong vòng 2 tháng từ khi có thông báo di dời, hàng trăm ngôi mộ đều được bà con tự nguyện di dời nhanh chóng, chính quyền cũng không phải đền bù hỗ trợ gì. Đây được xem như sự đóng góp thiết thực đầu tiên, hay nói đúng hơn tấm lòng của bà con xứ đạo đối với sự nghiệp giáo dục.

Đất đã có, nhưng tiền xây dựng chưa có đồng nào. Làm một trường học kinh phí đâu phải nhỏ. Đang loay hoay tìm cách huy động; như một cơ duyên, anh Đặng Đình Ninh một việt kiều Đức về thăm gia đình ở giáo xứ Tân Tạo, từ chỗ quen biết nhau và biết được ý định xây trường học của xã, vậy là anh đã tình nguyện đứng ra vận động ủng hộ xây dựng trước 4 phòng học. Mọi thủ tục đều được UBND huyện đồng ý và chỉ trong thời gian ngắn, sau khi anh về Đức và quay lại, hè năm 1988, 4 phòng học được nhanh chóng xây dựng trên phần đất nghĩa trang của giáo xứ Tân Tạo. Những hạng mục còn lại và một số phòng xây thêm sau này do ngân sách cấp và nhân dân đóng góp.

Đây có thể nói một công trình mang ý nghĩa hết sức đặc biệt trong giai đoạn mà đất nước đang còn rất nhiều khó khăn. Ngôi trường được huy động từ sức dân mà ra.

Trên 30 năm trôi qua, từ ngôi trường này, đã có nhiều thế hệ học sinh ra đi và thành công trên nhiều lĩnh vực. Trường bây giờ cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang hơn, sân trường rộng thoáng rợp bóng cây xanh, nhưng mấy ai còn nhớ những viên gạch đầu tiên được đặt trên nền đất nghĩa trang ẩm ướt của một thời gian khó.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-truong-tieu-hoc-tan-an-i-105797.html