Những điều ít biết về xóa xăm bằng laser

Xăm mình, đặc biệt ở tuổi thanh niên ngày càng phổ biến. Đây được coi là một cách để làm đẹp của nhiều người. Tuy nhiên, khi đến một lứa tuổi nào đó hoặc giai đoạn nào đó, họ lại có nhu cầu xóa xăm. Dưới đây là những thông tin hữu ích về xóa xăm bằng laser.

Trước đây, khi công nghệ xóa xăm bằng mài da vật lý hoặc sử dụng công nghệ laser cũ có thể để lại sẹo xấu. Ngày nay, sự kết hợp đa công nghệ laser hiện đại (laser pico, FCO2, Nd:Yag) cùng nhiều bước sóng khác nhau là điểm đột phá trong phương pháp xóa xăm, ít để lại sẹo xấu và tổn thương da vùng xung quanh.

1. Đặc điểm tổn thương da sau xăm

Vết xăm da do sự xâm nhập của các sắc tố nguồn gốc từ ngoài cơ thể tạo ra. Mực xăm là hỗn hợp các chất màu được pha trong dung dịch. Dung dịch này có nguồn gốc từ khoáng chất, chất hữu cơ, một số có gốc chất dẻo. Về cơ bản, thành phần của chúng ít được biết rõ.

Sau khi được đưa vào cơ thể các hạt chất màu bị giữ lại ở các tế bào như nguyên bào sợi, đại thực bào và các dưỡng bào. Giai đoạn này mực xăm nằm trong toàn bộ lớp biểu bì, tiếp giáp biểu bì - chân bì.

Sau một tháng, các hạt mực bị vón lại ở các tế bào đáy. Lớp màng đáy hình thành trở lại ngăn không cho các hạt màu di chuyển qua biểu bì ra ngoài làm cho hình xăm tồn tại vĩnh viễn.

Sau 2-3 tháng xăm, chỉ còn thấy các chất màu trong nguyên bào sợi chân bì, chủ yếu quanh các mạch máu nằm dưới lớp xơ thay thế mô hạt, kích thước các hạt màu nằm trong khoảng 100nm - 4µm.

Kỹ thuật xóa xăm với sự kết hợp đa công nghệ laser hiện đại sẽ giúp giảm sẹo và tổn thương vùng da xung quanh.

Kỹ thuật xóa xăm với sự kết hợp đa công nghệ laser hiện đại sẽ giúp giảm sẹo và tổn thương vùng da xung quanh.

2. Kỹ thuật xóa xăm bằng laser

Thời điểm để xóa các hình xăm phải tối thiểu từ 6-8 tuần sau khi xăm mới không làm tổn thương da. Hiện nay, xóa xăm được thực hiện bằng các phương pháp:

- Laser bốc bay: Là kỹ thuật dùng laser bốc bay để lấy đi hoàn toàn mực xăm, thường chỉ làm một lần. Nhược điểm của phương pháp này là gây tổn thương sâu, sẽ để lại sẹo trên da. Phương pháp này thường được sử dụng khi mong muốn xóa nhanh.

- Laser chọn lọc: Kỹ thuật này được thực hiện để xóa xăm nhiều lần. Tùy loại mực xăm, kỹ thuật viên sẽ sử dụng một loại laser có bước sóng khác nhau. Đáp ứng điều trị cũng sẽ khác nhau tùy thuộc loại mực, màu mực cũng như diện tích hình xăm và cơ địa của người xóa xăm.

Ví dụ, với kích thước 532nm là lý tưởng để xóa hình xăm màu đỏ và hồng. Kích thước 1064nm (Nd:YAG) là lý tưởng để xóa hình xăm màu đen, xanh đen, nâu.

Với laser chọn lọc phải thực hiện nhiều lần, mất thời gian, nhưng sẽ không để lại sẹo.

Ngoài các kỹ thuật laser xóa xăm, thì hiệu quả xóa xăm phụ thuộc nhiều yếu tố:

Type da của người xăm.
Vị trí hình xăm.
Tuổi hình xăm.
Màu sắc hình xăm.
Thành phần hạt mực xăm.
Kiến thức, kỹ năng của bác sĩ và kĩ thuật viên.

Lưu ý, sau xóa xăm cần tránh nắng và dùng kem chống nắng để giảm tình trạng rối loạn sắc tố. Vệ sinh vùng da xóa xăm cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhiễm trùng.

3. Tai biến có thể gặp khi xóa xăm

Khoảng cách mỗi lần xóa xăm thường 4 -8 tuần. Sau mỗi lần xóa xăm, với màu mực xăm sáng như hồng, trắng, đỏ tươi, nâu nhạt… thì da có thể bị phản ứng sậm lại do chất titanium dioxit và sắt oxit bị phản ứng oxy hóa khử.

Do phải dùng laser để xóa xăm, nên tại vùng da đó sẽ bị chảy máu, rộp da… Nếu không được chăm sóc tốt có thể bị nhiễm trùng, để lại sẹo... Ngoài ra, sau xóa xăm, vùng da đó có thể bị tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố…

Chính vì vậy, để điều trị hiệu quả, an toàn hạn chế tối đa các tác dụng phụ, cần chọn cơ sở điều trị uy tín và bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn kỹ thuật cao...

BSCK I.Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-xoa-xam-bang-laser-16923060617492156.htm