Những điều khiến con cái mất đi lợi thế mà cha mẹ không ngờ tới
Các chuyên gia đều cho rằng, việc trẻ được nếm trải sự thất bại và tự điều chỉnh cảm xúc để thích nghi là rất quan trọng trong suốt thời thơ ấu.
Trong vài thập kỷ qua, đã có nhiều kiểu cha mẹ mới xuất hiện. Từ những ông bố, bà mẹ “trực thăng” luôn kè kè bên cạnh để bao bọc con, đến các bậc cha mẹ “hổ” dạy con một cách nghiêm khắc.
Những phong cách làm cha mẹ này đều có một điểm chung là theo sát và can thiệp vào đời sống của con quá mức. Họ ít trao cho con quyền tự chủ, gây nhiều áp lực với mong muốn con cái thành công trong học tập, đi kèm với đó là không cho phép những đứa trẻ được phép trải qua cảm giác thất bại hay thua cuộc.
Đây cũng là kiểu cha mẹ sẵn sàng quay trở lại trường học nếu con để quên bộ đồ thể thao, làm giúp con bài tập về nhà hoặc sẵn sàng đối đầu với giáo viên nếu thấy con mình bị đối xử bất công. Khi những đứa trẻ ấy lớn lên, họ cũng chính là người sẽ quyết định xem con nên theo học ngành gì.
Thậm chí, những bậc cha mẹ này còn không cho phép trẻ vị thành niên đi cắm trại chỉ vì sợ con bị bắt cóc.
Những hành động thái quá trên hoàn toàn xuất phát từ tình yêu thương. Tuy nhiên, chính vì không để con có cơ hội trải nghiệm cảm giác làm sai và thất bại, họ đã khiến những đứa trẻ của mình mất đi lợi thế khi trưởng thành.
Sức mạnh của thất bại
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, xuất hiện ngay sau cảm giác thất bại là khả năng tự phục hồi. Những đứa trẻ được nếm trải cảm giác cay đắng khi thua cuộc sẽ học được cách đối phó với sự thất vọng trong tương lai. Chúng biết cách điều tiết cảm xúc một cách hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, hầu hết các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ảnh hưởng của việc theo sát con cái quá mức đều tập trung vào lứa tuổi dậy thì. Thế nhưng, tác hại của cách nuôi dạy con này thực ra đến từ rất sớm và ở hầu hết mọi lứa tuổi.
Từ đó, những đứa trẻ độ tuổi mẫu giáo chuẩn bị vào tiểu học, khi được phụ huynh quan tâm quá mức thường nhút nhát, hay lo âu và không thích mở rộng các mối quan hệ. Áp dụng cùng phương pháp kiểm tra với độ tuổi thanh thiếu niên và sinh viên đại học, các hậu quả tiêu cực này vẫn tiếp diễn. Nguy hiểm hơn, hành vi sử dụng ma túy và chất kích thích ở nhóm trẻ này cũng cao hơn so với các gia đình để con cái được quyền quyết định.
Việc dạy dỗ, theo sát con một cách quá mức không chỉ gây áp lực lên trẻ, mà vô tình còn tạo áp lực cho chính các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh bị lo lắng, căng thẳng ở mức độ cao. Cảm xúc này được bộc lộ ra ngoài và dễ ảnh hưởng ngược đến con cái của họ. Một vòng lặp tiêu cực cứ thế diễn ra trong những gia đình này.
Chắc chắn rằng, việc bảo vệ con cái tránh khỏi tổn thương là bản năng của các bậc cha mẹ. Những đứa trẻ có cha mẹ ấm áp, yêu thương cũng có xu hướng thành công hơn những đứa trẻ có cha mẹ lạnh lùng. Nhưng khó khăn trong việc dạy con nằm ở chỗ, phụ huynh nên biết can thiệp vào đời sống của con ở mức độ nào.
Cuôc sống không thể tránh khỏi những rắc rối và thất vọng. Tốt hơn hết là dạy trẻ tự đối mặt hơn là giải quyết vấn đề thay chúng. Bằng cách đó, trẻ sẽ mạnh mẽ và sẵn sàng cho cuộc sống tự lập hơn sau này.
Thời Vũ(Theo Channel News Asia)
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/hay-de-cho-tre-duoc-quyen-that-bai-790306.html