Những điều kiêng kỵ khi lau dọn bàn thờ ngày ông Công ông Táo
Việc lau dọn bàn thờ nên thực hiện sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo và có nhiều lưu ý để tránh phạm phong thủy.
Tết ông Công ông Táo năm nay là ngày 23 tháng Chạp âm lịch, tức rơi vào ngày 22/1 dương lịch. Theo quan niệm dân gian, đây là dịp vị thần cai quản chuyện bếp núc sẽ bay về Trời, báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện tốt - xấu của gia đình trong suốt một năm.
Sau khi cúng tiễn ông Táo, thường trước 12h ngày 23 tháng Chạp, thần linh đã đi vắng, là thời điểm thích hợp nhất để các gia đình tiến hành dọn dẹp bàn thờ mà không ảnh hưởng đến việc thờ cúng.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Viện nghiên cứu bảo tồn Văn hóa và phát triển phương Đông), thông thường gia chủ nên cúng ông Công ông Táo trước rồi mới lau dọn bàn thờ, rút tỉa chân nhang.
Theo quan niệm dân gian, thực hiện nghi thức dọn dẹp bàn thờ ngày cuối năm cần tránh phạm vào điều kiêng kỵ, nếu phạm phải có thể khiến gia đình gặp trắc trở, năm mới khó khăn.
Trước khi lau dọn, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề, giữ cho tinh thần thanh tịnh, kiêng ăn những món tanh nồng như thịt chó. Cần thắp hương khấn xin trước khi tiến hành các nghi thức.
Không nên dùng chung chổi và khăn lau những chỗ khác trong nhà để lau dọn bàn thờ. Cần chuẩn bị chổi, khăn riêng, được giặt sạch sẽ để đảm bảo sự thanh tịnh.
Trong quá trình lau dọn, một điều kiêng kỵ là khiến bát hương bị xê dịch. Để tránh điều này, người thực hiện nên dùng một tay rút chân hương, một tay giữ bát hương, làm một cách thật nhẹ nhàng.
Điều tối kỵ tiếp theo là không được lau dọn, bao sái bát hương của gia tiên trước bát hương của thần linh. Nên lau bát hương trước rồi mới đến lau dọn các đồ thờ khác.
Việc lau dọn nên được thực hiện từ cao xuống thấp. Nếu đồ thờ cúng bằng đồng, gỗ, không nên lau quá nhiều nước hoặc dùng chất tẩy mạnh như cồn, dễ làm tróc sơn hoặc bạc màu.