Những điều kỳ lạ chỉ có ở Brunei
Đất nước này yên tĩnh, bình lặng, chẳng có gì ngoài… vàng và dầu mỏ.
Những lúc lòng bộn bề, tôi đã từng mơ về một nơi để “trốn cả thế giới” - một nơi hoang sơ, ít người và yên tĩnh. Nhưng trong đời thật, những nơi như vậy lại làm tôi thấy mình thêm tội nghiệp vì cô đơn. Cho đến khi tôi tìm tới Brunei.
Quốc gia tĩnh lặng…
Người đón tôi ở sân bay và đồng hành trong suốt cuộc hành trình cùng tôi là Sugu, gốc Malaysia đã sinh sống lâu năm tại Brunei.
Còn Brunei đón tôi bằng một sự vắng vẻ đến ngỡ ngàng. Phải công nhận đường sá ở quốc gia này rất rộng rãi, hiện đại và sạch đẹp. Dù đường sá thênh thang vậy nhưng chỉ lác đác vài chiếc xe qua lại và rất hiếm thấy người dân đi bộ ngoài đường.
Vậy nên cảm giác của tôi khi đến Brunei là cảm giác “tĩnh”. Đi đâu cũng thấy vắng vẻ. Ở nước này hoàn toàn không có bar, club... vì là nước Hồi giáo nên cấm bia rượu. Tuy nhiên, các món ăn chơi khác thì đều được đầu tư rất đẳng cấp. Nhưng Sugu bảo mục đích họ đầu tư tất cả các công trình ăn chơi đều là để cho người dân trong nước hưởng chứ không phải đầu tư để làm du lịch. Có mở cửa cho du khách cũng là để chia sẻ niềm tự hào của họ chứ nó không phải để thương mại hóa.
Brunei cũng sang chảnh theo kiểu rất khác người. Thay vì dày đặc tòa nhà chọc trời như những đất nước phát triển, Brunei lại xa hoa với những tòa thánh, cung điện mái vòm dát vàng nguyên khối như trong chuyện cổ tích thần tiên. Bên trong các cung điện, tòa thánh, vàng ròng được phủ khắp nơi. Cũng dễ hiểu, bởi đất nước này cực kỳ giàu có nhờ lượng dầu mỏ tự nhiên có sẵn ngay dưới lòng đất. Bởi vậy, người ta hay nói đùa Brunei không có gì ngoài… vàng và dầu mỏ.
Có lẽ vì thế mà người dân Brunei được chính phủ bao cấp đủ đầy cho cuộc sống. Họ được cấp nhà miễn phí, các dịch vụ như giáo dục, y tế... đều được sử dụng miễn phí. Thậm chí cả những trường hợp muốn đi du học, hay cần thiết ra nước ngoài chữa bệnh cũng được hỗ trợ tối đa. Nếu phải trả tiền, họ chỉ phải trả tượng trưng... 1 USD cho mỗi dịch vụ.
… nhưng không buồn
Chỉ mất đúng một ngày, Sugu đã đưa tôi đi tham quan hết Brunei nhỏ bé. Từ hoàng cung đâu đâu cũng dát vàng xa hoa lấp lánh dưới nắng, khu vườn quốc gia Temburong… cho đến ngôi làng nước cổ Kampong Ayer,nơi sinh sống sơ khai của người dân Brunei xưa.
Brunei bé nhỏ là thế, vậy mà có đến hơn 75% diện tích là rừng, trong đó có tầm 10% dân số sống rải rác trong rừng. Số dân còn lại sống ở trung tâm với 1/4 diện tích thôi. Rừng bạt ngàn giúp thời tiết Brunei lúc nào cũng mát mẻ, trong lành.
Tôi thích nhất là khu vườn quốc gia Temburong, nó như một xứ sở thần tiên tách biệt với thế giới bên ngoài. Trải nghiệm chèo thuyền kayak xuôi theo con sông nước trong vắt bên trong một khu rừng nguyên sinh thật sự rất tuyệt.
Càng đi sâu vào rừng không khí càng dễ chịu. Tôi đi vào rừng tầm 9 giờ 30 sáng, nắng rực, vậy mà không khí vẫn cực kỳ mát mẻ. Tới tầm chiều chiều thì se se lạnh.
Đoạn đường vào khu thám hiểm du khách sẽ đi bằng xuồng máy. Tôi mê cái cảnh hai bên cây cối hùng vĩ, hoang sơ, ngồi xuồng xuôi dòng nước mát, không khí thì trong lành... đưa con người vào thế giới tĩnh lặng, bình yên và thanh lọc tinh thần.
Trong rừng này có đầy đủ các món ăn chơi: Có các nhà sàn, nhà trên cây và ở tập thể, có cả chỗ dạy nấu ăn món địa phương... Khu leo núi cũng có nhiều địa hình, tùy mỗi ý thích của khách mà họ lên kế hoạch khác nhau.
Chúng tôi được đưa đi đầy đủ các địa hình: đường rừng, đường gỗ, cầu xây kiên cố... Mục tiêu cuối cùng của việc leo lên đỉnh núi là để trèo lên một đỉnh tháp được dựng bằng thép không gỉ rất vững chãi.
Để mọi người có cơ hội được chiêm ngưỡng trọn vẹn rừng núi bạt ngàn quý giá của Brunei, cùng cảnh tượng chim chóc, thú rừng thức giấc nô đùa trên những ngọn cây khi mặt trời ló dạng, chính phủ cho xây dựng một cây cầu bằng thép kiên cố ngay trên đỉnh núi. Đứng trên đó, tôi đã thấy được những cảnh tượng hùng vĩ và ngoạn mục nhất trong cuộc đời.
Sugu bảo tốt nhất nên đi tham quan qua đêm trong rừng. Mọi người sẽ được đi leo núi sáng sớm, lên tới đỉnh tháp vừa lúc mặt trời mọc. Thời điểm đó thú rừng, chim chóc cũng đều thức dậy và tập trung trên các ngọn cây...
Ngắm cảnh cho thỏa thích lòng người xong, chúng tôi xuống xuồng máy để đi ngược lại đoạn đường về. Đi cỡ 1/3 đoạn đường, chúng tôi được đưa vào một đoạn thác nhỏ như con suối. Điều đặc biệt là chỗ con suối đó có rất nhiều cá. Khi du khách ngâm chân hoặc tắm, cá sẽ bu lại rỉa chân. Món fish massage thì chắc mọi người đã quen quá rồi đúng không? Nó đó!
Ôi đàn ông Brunei
Chủ đề hot nhất trong chuyến đi của tôi là việc đàn ông ở Brunei được phép lấy... bốn người vợ, nhưng làm gì cũng phải có tôn ti trật tự. Nghĩa là muốn lấy bà Hai thì phải được bà Một đồng ý, và đương nhiên muốn lấy bà Ba, bà Bốn thì phải được bà chánh thất và các bà... mé mé chánh gật đầu ưng thuận. Chưa được cho phép mà “xử” trước là bị ở tù nhé (rất nghiêm túc).
Đặc biệt, các ông muốn lấy nhiều vợ đều phải chứng minh mình đủ khả năng tài chính để lo được cho cuộc sống của tất cả các bà vợ và những đứa con của họ. Nhưng nếu là dân Brunei chánh gốc, mọi thứ đều được vua lo thì coi như chắc chắn ai cũng đủ điều kiện rồi.
Đức vua Brunei hiện tại có ba người vợ. Nhưng có lần tôi đọc được trên báo thấy ông đã ly hôn một người rồi. Ông có 12 con gồm bảy người con gái và năm người con trai. Tôi nghe Sugu kể đức vua đang xây cho mình một cung điện mới. Nó lạ vì cung điện hiện tại của hoàng gia Brunei là cung điện lớn nhất thế giới. Nghe bảo nếu mỗi đêm chủ nhân ngủ ở một phòng thì mất vài năm mới ngủ hết tất cả số phòng trong cung điện. Vì vậy, khi nhà vua bắt đầu xây cho mình thêm một cung điện riêng, chưa biết cung điện đó sẽ lập nên kỷ lục gì.
* * *
Brunei là đất nước Hồi giáo đầu tiên tôi đặt chân đến. Trước khi đi, tôi cũng có cảm giác sờ sợ vì nghe nói có quá nhiều điều cấm kỵ. Tuy nhiên, Brunei không hề “khó” như tưởng tượng của tôi. Đó là một quốc gia tuy nghiêm ngặt về nhiều giáo luật nhưng lại rất yên bình, tĩnh lặng - tĩnh nhưng không buồn.