Những điều người Anh có thể chưa nhận ra về 'chốt chặn' cuối cùng của Brexit (Phần 1)
Có nguy cơ các chốt biên phòng dọc theo đường ranh giới sẽ được tái thiết lập, cùng với việc tái lập kiểm soát hải quan và chấm dứt tự do lưu thông hàng hóa giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.
Trong một lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk được công bố ngày 19/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã một lần nữa kêu gọi hủy bỏ điều khoản “Backstop”, vì cho rằng đó là điều khoản "không khả thi” và “phản dân chủ”.
Hiện phía Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đưa ra phản hồi rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với ông Johnson vào tối 19/8, Thủ tướng nước Cộng hòa Ireland Leo Varadkar đã nhắc lại rằng thỏa thuận Brexit - thỏa thuận mà cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã đàm phán và đạt được với EU hồi cuối năm ngoái nhưng bị Quốc hội Anh bác bỏ đến 3 lần - là không thể "làm lại".
“Backstop” là gì?
Một trong những nội dung còn vướng mắc trong các cuộc đàm phán về Brexit là vấn đề đường biên giới giữa Cộng hòa Ireland - thành viên EU - và Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh.
Trong trường hợp Brexit “cứng” xảy ra, có nguy cơ các chốt biên phòng dọc theo đường ranh giới sẽ được tái thiết lập, cùng với đó là việc tái lập kiểm soát hải quan và chấm dứt tự do lưu thông tài sản, hàng hóa giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.
Lẽ dĩ nhiên, cả Anh và EU đều muốn tránh kịch bản này. Chính vì thế, “Backstop” - tức là phương án dự phòng và mang tính tạm thời liên quan đến vấn đề hải quan cho trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận sau giai đoạn chuyển tiếp, hay còn được gọi là “chốt chặn cuối cùng” - đã được cựu Thủ tướng Anh Theresa May chấp nhận như là một phần của thỏa thuận Brexit đạt được với EU vào tháng 11/2018.
Quy định này cho phép Bắc Ireland vẫn được điều chỉnh theo các tiêu chuẩn châu Âu để tránh việc kiểm soát hàng hóa với Cộng hòa Ireland, có nghĩa là Bắc Ireland vẫn nằm trong liên minh hải quan cho đến khi đạt được một giải pháp “biên giới mềm”.
Đổi lại, Vương quốc Anh vẫn sẽ ở trong liên minh hải quan EU, với điều kiện London phải tuân thủ các quy tắc hiện hành của EU liên quan đến hàng hóa và nông nghiệp ở Bắc Ireland, cũng như các quy tắc về viện trợ và cạnh tranh.
Các bên phản đối cho rằng kế hoạch này sẽ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ và vi phạm hiến pháp của nước Anh. Không chỉ vậy, các nghị sĩ theo chủ trương phản đối Brexit còn cho rằng cơ chế này có thể bị lợi dụng để giữ nước Anh trong liên minh hải quan vô thời hạn, vì “Backstop” không quy định thời hạn cụ thể và London có lẽ cũng không có đủ sức mạnh để đơn phương chấm dứt cơ chế.
Quan điểm của Thủ tướng Johnson
Bức thư dài 4 trang của ông Johnson gửi ông Donald Tusk đến trước thềm các cuộc gặp trong tuần này của ông với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong bức thư của mình, ông Johnson đã mô tả “Backstop” là “không phù hợp với chủ quyền của Vương quốc Anh” và khẳng định đây không thể là một phần của thỏa thuận để nước Anh rời EU.
Trước đó, Thủ tướng Johnson từng nhiều lần nhấn mạnh điều khoản “Backstop” trong thỏa thuận Brexit dưới thời Thủ tướng Theresa May là điểm mấu chốt mà ông không đồng ý. Bên cạnh đó, ông Johnson cũng cảnh báo rằng “Backstop” có nguy cơ “làm suy yếu sự cân bằng tế nhị” của thỏa thuận hòa bình vì các đảng phái chính trị như đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland rất không hài lòng với kế hoạch này.
Thủ tướng kêu gọi “các giải pháp linh hoạt và sáng tạo” cùng “các thỏa thuận thay thế” dựa trên công nghệ để tránh phát sinh đường biên giới cứng và nói rằng “Backstop” nên được thay thế bằng một cam kết nhằm thực thi hóa những thỏa thuận đó càng nhiều càng tốt trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, hiện tại là cuối năm 2020 - theo thỏa thuận của bà May.
Trong thư, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thời gian rất ngắn. Nhưng nước Anh đã sẵn sàng xúc tiến nhanh chóng và với cấp độ nền tảng đã có, tôi hy vọng EU sẽ sẵn sàng để hành động tương tự. Tôi cũng tự tin tưởng rằng Quốc hội sẽ có thể hành động nhanh chóng nếu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận thỏa đáng mà không cần ‘Backstop’”.