Những điều thú vị ít người biết về ngày Cá tháng Tư

Không phải cứ đến ngày Cá tháng Tư là bạn có thể vô tư nói dối mà không gặp rắc rối, tại một số quốc gia, mọi người chỉ được phép nói dối trêu đùa đến trưa 1/4.

Ngày Cá tháng Tư, diễn ra vào ngày 1/4 hằng năm, từ lâu đã trở thành một dịp để mọi người trên khắp thế giới thỏa sức sáng tạo ra các trò đùa và câu chuyện vui vẻ. Mặc dù ai cũng biết đây là "ngày nói dối" nổi tiếng, nhưng có những sự thật thú vị về ngày này mà ít người để ý tới.

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư vẫn còn là bí ẩn

Dù đã được nhiều quốc gia đón nhận, nguồn gốc của ngày này vẫn chưa được xác định rõ ràng, với nhiều giả thuyết khác nhau tồn tại. Pháp thường được công nhận là nơi khởi đầu của ngày Cá tháng Tư.

Một trong những giả thuyết phổ biến nhất cho rằng người Pháp đã coi ngày 1/4 là khởi đầu của mùa xuân và tổ chức năm mới trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 1/4. Tuy nhiên, vào năm 1582, Hoàng đế Charles IX của Pháp quyết định thay đổi lịch, chuyển ngày bắt đầu năm mới sang ngày 1/1.

Thời bấy giờ, khi các phương tiện liên lạc chưa phát triển, tin tức về sự chuyển đổi này chưa được phổ biến đồng đều, chủ yếu được truyền miệng hoặc thông qua các sứ giả. Kết quả là có những người không biết hoặc không chấp nhận thay đổi và vẫn tiếp tục kỷ niệm năm mới vào ngày 1/4. Những người đi tiên phong trong việc chấp nhận lịch mới đã không hài lòng với điều này, và bắt đầu sử dụng từ "ngớ ngẩn" để chỉ những người bảo thủ đó. Ngày 1/4 sau đó trở thành ngày tượng trưng cho sự sai lệch thông tin, và một số người đã tinh nghịch gọi đó là "ngày nói dối".

Vua Charles IX của Pháp ( Ảnh: Wikipedia)

Vua Charles IX của Pháp ( Ảnh: Wikipedia)

Khái niệm "Poisson d’avril" hay "Cá tháng Tư" cũng có một nguồn gốc thú vị khác. Nhà thơ d’Amerval được cho là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này, dựa trên ý tưởng rằng tháng Tư thuộc cung Song Ngư, được biểu tượng bởi hình ảnh hai con cá quấn vào nhau.

Dần dần, tục lệ đùa vui vào ngày 1/4 đã trở thành một truyền thống và lan rộng từ Pháp sang Anh và Scotland trong thế kỷ 18. Người Anh và người Pháp đã mang phong tục này đến các thuộc địa ở Bắc Mỹ, góp phần làm cho ngày Cá tháng Tư trở thành một ngày quốc tế, được hưởng ứng bởi nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Mỗi quốc gia có cách kỷ niệm khác nhau

Mặc dù tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là mang lại tiếng cười và niềm vui, mỗi quốc gia lại có những cách kỷ niệm và truyền thống riêng biệt, thể hiện sự đa dạng văn hóa.

Tại Scotland, ngày Cá tháng Tư trước đây được biết đến với tên gọi "săn chim cúc cu" (Hunt the Gowk), trong đó từ "gowk" vừa là tên gọi khác của chim cúc cu vừa mang nghĩa là "kẻ ngốc". Một trò đùa phổ biến trong ngày này là yêu cầu một người chuyển giúp tin nhắn đóng dấu với nội dung: "Dinna cười to, dinna cười mỉm. Hãy săn chim cúc cu ở nơi khác". Người nhận sau đó phải chuyển tiếp tin nhắn này đến một "nạn nhân" tiếp theo, tạo nên một chuỗi trò đùa không hồi kết.

Người ta cho rằng, trò đùa “hãy đá tôi một phát” bắt nguồn từ trò chơi ngày Cá tháng Tư của dân Scotland, theo đó mọi người cố gắng dán lén một con cá bằng giấy lên lưng người bị trêu.

Trò đùa dán một con cá bằng giấy vào lưng "nạn nhân". (Ảnh: Mont Roucous)

Trò đùa dán một con cá bằng giấy vào lưng "nạn nhân". (Ảnh: Mont Roucous)

Tại vùng đất Ba Tư cổ đại, có một sự kiện tương tự với tên gọi Sizdahbedar, thường diễn ra vào đúng ngày 1/4. Ngày này cũng là dịp để mọi người tham gia vào các trò đùa vui nhộn, tạo ra không khí rộn ràng và gắn kết trong các cộng đồng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, ngày Cá tháng Tư đặc biệt phổ biến với giới trẻ. Nhiều người coi đây là cơ hội để trêu chọc bạn bè và người thân, không chỉ để gây cười mà còn để tăng cường sự gần gũi và thân thiết. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ tận dụng ngày nói dối này để tỏ bày tình cảm với những người mà họ thầm mến, biến những lời đùa thành những sự thật ẩn giấu.

Tên gọi ngày Cá tháng Tư ở Việt Nam

Tại Anh, những ai bị lừa vào ngày 1/4 được gọi là “April Fool”, tức là kẻ ngốc của tháng Tư. Trong khi đó, ở Scotland, người bị lừa được gọi với cái tên "Gowk", cũng mang nghĩa tương tự. Nhưng đặc biệt, tại Pháp, những ai rơi vào bẫy trong ngày này được gọi là "Poissons d'Avril", có nghĩa là “những con cá tháng Tư”.

Ở Anh, những ai bị lừa vào ngày 1/4 là kẻ ngốc của tháng Tư. (Ảnh: HT)

Ở Anh, những ai bị lừa vào ngày 1/4 là kẻ ngốc của tháng Tư. (Ảnh: HT)

Tên gọi độc đáo này xuất phát từ một truyền thống hài hước nơi những người Pháp trẻ tuổi thường dán hình những con cá giấy lên lưng ai đó mà không để họ biết, tượng trưng cho sự nhẹ nhàng và ngây thơ của những trò đùa ngày Cá tháng Tư. Và có lẽ do ảnh hưởng của người Pháp nên ở Việt Nam chúng ta cũng gọi ngày này là ngày Cá tháng Tư.

Một số quốc gia chỉ được phép nói dối đến trưa ngày 1/4

Tại một số quốc gia, không phải lúc nào bạn cũng có thể vô tư tung ra những lời nói dối mà không gặp rắc rối.

Ở Mỹ, Pháp, Ireland và nhiều quốc gia khác, ngày Cá tháng Tư kéo dài trọn vẹn cả ngày. Mọi người có thể sáng tạo những lời nói dối, từ nhỏ đến lớn, hay thậm chí là những trò đùa công phu mà vẫn được đón nhận với nụ cười.

Tuy nhiên, tại Anh, Canada, New Zealand và Úc, truyền thống "nói dối" lại có sự khác biệt. Người dân ở các quốc gia này chỉ được phép thực hiện những trò đùa cho đến giữa trưa ngày 1/4. Sau mốc thời gian này, việc tiếp tục nói dối được coi là bất lịch sự và có thể khiến người bị đùa giận dữ hoặc tránh mặt. Trên thực tế, những trò đùa sau buổi trưa không chỉ không được hoan nghênh mà còn khiến người thực hiện trở nên "ngốc nghếch" trong mắt người khác.

Ngược lại, Tây Ban Nha lại có một ngày nói dối riêng biệt là ngày 28/12, được biết đến với tên gọi "Dia de los Santos Inocentes". Ngày này cũng tương tự như ngày Cá tháng Tư ở các nước khác, khi mọi người có thể thỏa thích nói dối mà không gặp rắc rối.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-dieu-thu-vi-it-nguoi-biet-ve-ngay-ca-thang-tu-ar933912.html