Những điều thú vị về chiếc ti vi có thể bạn chưa biết
Có rất nhiều điều thú vị có thể bạn chưa biết về chiếc ti vi mà gia đình bạn sở hữu hay những chương trình truyền hình bạn đang xem hàng ngày.
Ti vi (TV- hay còn gọi máy thu hình hay vô tuyến truyền hình) là hệ thống điện tử viễn thông có khả năng thu nhận tín hiệu sóng và tín hiệu qua đường cáp để chuyển thành hình ảnh và âm thanh (truyền hình).
Thế giới vẫn biết đến John Logie Baird là người phát minh ra chiếc TV đầu tiên vào năm 1925. Tuy nhiên, nguồn gốc ra đời của TV xa và phức tạp hơn thế. Lịch sử cho thấy, một sinh viên người Đức Paul Gottlieb Nipkow mới là người đầu tiên đưa ra phát kiến hệ thống TV cơ điện tử đầu tiên năm 1885. Thiết kế quay đĩa của Nipkow được xem là chuyển đổi hình ảnh thành các chấm điểm. Nhưng phải tới năm 1907, phát minh của công nghệ ống phóng đại mới giúp các thiết kế thành hiện thực. Thời điểm đó Constatin Perskyi đề xuất từ TV trong một xuất bản tại Viện điện tử quốc tế ở Hội chợ Quốc tế ở Paris vào 25 tháng 8 năm 1900.
Năm 1911, Boris Rosing và học trò của ông Vladimir Kosma Zworykin thành công trong việc tạo ra hệ TV sử dụng bộ phân hình gương để phát hình, theo Zworykin, "các hình rất thô" qua các dây tới ống điện tử Braun (ống cathode) trong đầu nhận. Các hình chuyển động là không thể bởi vì bộ phân hình, có "độ nhạy cảm không đủ và các phân tử selen quá chậm". Rosing bị Stalin đày đến Arkhangelsk năm 1931 và qua đời năm 1933, nhưng Zworykin sau đó quay lại làm việc cho RCA để xây dựng chiếc TV điện tử, thiết kế này sau đó bị phát hiện là vi phạm bản quyền của Philo Farnsworth, người đã công bố hệ thống phát hình đầu tiên từ năm 1928 trước đó.
Philo Farnsworth, một người Mỹ (sinh năm 1906) đã cho ra đời chiếc TV đầu tiên vào năm 1927. Tuy nhiên, bằng phát minh của ông không được hội Radio Mỹ (RCA) công nhận và phải tranh cãi mất một thời gian dài mới được công nhận bản quyền TV thuộc về mình.
Năm 1924, nhà khoa học người Anh Bellde đã thành công trong thí nghiệm truyền và tiếp nhận hình ảnh, khiến cho hình ảnh có thể truyền đi với khoảng cách xa, mở màn tiên phong cho những chiếc ti vi sử dụng vệ tinh sau này. Năm 1926, tại London, ông đã biểu diễn công khai thí nghiệm này khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc. Tuy chiếc TV mà ông nghiên cứu chế tạo ra chỉ có hai màu đen trắng và hình ảnh rất mờ nhưng lại đã mở màn cho sự xuất hiện của những chiếc TV sau này. Và Bellde được tôn là ''ông tổ của những chiếc TV".
Chiếc TV màu đầu tiên
Chiếc TV màu đầu tiên trên thế giới được phát minh bởi John Logie Baird vào năm 1925. John Logie Baird là một nhà phát minh người Scotland. Ông là người đầu tiên giới thiệu công nghệ truyền hình màu sử dụng bóng đèn điện tử, đặt một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của công nghệ truyền hình.
Bài thuyết minh cho chiếc TV màu đầu tiên của Logie Baird diễn ra vào năm 1928. Chiếc TV này có thể chạy 30 khung hình trong 5 giây, sau đó được cải tiến thành 12,5 khung hình/giây và John Logie Baird đã trở thành người có công nhất cho ngành công nghiệp TV và truyền hình ở thời điểm hiện tại.
Chương trình truyền hình đầu tiên
Năm 1926, chương trình truyền hình đầu tiên được John Logie Baird thực hiện phát sóng. Đây là một màn múa rối được chính John Logie Baird thực hiện từ một loạt các camera và gửi đến hình ảnh từ một màn hình TV gần đó.
Đến 1928, Baird lần đầu tiên cho phát sóng một chương trình vô tuyến ra nước ngoài, từ London tới New York. Đây được xem là chương trình phát sóng truyền hình màu đầu tiên trên thế giới.
Chiếc TV thương mại đầu tiên ra đời năm nào?
TV thương mại đã lần đầu tiên được ra đời tại Mỹ năm 1938 mang tên Dumont Model 180. Chiếc TV có kích cỡ màn hình 8x10 inch đã được bán với giá 395 USD vào thời điểm đó, tương đương với gần 7000 USD ở thời điểm hiện tại.
Chiếc điều khiển từ xa
Hiện tại, TV phải có điều khiển từ xa là điều hiển nhiên. Thế nhưng, gần 30 năm sau khi chiếc TV đầu tiên ra đời, điều khiển TV mới được phát minh. Năm 1955, Eugene Polley và đồng nghiệp của mình, Robert Adler đã sáng chế ra điều khiển từ xa cho TV. Khi mới ra đời, thiết bị này có tên “Flash-Matic”sử dụng tương tác với TV qua hiệu ứng quang điện. Nó dần thay thế các thiết bị điều khiển nối cáp phổ biến vào thời gian đó.
Năm 1997, sáng chế remote của Polley và Adler được trao giải thưởng Emmy của Viện hàn lâm Truyền hình Mỹ.
Chương trình truyền hình chuyên nghiệp đầu tiên
Ngày 2/11/1936, từ cung điện Alexandra Palace Victoria ở phía Bắc London, lần đầu tiên đài BBC phát sóng truyền hình chuyên nghiệp đầu tiên, đánh dấu ngày khởi đầu của truyền hình thế giới. Theo số liệu để lại, lúc đó chỉ có khoảng 500 chiếc TV bắt được sóng của chương trình này.
Thời đó, BBC dùng 2 hệ thống để phát tín hiệu, Baird 240 dòng và Marconi-EMI 405 dòng. Tuy nhiên, sau 6 tuần phát thử nghiệm xen kẽ nhau, hệ thống Baird đã bộc lộ những nhược điểm của mình. Nó quá cồng kềnh và các hiệu ứng lại thua kém Marconi-EMI. Do đó, Baird đã bị loại bỏ vào đầu năm 1937.
Tháng 11/1937, BBC thực hiện buổi phát hình ngoài trời đáng chú ý đầu tiên. Đó là buổi phát hình lễ đăng quang của vua George VI tại công viên Hyde, London. BBC đã sử dụng một máy phát xách tay đặt trên chiếc xe đặc biệt. Hàng nghìn khán giả đã chứng kiến buổi phát hình này.
Đã có bao nhiêu chiếc TV được bán ra trên thế giới
Cho đến hiện tại, người ta không thể thống kê được đã có bao nhiêu chiếc TV được bán ra trên thế giới. Thế nhưng, theo thống kê, năm 2013, có 79% hộ gia đình trên thế giới sở hữu ít nhất 1 chiếc TV.
Thái độ của người ta khi xem chiếc TV đầu tiên
Khi mới ra mắt, chiếc TV là cả một thế giới diệu kỳ đối với người xem tại thời điểm đó.
Lần đầu tiên khi TV màu được giới thiệu tại Hội chợ Thế giới tổ chức năm 1964 tại thành phố New York (Mỹ). Để khách hàng được trải nghiệm những điểm thú vị, ưu việt của TV màu so với TV đen trắng, chủ gian hàng bán TV màu đã mời khách hàng vào ghi hình và lên hình trực tiếp “tại trận”. Và người ta đã ghi lại được những khoảnh khắc cảm xúc của những người đầu tiên xem TV màu, từ ngạc nhiên, thích thú đến sốc, hốt hoảng và la ó.
Phản ứng của những người khách được lên hình rất thú vị, chủ gian hàng khi đó đã cho ghi lại những khoảnh khắc quý giá này, thời ấy, TV màu đối với mọi người vẫn còn là một phát minh quá mới mẻ, đáng kinh ngạc.