Những điều thực tập sinh Việt Nam cần biết khi sang làm việc tại Nhật Bản

Hiện nay có tới 1/4 số thực tập sinh Việt Nam trả lời rằng họ bị doanh nghiệp yêu cầu nghỉ việc khi phát hiện đang mang thai.

Ngày 20-7, tại trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Tổng cục quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp tổ chức hội thảo “Chương trình thực tập kỹ năng dành cho các doanh nghiệp phái cử Việt Nam” do Colab thông báo tuyển chọn thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2.

Vẫn được thực tập khi mang thai

Theo khảo sát xã hội học do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện cho thấy, hiện nay có tới 1/4 số thực tập sinh Việt Nam trả lời rằng họ bị doanh nghiệp yêu cầu nghỉ việc khi phát hiện đang mang thai. Khảo sát cũng chỉ ra có tới 70% các doanh nghiệp phái cử yêu cầu thực tập sinh ký cam kết sẽ về nước nếu mang thai trước khi sang Nhật Bản và giải thích rằng đây là quy định từ phía Nhật Bản.

Thảo luận tại chương trình, ông Kaneko Ryutaro, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác nước ngoài, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm về việc sa thải hoặc gây bất lợi cho công nhân với lý do có thai. Chính vì vậy các công ty phái cử và Nghiệp đoàn quản lý không được phép cưỡng ép các thực tập sinh đang mang thai về nước.

Theo đó, nếu vẫn có nguyện vọng tiếp tục thực tập thì các thực tập sinh đang mang thai vẫn sẽ được đảm bảo đầy đủ quyền lợi cũng như được tạo điều kiện để hoàn thành quá trình thực tập của mình. Các thực tập sinh có thể xin nghỉ trước ngày dự sinh 6 tuần và nghỉ bắt buộc 8 tuần sau khi sinh.

Ông Kaneko Ryutaro, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác nước ngoài, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Ảnh: Huyền Nhung

Ông Kaneko Ryutaro, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác nước ngoài, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Ảnh: Huyền Nhung

Trường hợp xin nghỉ không lương, các thực tập sinh sẽ nhận được trợ cấp thai sản (trung bình khoảng 60% của mức lương đã nhận) từ phía bảo hiểm sức khỏe đã đóng trước đó. Sau khoảng thời gian này, các thực tập sinh có thể quay lại và tiếp tục công việc. Trường hợp thực tập sinh đình chỉ công việc để trở về Việt Nam sinh con thì sau đó vẫn có thể xin trở lại Nhật Bản để tiếp tục công việc thực tập.

Ông Kaneko nhấn mạnh, khi các bạn thực tập sinh đang mang thai cảm thấy có thể sắp bị sa thải, bị đưa về nước hoặc không được đảm bảo các quyền lợi đáng lẽ được nhận cần ngay lập tức liên lạc với Cơ quan quản lý thực tập sinh người nước ngoài (OTIT) để được tư vấn và giúp đỡ.

Ngoài ra, ông Kaneko còn đưa ra một số lời khuyên đối với những thực tập sinh Việt Nam đang mang thai tại Nhật Bản. Khi biết mình đã có thai, trước hết cần liên lạc và báo cho quầy tư vấn của nghiệp đoàn quản lý và người quản lý của công ty đang thực tập. Ngoài ra, các thực tập sinh có thể tìm sự tư vấn từ OTIT hoặc quầy tư vấn ở khu vực đang sinh sống. Bên cạnh đó, các thực tập sinh nên đăng ký sớm nhất tại cơ quan hành chính địa phương nơi đang sinh sống để nhận được sổ “Sức khỏe bà mẹ và trẻ em” cùng phiếu khám thai định kỳ, theo dõi đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Cần lựa chọn chính xác công ty phái cử

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện nay Việt Nam là nước đứng đầu về tổng số thực tập sinh nhập cảnh Nhật Bản hàng năm. Việc các thực tập sinh Việt Nam được các doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản đánh giá cao không thể không nhắc đến vai trò của các công ty phái cử trong việc tuyển chọn, đào tạo, quản lý…

Tuy nhiên, bên cạnh những công ty phái cử thực hiện tốt, tuân thủ quy định của pháp luật vẫn còn nhiều công ty chưa thành thật, không tạo điều kiện thuận lợi cho các thực tập sinh. Điều này thể hiện rất rõ trong khảo sát xã hội học do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện với số lượng lớn các công ty phái cử chưa đảm bảo được quyền lợi của các thực tập sinh đang mang thai.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Huyền Nhung

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Ảnh: Huyền Nhung

Về vấn đề này, ông Kaneko Ryutaro đã nêu ra 3 khuyến nghị để các thực tập sinh có thể lựa chọn được công ty phái cử phù hợp. Đầu tiên, Công ty phái cử được lựa chọn phải có sự giới thiệu của cơ quan nhà nước. Các thực tập sinh nên xác nhận danh sách các công ty phái cử đi nước ngoài đã được công nhận bởi Chính phủ tại trang chủ của các cơ quan quản lý.

Tiếp đó, nên tham khảo trước công ty phái cử đang tìm hiểu đã từng tư vấn cho những thực tập sinh nào và theo dõi quá trình thực tập của những thực tập sinh đó. Cần chú ý họ đã gặp những thuận lợi hoặc khó khăn gì và công ty phái cử có tạo điều kiện để giải quyết khó khăn đó hay không.

Cuối cùng, các thực tập sinh cần tỉnh táo xác nhận lại những quảng cáo tuyển dụng trên các trang mạng xã hội có đúng sự thật. Đồng thời lắng nghe, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, điều khoản hợp đồng, các chi phí cần đóng… và so sánh với các thực tập sinh khác trước khi chính thức ký kết.

Thực tập sinh kỹ năng là chương trình đưa người lao động phổ thông đi làm việc theo thỏa thuận hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian từ 3-5 năm. Mục tiêu chính của chương trình là giúp đào tạo, phát triển tay nghề, kỹ năng cho người lao động, trau dồi kinh nghiệm và nâng cao cơ hội tìm việc sau khi về Việt Nam tại các công ty Nhật Bản.

Việt Nam là nước đứng đầu về tổng số thực tập sinh nhập cảnh Nhật Bản hàng năm với tổng cộng hơn 400.000 thực tập sinh. Trong vòng 10 năm (từ năm 2013 đến nay), số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhanh gấp 8 lần từ 10.000 đến 82.000 thực tập sinh.

H. Nhung

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nhung-dieu-thuc-tap-sinh-viet-nam-can-biet-khi-sang-lam-viec-tai-nhat-ban-post106579.html