Những điều ước không cho riêng mình

Tại buổi gặp mặt giữa các thầy, cô giáo dân tộc thiểu số tham dự Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây; các thầy, cô bày tỏ mong ước các trường, điểm trường đều có điện, sóng điện thoại, học sinh được ăn trưa, đủ sách vở, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh… để 'mỗi ngày đến trường là một ngày vui'.

Cô và trò Trường tiểu học Tiên Nguyên (Quang Bình). Ảnh: Mộc lan

Cô và trò Trường tiểu học Tiên Nguyên (Quang Bình). Ảnh: Mộc lan

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhằm ghi nhận những cống hiến bền bỉ của thầy, cô giáo đang công tác ở các trường học, điểm lẻ thuộc các huyện khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Qua 5 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 279 giáo viên bám bản tiêu biểu, dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Năm nay, chương trình tuyên dương 63 giáo viên người dân tộc thiểu số.

Trên địa bàn tỉnh ta, những năm gần đây sự nghiệp “trồng người” nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành và nguồn xã hội hóa. Nhưng do điều kiện địa hình chia cắt, khoảng cách giữa các thôn, bản vùng sâu, vùng xa quá lớn, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế… nên những người “chèo đò” chở tri thức vẫn khó trăm bề. Hiện, toàn tỉnh có trên 820 cơ sở giáo dục, trong đó có 212 trường Mầm non, 173 trường Tiểu học, 154 trường THCS, 45 trường TH&THCS, 10 trường THCS&THPT, 22 trường THPT, 9 Trung tâm GDNN-GDTX huyện, 1 trường Trung cấp DTNT-GDTX Bắc Quang; 1 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh; 1 trường CĐSP và 193 trung tâm học tập cộng đồng; có 35.694 phòng học, trong đó 16.451 phòng kiên cố, 9.078 phòng bán kiên cố, 3.241 phòng học tạm và 6.924 phòng học mượn, nhờ, thuê.

Mặc dù tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án chuyển học sinh Tiểu học từ điểm trường về trường chính giai đoạn 2016 - 2020 với trên 4.500 lớp, gần 54.000 học sinh, nhưng đến nay, vẫn còn 858 điểm trường Tiểu học và trên 1.226 điểm trường Mầm non; đồng nghĩa với việc có hàng nghìn giáo viên vẫn đang miệt mài bám điểm trường dạy học tại các bản làng xa xôi heo hút núi...

Trở lại buổi gặp mặt đầy xúc động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các thầy, cô giáo, trong đó có các thầy, cô người dân tộc thiểu số, vượt qua rất nhiều khó khăn để chăm lo học sinh thân yêu. Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Phát triển giáo dục thì đất nước mới phát triển. Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách.

Từ “5 điều ước” được các thầy, cô nhắc đến nhiều nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn sẽ có phong trào “5 điều ước” để kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ thiết thực cho các điểm trường còn khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là các trường, điểm trường chưa có điện sẽ có điện, dù là điện lưới hay điện mặt trời; được phủ sóng điện thoại để tạo điều kiện cho các thầy cô sử dụng, cập nhật bài giảng, kiến thức giảng dạy mới; hỗ trợ học sinh các điểm trường xa có bữa ăn trưa; có đủ sách vở, đồ dùng dạy học, nhất là bằng tiếng dân tộc; xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

Thiên Thanh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202011/nhung-dieu-uoc-khong-cho-rieng-minh-768259/