Những điều xưa cũ mới mẻ

Trước thềm xuân mới, mùa xuân Mậu Tuất 2018, không hẹn mà gặp những con người đầy nhiệt huyết với văn hóa dân tộc. Họ đã biến những điều xưa cũ trở nên mới mẻ, đưa những giá trị truyền thống gần gũi với đời sống đương đại…

Tăng tính ứng dụng cho tranh dân gian

Lâu nay, chúng ta vẫn tự hào với những dòng tranh dân gian nổi tiếng như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây (cũ)… Nhưng có một sự thật, tranh dân gian đã không còn giữ được vị trí trong đời sống như nó đã từng. Đó là một thời, những phiên chợ Tết phấp phới sắc màu của những bức tranh Tết.

Đó là một thời, trong không gian đón xuân ở mỗi gia đình vùng đồng bằng Bắc Bộ không thể không thấy thấp thoáng những bức tranh Công, tranh Cá, hay bộ Tố nữ, Tứ bình… của dòng tranh dân gian Hàng Trống; hay bức Vinh quy, Phú Quý… của tranh dân gian Đông Hồ.

Nhưng thời gian chảy trôi, những sắc màu dân tộc đó đã dần mai một, dần mất đi vị trí. Thậm chí, dòng tranh Hàng Trống nổi tiếng giờ chỉ còn duy nhất một gia đình giữ lửa nghề. Tranh dân gian Kim Hoàng mai một hơn 70 năm, mới đây may mắn được hồi sinh, đang từng bước tìm lại vị trí của mình…

Nhưng có một sự thật, những bức tranh dân gian xưa, dù chất chứa những tích truyện hay được in trên giấy dó, giấy điệp… ngày càng ít hấp dẫn với thế hệ trẻ. Bởi vậy, việc làm mới, tăng tính ứng dụng cho tranh dân gian là việc nên làm.

May mắn thay, một số bạn trẻ đã bắt đầu những dự án như thế, nhằm đưa những bức tranh dân gian của ông cha đến gần với công chúng đương thời. Có thể kể đến dự án “Vẽ lại tranh xưa” của họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam, và dự án “Họa sắc Việt” của nhóm S. River với kế hoạch số hóa tranh Hàng Trống thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ.

Gặp Trịnh Thu Trang -Trưởng nhóm S. River, người khởi xướng dự án Họa sắc Việt khi cô tổ chức triển lãm tranh Hàng Trống tại Hà Nội. Trang tiết lộ, cô bắt đầu quan tâm và sưu tầm tranh Hàng Trống từ năm 2013. Nhưng khác với những nhà sưu tập khác, Thu Trang không muốn giữ được càng nhiều mẫu tranh Hàng Trống trong nhà càng tốt.

Điều cô mơ ước thực tế hơn, đó là phải lan tỏa dòng tranh này trong đời sống đương đại. Vì thế, Trang đã tìm ra một cách riêng, đó là số hóa những bức tranh dân gian Hàng Trống. Sau Tết Nguyên đán này, cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” sẽ ra mắt.

Còn trong dịp Tết này, S. River ra mắt sản phẩm hộp mứt Tết có sử dụng họa tiết nụ hoa trong bức “Con nai” (tranh Tết) kết hợp với họa tiết mây và búp lá non trong bức “Hương chủ” (tranh thờ) của dòng tranh Hàng Trống.

Trong khi đó, họa sĩ 9X Nguyễn Xuân Lam mới đây cũng khiến nhiều người thích thú khi ngắm bộ tranh do anh vẽ lại từ tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và tranh của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua nét vẽ tỉ mỉ và cách phối màu của Xuân Lam, những bức “Bà Triệu”, “Ngũ hổ”, “Gà đàn”, “Cá đàn”, “Quan công”, “Thiên hạ Thái bình”… trở nên sinh động và tươi tắn. Đặc biệt, anh còn ứng dụng những bức tranh này in lịch để bàn, hay in trên áo phông, làm thiệp tặng, in trên bao lì xì… khiến giới trẻ đặc biệt thích thú.

Đưa tranh dân gian vào đời sống còn phải kể đến việc phục dựng dòng tranh dân gian Kim Hoàng của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Sau khi khôi phục thành công, Tết này bên cạnh những bức tranh Kim Hoàng nổi tiếng như gà, lợn, Thu Hòa còn mạnh dạn phối hợp với các nghệ nhân để tạo thêm những bức tranh mới. Trong đó, có bức tranh đôi nghê chầu được vẽ theo đôi nghê ở đền Vu Đinh, Vua Lê (Hoa Lư – Ninh Bình). Màu sắc tươi tắn của tranh nghê Kim Hoàng đã góp thêm sắc xuân nay, khiến nhiều người thích thú. Đồng thời, tranh Kim Hoàng cũng còn được in trên các phong bao mừng tuổi để góp phần lan tỏa văn hóa dân tộc…

Làm mới những tác phẩm kinh điển bằng tranh minh họa

Bên cạnh tăng tính ứng dụng cho tranh dân gian, năm qua, đời sống văn hóa còn ghi nhận nhiều nỗ lực làm mới khác của giới nghệ sĩ. Trong đó, đáng chú ý là việc làm mới những tác phẩm kinh điển của Việt Nam bằng các bức tranh minh họa.

Gây tiếng vang nhất, có lẽ là việc họa sĩ Trần Đại Thắng – Giám đốc Công ty Sách Đông A tổ chức và ra mắt hai kiệt tác của nền văn học Việt Nam, đó là “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) và “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu) với sự tham gia vẽ minh họa của 16 họa sĩ đương đại.

Không chỉ cẩn trọng trong việc lựa chọn bản in tốt để tránh sai sót, phần làm mới “Truyện Kiều” thông qua tranh minh họa được Đông A gửi gắm qua bàn tay tổ chức của họa sĩ Thành Chương. Là người có kinh nghiệm minh họa, lại có mối quen biết rộng, họa sĩ Thành Chương đã mời thêm 14 họa sĩ đương đại tham gia, gồm Nguyễn Quân, Đặng Tiến, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng…

Nếu “Truyện Kiều” có sự tham gia của 15 họa sĩ, thì cuốn truyện thơ “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu lại do một mình họa sĩ Nguyễn Công Hoan vẽ minh họa. Ông là họa sĩ của báo Đại Đoàn Kết, đã từng minh họa nhiều cuốn sách thiếu nhi cho NXB Kim Đồng. Lần này với “Lục Vân Tiên”, họa sĩ Nguyễn Công Hoan đã dành gần nửa năm để hoàn thành gần 20 bức minh họa. Sự phối hợp đồng điệu giữa họa và thơ, sự sáng tỏ của ý văn nghĩa chữ đã giúp độc giả thưởng thức trọn vẹn nguồn thi hứng dạt dào mà cụ Đồ Chiểu gửi gắm bên trong tác phẩm.

Theo họa sĩ Trần Đại Thắng, để triển khai 2 ấn bản đặc biệt này, Đông A đã mất tới 2 năm. Ngay sau bản in này, việc làm mới “Truyện Kiều” thông qua minh họa sẽ vẫn được họa sĩ Trần Đại Thắng tiếp tục với những lứa họa sĩ trẻ, và triển khai theo một hình thức hoàn toàn mới…

Trước đó, cuốn sách “Lĩnh Nam chích quái” cũng đã được NXB Kim Đồng phát hành ra thị trường với gần 200 minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long và nhận được những phản hồi tích cực. Tác phẩm văn học thời trung đại này lâu nay được giới nghiên cứu văn học cổ đại nhắc đến, nhưng dường như đã phủ lớp bụi thời gian trong các thư viện.

Với hơn 200 bức minh họa “thêm vào” cuốn sách, họa sĩ Tạ Huy Long đã tiếp thêm một sức sống mới cho tác phẩm này, và được độc giả đương thời đón nhận. Theo họa sĩ Tạ Huy Long, những bức tranh của anh được lấy cảm hứng từ chính tên cuốn truyện lịch sử nổi tiếng. Anh cũng cho rằng những sự kiện lịch sử sẽ không còn khô khan, gói gọn trong con chữ, giới trẻ có thể tiếp cận một cách sống động hơn.

Bắc những cây cầu

Có thể nói, bằng việc làm mới những tác phẩm văn chương kinh điển thông qua hình thức minh họa hoặc làm mới tranh dân gian là một hướng đi đúng đắn, giống như bắc thêm một cây cầu để công chúng đương đại tiếp cận với di sản do cha ông để lại. Những di sản đó là quý giá, nhưng đời sống cần sự mới mẻ, văn hóa cũng không đóng khuôn máy móc mà cần sự tiếp biến cho phù hợp từng thời kỳ, từng thế hệ.

Nói như họa sĩ Thành Chương, muốn bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc, chúng ta không thể giữ mãi cái cũ, mà phải biết cách làm mới cái cũ.

Còn đại diện của dự án “Họa sắc Việt” thì hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để các bạn có thể bắt đầu dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian Việt Nam…

Việc làm mới những điều xưa cũ, để những điều xưa cũ trở nên mới mẻ và tỏa sáng được trong đời sống đương đại ngoài lòng nhiệt thành, còn rất cần tài năng, sự dũng cảm. Bởi tìm một hướng đi mới chưa bao giờ là dễ, chưa kể, hướng đi đó có truyền được cảm hứng cho nhiều người hay không. Vì thế, để những người thắp lửa với văn hóa dân tộc không cảm thấy đơn độc, rất cần sự tham vấn của những người am hiểu về văn hóa…

Mai Hoàng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/cand-tet-nhung-dieu-xua-cu-moi-me-477006/