Những định dạng 'quyền lực mới' của báo chí

Giải Pulitzer Mỹ 2024 công bố vào ngày 6/5/2024 vừa qua đã đánh dấu sự trỗi dậy của những định dạng mới như là một lực lượng đáng gờm trong báo chí. Báo mạng cũng đã vượt qua báo giấy truyền thống với việc có nhiều các ứng cử viên cho giải hơn bao giờ hết...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong rất nhiều năm, giải thưởng Pulitzer được thiết kế chỉ dành riêng cho báo giấy hàng ngày và tin tức thông tấn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Internet đã làm mờ đi sự phân biệt nói trên, thúc đẩy Ban giám khảo Pulitzer liên tiếp mở rộng phạm vi của các giải thưởng theo thời gian. Năm 2009 là năm đầu tiên báo mạng được phép tham gia; đến năm 2015, các tạp chí cũng được đưa vào giải; đến năm 2020 thì có một giải thưởng dành cho phát thanh, năm nay, mọi đài truyền hình và phát thanh Mỹ đều được tham gia.

Từ đó có thể thấy xu hướng trong thời đại kỹ thuật số là sự bùng nổ của các định dạng tin tức và đa dạng các kênh mà cơ quan báo chí có thể sử dụng để tiếp cận độc giả. Thậm chí với báo mạng, giờ đây phiên bản web chỉ là một trong nhiều cách để thu hút độc giả. Thói quen sử dụng điện thoại thông minh, sự phát triển thần tốc của AI cũng như làn sóng đầu tư vào Metaverse liên tục thúc đẩy những định dạng báo chí mới.

ĐỊNH DẠNG THỊNH HÀNH: ÂM THANH VÀ VIDEO

Cách đây một vài năm, các đơn vị báo chí nhận ra rằng đã đến lúc phải mạnh tay hơn nữa trong việc chuyển sang các định dạng âm thanh và video. Bởi, dù các bài viết trên trang báo trực tuyến vẫn là một phần quan trọng của nội dung báo chí, nhưng các định dạng âm thanh và video có thể cung cấp cho độc giả trải nghiệm khác biệt và hấp dẫn hơn. Ví dụ, khả năng tải xuống và nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu và tua đi tua lại đoạn mà người dùng muốn nghe chính là ưu thế của podcast so với các loại hình báo chí khác.

Các định dạng video cũng trở thành một phần quan trọng trong nội dung báo chí. YouTube, Instagram và TikTok đều là các nền tảng phổ biến cho các video ngắn và truyền thông xã hội. Các kênh truyền hình cũng đang chuyển sang các định dạng video để giữ chân được độc giả. Thậm chí các chương trình truyền hình thực tế như “The Voice”, “American Idol” và “Dancing with the Stars” đều đã có phiên bản trực tuyến để cung cấp cho người dùng một trải nghiệm tương tác tốt hơn.

Trong cuộc khảo sát của hãng thông tấn Reuters đầu năm 2024, phần lớn các cơ quan báo chí hay nhà xuất bản cho biết rằng họ sẽ tập trung vào podcast và âm thanh kỹ thuật số (72%), bản tin email (69%), và video kỹ thuật số (67%) trong năm nay. Mối quan tâm đến việc sản xuất video dạng ngắn cũng đã tăng lên (4%). Trong bối cảnh mạng xã hội không thể đoán trước được, hầu hết các cơ quan báo chí đều coi việc đầu tư vào podcast và bản tin video là cách tốt nhất để xây dựng mối liên hệ sâu sắc hơn với khán giả và khuyến khích họ quay lại thường xuyên hơn.

Các đơn vị báo chí nhận ra rằng đã đến lúc phải mạnh tay hơn nữa trong việc chuyển sang các định dạng âm thanh và video.

Các đơn vị báo chí nhận ra rằng đã đến lúc phải mạnh tay hơn nữa trong việc chuyển sang các định dạng âm thanh và video.

Khảo sát của Reuters cũng bắt đầu nhận thấy một “phương pháp tiếp cận” độc giả chiến lược hơn đang xuất hiện, đó là tập trung vào những người dẫn chương trình có cá tính, truyền đạt thông tin một cách thông minh và giọng điệu nhẹ nhàng. Các nhà xuất bản khác thì đang tìm cách xây dựng các thương hiệu nhượng quyền đa nền tảng như Sensemaker của Tortoise Media, có sẵn ở cả định dạng bản tin và podcast.

Theo Statista, tính đến năm 2023, số lượng người nghe podcast chiếm hơn 20% tổng lượng người sử dụng Internet trên toàn thế giới (khoảng 424 triệu người). “Hiện cứ 3 phút lại có một podcast mới được phát sóng ở đâu đó trên thế giới, các nhà xuất bản, tòa soạn báo đã chính thức được trao thêm một công cụ tạo doanh thu lý tưởng”, Piet van Niekerk và Pierre de Villiers, hai nhà báo của Tổ chức truyền thông toàn cầu FIPP nhận xét.

Tất nhiên, việc chuyển sang các định dạng âm thanh và video không phải là một công việc đơn giản. Để tạo ra các chương trình podcast và video chất lượng cao, các nhà báo và các nhà sản xuất cần phải thích nghi với các công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm đa dạng và hấp dẫn. Dù vậy, một trong những lợi điểm hiện nay là hầu hết các cơ quan báo chí đều đang hoạt động theo mô hình truyền thông hội tụ. Từ một bản tin, các tòa soạn báo có thể cùng lúc phát triển thành video, infographic hay podcast...

Từ năm 1962, nhà lý luận truyền thông nổi tiếng, giáo sư người Canada, ông Marshall McLuhan, đã đưa ra lý thuyết “Phương tiện chính là thông điệp” (The medium is the message). Theo ông, dạng phương tiện truyền thông được sử dụng để chuyển tải thông điệp cũng quan trọng như chính bản thân thông điệp. Lý thuyết này cho đến nay càng được minh chứng rõ nét trong nền báo chí của kỷ nguyên kỹ thuật số, khi công nghệ - hay “phương tiện” - đang định đoạt xu thế phát triển của báo chí...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tuệ Mỹ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-dinh-dang-quyen-luc-moi-cua-bao-chi.htm