Lựa chọn mô hình cho Trung tâm dữ liệu dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh

Nhằm triển khai Chương trình 'Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh' và Đề án 'Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh' 2024, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công việc '... Phát triển các hạ tầng Trung tâm dữ liệu, Trung tâm dữ liệu dự phòng, hạ tầng điện toán đám mây ...', Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố chủ trì, phối hợp Chi hội An toàn thông tin phía Nam tổ chức Hội thảo 'Mô hình và phương án lựa chọn Trung tâm dữ liệu dự phòng Thành phố' ngày 26/6/2024.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến và nghiên cứu, tìm kiếm, đề xuất các giải pháp xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các kiến thức về mô hình, bảo mật, khả năng phục hồi sau sự cố và đảm bảo tính liên tục trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn thành phố.

Hội thảo tập trung vào 4 vấn đề chính: Phân tích các rủi ro và thách thức đối với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; Giới thiệu và phân tích các mô hình Trung tâm dữ liệu dự phòng, các quy định pháp lý và tiêu chuẩn cần tuân thủ; Thảo luận các yếu tố cần xem xét khi lựa chọn mô hình: Chi phí, bảo mật, độ tin cậy, khả năng mở rộng và tích hợp; Kinh nghiệm triển khai từ các địa phương và tổ chức khác khi xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức tốt nhất về triển khai và quản lý Trung tâm dữ liệu dự phòng. Các chuyên gia trình bày các công nghệ, giải pháp và xu hướng mới trong lĩnh vực Trung tâm dữ liệu và an toàn thông tin với các phương pháp hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả và an toàn của hệ thống dữ liệu.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cung cấp thông tin về các quy chuẩn, quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước liên quan đến an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và quản lý Trung tâm dữ liệu để đảm bảo mọi hoạt động đều tuân thủ đúng quy định.

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An toàn thông tin phía Nam (Vnisa) trình bày tại Hội thảo “Mô hình và phương án lựa chọn Trung tâm dữ liệu dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An toàn thông tin phía Nam (Vnisa) trình bày tại Hội thảo “Mô hình và phương án lựa chọn Trung tâm dữ liệu dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tiến sĩ Trịnh Ngọc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An toàn thông tin phía Nam (Vnisa) chia sẻ kinh nghiệm về DR (Phục hồi sau thảm họa). Ông Minh cho rằng, DR sẽ phải giải quyết được việc khi người dân cần hồi phục dữ liệu phải có ngay, bảo mật thông tin một cách an toàn nhất và phải kiểm tra định kỳ. 4 nhóm dữ liệu chính như ứng dụng để quản lý (app, phần mềm quản lý khác,…), những dịch vụ công của Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm quản lý hệ thống (email, mạng nội bộ, cổng thông tin…) và nhóm kinh doanh (các doanh nghiệp công nghệ…) phải có đường truyền đưa về chung một đầu mối. Ông Minh đặt vấn đề thời gian hồi phục sẽ đạt bao nhiêu lâu và dữ liệu còn đầy đủ hay không.

Chuyên gia Lê An Tân thuộc Công ty SVTech cho hay, Trung tâm dữ liệu chính DC (Data Center) cần phải được tính toán kết nối với DR thông qua một hệ thống mạng. Ông Tân cũng chia sẻ nhiều giải pháp kỹ thuật để kết nối hai trung tâm dữ liệu một cách an toàn.

Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổng hợp thông tin, ghi nhận các ý kiến góp ý, đề xuất, kiến nghị liên quan đến mô hình, phương án Trung tâm dữ liệu Thành phố dự phòng để xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Minh Khôi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/lua-chon-mo-hinh-cho-trung-tam-du-lieu-du-phong-thanh-pho-ho-chi-minh-378092.html