Những đô thị khó hồi sinh ở Mỹ
Khi nhu cầu thuê văn phòng giảm, các nhà bán lẻ phụ thuộc vào chi tiêu mua sắm, ăn uống của nhân viên công sở cũng tụt dốc theo.
Theo đánh giá của NBC News, nhiều thành phố lớn của xứ cờ hoa đang ở trong tình trạng ảm đạm.
Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hạ nhiệt và nền kinh tế Mỹ dần lấy đà cho sự tăng trưởng, một số chuyên gia cho rằng làn sóng quay trở lại văn phòng sẽ nhanh chóng hồi sinh các đô thị vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa.
Hy vọng đó thậm chí còn mở rộng đến một số khu vực kinh doanh chưa phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2007-2008.
Tuy nhiên, quá trình lấp đầy dường như đã chững lại khiến các thành phố có hàng triệu m2 không gian thương mại bị bỏ trống.
Trong khi đó, các khu dân cư "kiểu đô thị" khác đã mọc lên - cách xa khu trung tâm truyền thống - thu hút không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Chúng tôi nhận thấy sự chênh lệch về nhu cầu của người thuê và nguồn cung có sẵn. Đó là lý do một lượng lớn không gian đang tồn đọng, chưa được sử dụng”, Phil Ryan, Giám đốc tại công ty bất động sản JLL, cho biết.
Trên toàn nước Mỹ, tỷ lệ bất động sản cho thuê còn trống là 12,8%, cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, theo dữ liệu từ CoStar.
Các báo cáo khác cho thấy nó thậm chí còn cao tới 20%, theo JLL.
Đây được xem là vấn đề nan giải với các thành phố hàng đầu ở xứ cờ hoa. Tại Manhattan (New York), tỷ lệ văn phòng trống đang ở mức cao kỷ lục, ngay cả khi các bất động sản mới được đưa vào hoạt động, bổ sung thêm chỗ cho thị trường đang gặp khó khăn, Bloomberg đưa tin.
Ở Los Angeles và Chicago, con số này đã chạm mức 22,5%, tính đến quý IV năm 2022.
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 24/3 về những đô thị có nguy cơ vỡ nợ, nhóm phân tích nhận thấy các khu vực công nghệ là nhóm dễ bị tác động nhất, với xếp hạng rủi ro ở mức 5,9 trên thang điểm 9.
Một số mã ZIP, chẳng hạn Embarcadero (San Francisco) và khu tài chính gần đó, thậm chí còn nằm ở mốc cao hơn, cho thấy khả năng thua lỗ có thể sắp xảy ra.
Ryan cho hay đây là nơi đang gặp khó khăn với các tòa nhà cũ kỹ và cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Ông ước tính 70% cao ốc ở trung tâm thành phố được xây dựng cách đây 30 năm. Đối với những nơi như Manhattan và San Francisco, tỷ lệ còn tăng lên 90%.
Tình trạng kiệt quệ tài chính của bất động sản có thể không tác động ngay lập tức với khách thuê. Tuy nhiên, “hiệu ứng domino” của chuỗi tòa nhà sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.
Từ khung cảnh sôi động, những nơi này trở nên hiu quạnh, không còn là mơ ước của nhiều người vì thiếu đi vẻ hào nhoáng.
Matt Anderson, Giám đốc điều hành của Trepp, cho biết một lượng lớn không gian vẫn được sử dụng, nhưng nhiều công ty không dùng hết vì họ chỉ cần gia hạn một phần nhỏ diện tích.
Khi nhu cầu về văn phòng vật lý giảm, các nhà bán lẻ phụ thuộc vào chi tiêu mua sắm, ăn uống của nhân viên công sở cũng tụt dốc theo.
Tom LaSalvia, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty phân tích của Moody's, nhận định bất chấp những điểm yếu này, các văn phòng cho thuê vẫn chưa chết. Thay vào đó, chúng đang ở giai đoạn "thử và sai" khi các doanh nghiệp đang tìm cách xác định giải pháp tốt nhất để bố trí nơi làm việc cho người lao động.
Thị trường ngoại ô, thành phố nhỏ gần phương tiện giao thông công cộng đang có khả năng phục hồi tốt hơn. Chẳng hạn vùng Montclair (New Jersey) và Naperville (Chicago).
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-do-thi-kho-hoi-sinh-o-my-post1418218.html