Những đóa hoa 'học tốt'
Cuối tháng 3, ngành GD và ĐT tỉnh đón nhận tin vui: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 68/92 em dự thi đoạt giải, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này tiếp tục khẳng định vị trí trong tốp đầu cả nước có chất lượng giáo dục phổ thông cao nhất. Đóng góp vào thành tích đó là nỗ lực không ngừng của những
Cuối tháng 3, ngành GD và ĐT tỉnh đón nhận tin vui: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 68/92 em dự thi đoạt giải, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này tiếp tục khẳng định vị trí trong tốp đầu cả nước có chất lượng giáo dục phổ thông cao nhất. Đóng góp vào thành tích đó là nỗ lực không ngừng của những “bông hoa” trong vườn hoa “học tốt”, mà tiêu biểu là 4 em đoạt giải Nhất: em Lê Thị Ngọc Thủy, học sinh duy nhất toàn quốc đoạt giải Nhất môn Tiếng Nga; em Tô Khánh Linh và em Trần Thị Phương Thảo, giải Nhất môn Tiếng Pháp và em Trần Phương Liên, giải Nhất môn Địa lý. Cả 4 em đều là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Thành tích của các em là nguồn cảm hứng, động viên, khích lệ toàn thể học sinh các nhà trường tiếp tục thi đua đạt thành tích cao trong học tập, góp phần làm rạng danh tuổi trẻ và quê hương Nam Định.
Em Lê Thị Ngọc Thủy, học sinh lớp 12 Nga Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, học sinh đã giành giải Nhất Tiếng Nga duy nhất của toàn quốc sau 11 năm (năm 2011 tỉnh ta cũng giành được giải Nhất môn Tiếng Nga duy nhất toàn quốc). Thủy cho biết, em yêu thích nhất môn học Tiếng Nga, bởi gia đình em có truyền thống học tiếng Nga. Từ nhỏ, gia đình đã truyền cho em tình yêu đối với tiếng Nga, đất nước Nga và văn hóa Nga. Theo em, để học tốt môn Tiếng Nga, cũng giống như các môn ngoại ngữ khác, cần có đủ 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết. Năm học trước em chỉ đạt giải Khuyến khích, vì vậy năm nay em tự nhủ mình phải cố gắng hết sức mình, phấn đấu giành giải cao hơn. Bản thân em chỉ mơ ước đạt giải Ba hoặc giải Nhì. Do vậy, Thủy cảm thấy vô cùng may mắn, hạnh phúc khi được tin giành giải Nhất duy nhất toàn quốc. Cũng theo Thủy, đề thi năm nay khá khó so với năm trước. Sắp tới Thủy dự định sẽ đi du học ở Liên bang Nga ngành Quan hệ quốc tế. Thầy Phạm Hải Đăng, phụ trách đội tuyển học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) Tiếng Nga Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: Kể từ năm học 2009-2010 đến nay, theo quy định về tỷ lệ, cơ cấu xét giải các môn thi chọn HSGQG thì môn Tiếng Nga do có ít thí sinh dự thi (khoảng 60-65 thí sinh của 10 trường THPT chuyên) nên trong mỗi kỳ thi chỉ được lấy khoảng 30 giải các loại (gồm 1 giải Nhất duy nhất, 7-8 giải Nhì, 9-10 giải Ba và 12-13 giải Khuyến khích). Và giải Nhất duy nhất này thường lọt vào các đội tuyển có các học sinh sinh ra, lớn lên và học tập ở Nga cho đến hết lớp 9, sau đó về Việt Nam học tiếp bậc THPT. Vì số lượng giải ít như vậy nên giành được giải đã khó và giành được giải Nhất càng khó khăn gấp bội!
Với môn Tiếng Pháp, tỉnh ta đoạt 2/3 giải Nhất toàn quốc; đó là em Tô Khánh Linh và em Trần Thị Phương Thảo, lớp 12 chuyên Pháp, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Tô Khánh Linh học chuyên Pháp từ năm lớp 6 nhưng em chỉ thực sự đạt được những kết quả nổi bật khi bước chân vào THPT chuyên Lê Hồng Phong với một số thành tích như: Thủ khoa chuyên Pháp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, top 10 học sinh xuất sắc toàn trường năm học 2019-2020, giải Nhì kỳ thi chọn HSGQG THPT năm học 2020-2021, giải Nhất kỳ thi chọn HSGQG THPT năm học 2021-2022. Khi bắt đầu tiếp cận với Tiếng Pháp tại Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), với em đây thực sự là một thử thách lớn bởi đây là lần đầu em tiếp xúc với ngôn ngữ mới với nhiều khó khăn, mới lạ trong việc học và thực hành. Tuy nhiên, càng học lên cao, em càng phát hiện ra những điều thú vị và cảm thấy hứng thú hơn trong việc tìm hiểu những kiến thức mới qua các bài giảng trên lớp hay các video, bài viết bằng tiếng Pháp trên mạng internet. Các thầy cô và bạn bè luôn ở bên chỉ dạy và động viên rất nhiệt tình, đặc biệt nhiều bạn trong lớp chuyên Pháp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có thành tích rất tốt khiến em ngưỡng mộ, từ đó quyết tâm hơn với những mục tiêu đặt ra. Linh tâm sự, em không có phương pháp học nào đặc biệt, điều quan trọng nhất em rút ra được trong suốt quá trình học đó là sự đều đặn, liên tục. Bên cạnh đó là tính kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân. Linh cho biết nguyện vọng đầu tiên của em là được vào học tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Cùng giành giải Nhất Tiếng Pháp với Tô Khánh Linh là em Trần Thị Phương Thảo. Say mê học ngoại ngữ, từ năm lớp 11 Thảo đã đoạt giải Nhất môn Tiếng Pháp kỳ thi học sinh giỏi tỉnh khối THPT chuyên; giải Nhì môn Tiếng Pháp kỳ thi HSGQG THPT. Năm học này, em giành giải Nhất môn Tiếng Pháp kỳ thi học sinh giỏi tỉnh khối THPT chuyên; giải Nhất môn Tiếng Pháp kỳ thi HSGQG THPT. Theo Thảo, đối với môn ngoại ngữ, để tiến bộ thì điều quan trọng nhất là phải tự học. Ngoài kiến thức cô dạy trên lớp, em tự sưu tầm thêm tài liệu, luyện đề trên mạng, nghe các bài nghe trong sách tham khảo và có sổ tay ngữ pháp, từ vựng để hệ thống kiến thức. Với đề thi môn Tiếng Pháp năm nay, em thấy phần từ vựng là khó nhất; vận dụng đúng phương pháp giải đề khi đi thi; bình tĩnh, tập trung dù đề khó hay dễ; phân bố thời gian làm bài hợp lý để có thời gian soát kỹ lại bài và suy nghĩ những câu hỏi khó trong đề. Thảo cũng mơ ước vào học Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Em Trần Phương Liên, thí sinh giải Nhất môn Địa lý, hiện đang học lớp 12 chuyên Địa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Liên cho biết: Em lựa chọn môn Địa lý từ năm lớp 8 do tác động của một người bạn thân. Nhưng sau khi đi sâu học Địa lý em dần cảm thấy rất thú vị, càng học thì em lại muốn tìm hiểu sâu hơn nữa và chinh phục thật tốt môn học này. Đề thi môn Địa lý quốc gia năm nay đòi hỏi thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản và có tư duy tốt; các câu hỏi không quá lạ nhưng vẫn phải tìm ra nhiều ý đúng mới để đạt được điểm cao và cân bằng thời gian làm bài giữa mỗi câu phải thật hợp lý. Liên cho biết “chiến lược” làm bài của em không có gì quá đặc biệt. Theo thói quen em làm lần lượt từ câu 1 đến câu 7 nhưng lại đặc biệt chú ý đến việc sắp xếp các ý chính và ý phụ để không bị sót ý; phân tích kỹ nhưng không lan man, dài dòng. Có một câu nói rất hay đã truyền cảm hứng rất lớn cho em trong thời gian tập trung bồi dưỡng đội tuyển và mỗi khi mệt mỏi, đó là: “Đừng xấu hổ khi không biết/Chỉ xấu hổ khi không học”. Em không quá đặt nặng vấn đề học thuộc lòng mà chú ý đọc sách giáo khoa thật kỹ và dành nhiều thời gian để làm chuyên đề. Với bản thân em, làm chuyên đề là cách tổng hợp tài liệu vô cùng quan trọng, mỗi lần sửa hay bổ sung chúng là lần củng cố thêm kiến thức. Việc tham khảo và làm nhiều các đề từ các năm trước, của các tỉnh khác hay từ các cuộc thi quy mô khác cũng là cách giúp bản thân nâng cao tốc độ viết, tăng khả năng tư duy và học thêm nhiều câu hỏi lạ. Ngoài ra, trên facebook, em còn tham gia vào nhiều hội nhóm học sinh giỏi, các fan page môn Địa lý khác nhau để có thể giao lưu với nhiều bạn đam mê môn học này và tham khảo thêm nhiều nguồn kiến thức khác nhau. Qua những cách học như trên, lượng kiến thức tích lũy được đã giúp em vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất. Hiện tại em có dự định đăng ký nguyện vọng ngành Hàn Quốc học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thầy Nguyễn Thành Trung, lãnh đội HSGQG môn Địa lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhận xét: “Trong thời gian ôn tập, các em học sinh trong đội tuyển luôn nỗ lực với 100% khả năng, đặc biệt là Phương Liên. Sự tiến bộ thể hiện rõ qua các bài kiểm tra hàng tuần và kết quả của Kỳ thi là thành quả xứng đáng cho công sức của em... Nhờ làm chủ kiến thức, tư duy sáng tạo, khát vọng thể hiện bản thân nên học sinh có thể đạt kết quả mong muốn”.
Trên đây là 4 học sinh tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn học sinh giỏi khối các trường THPT của tỉnh tham dự kỳ thi chọn HSGQG năm nay. Mặc dù thời gian ôn thi HSGQG cũng là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Nam Định, việc huấn luyện của các đội tuyển phải chuyển sang trực tuyến kéo dài làm hạn chế việc trao đổi kiến thức giữa học sinh trong đội tuyển và với thầy cô. Học online cũng đòi hỏi tinh thần tự học của học sinh phải rất cao mới có thể thu nạp được nhiều kiến thức. Tuy nhiên, mỗi cá nhân học sinh và từng đội tuyển đều đã thể hiện rõ sự quyết tâm, khẳng định tư chất thông minh, có hoài bão và khát vọng chinh phục các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia với các thành tích nổi bật: 68/92 học sinh dự thi đoạt giải (đạt tỷ lệ 73,9%); trong đó 4 giải Nhất, 20 giải Nhì, 29 giải Ba và 15 giải Khuyến khích, qua đó viết tiếp vào bảng vàng thành tích của nhà trường. Kết quả đó một lần nữa khẳng định sự phát triển ổn định và bền vững của giáo dục tỉnh ta nói chung và thương hiệu Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nói riêng./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202204/nhung-doa-hoa-hoc-tot-2550210/