Những đóa hoa tươi thắm kính dâng Người
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng...
Nội dung phong phú, phù hợp từng cấp học giúp các em hiểu rõ hơn phẩm chất cao quý, cũng như những gì Bác đã làm cho non sông Việt Nam.
Sôi nổi các hoạt động
Ngày 13/5, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Quận 6, TPHCM) phối hợp cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM) tổ chức triển lãm và hội thi chuyên đề “Tìm hiểu Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chương trình giáo dục em yêu Bác Hồ”, thu hút hơn 2.200 học sinh tham gia.
Theo cô Trần Thụy Kim Nhung - Phó Hiệu trưởng, đây là hoạt động truyền thống được trường tổ chức hằng năm, nhằm giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hun đúc tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho học sinh. Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Là ngôi trường mang tên Bác, chúng tôi thường xuyên tổ chức hoạt động để học sinh tìm hiểu và biết nhiều hơn về tiểu sử, cuộc đời, hành trình ra đi tìm đường cứu nước, lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công của Người.
Thứ Hai hằng tuần, nhà trường tổ chức sinh hoạt chủ điểm, cho học sinh đọc tài liệu tìm hiểu về Bác và các sự kiện quan trọng của đất nước. Chương trình tạo hứng thú cho học sinh, nhân lên lòng tự hào dân tộc, biết tự rèn luyện bản thân, sống có nghị lực, ý thức vươn lên”, cô Trần Thụy Kim Nhung chia sẻ.
Tương tự, vừa qua Huyện đoàn và Phòng GD&ĐT huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) tổ chức Hội thi “Thiếu nhi kể chuyện Bác Hồ, năm học 2023 - 2024”. Dự hội thi có 18 thí sinh đến từ trường tiểu học, THCS, THPT có cấp THCS trên địa bàn huyện. Các phần thi kể chuyện của thí sinh đã gây ấn tượng tốt.
Qua các câu chuyện, học sinh rút ra bài học đối với bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ý nghĩa lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, hội thi còn nhằm giáo dục thiếu niên, nhi đồng thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy” và tạo môi trường cho các em rèn luyện, trau dồi đạo đức, lối sống,…
Tại Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11, TPHCM), Liên đội Tiểu học Phú Thọ đã tổ chức Đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ” năm 2024 nhằm tôn vinh những cá nhân xuất sắc, tập thể tiêu biểu. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Hương cho biết: “50 gương cháu ngoan Bác Hồ được tuyên dương, khen thưởng đợt này là những “đóa hoa tươi thắm nhất” dâng lên mừng sinh nhật Bác.
Đây cũng là dịp để Liên đội Tiểu học Phú Thọ báo cáo thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Thông qua đại hội, các em hiểu sâu sắc hơn về tình cảm, sự quan tâm ân cần của Bác Hồ với thiếu nhi, từ đó xác định mục tiêu phấn đấu trong học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ”.
Tại Đồng Tháp, hướng đến ngày sinh nhật Bác, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Theo ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp), các cơ sở giáo dục đã tổ chức nhiều chuỗi hoạt động giáo dục, văn hóa đọc và các sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị mà Bác để lại. Đặc biệt, tỉnh tổ chức Hội thi vẽ Bích họa sen với sự tham gia của hầu hết nhà trường trong tỉnh.
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống
Vừa qua, Đoàn Trường THPT Thống Linh (Đồng Tháp) tổ chức Hội thi hát Quốc ca và kể chuyện về Bác Hồ. Thầy Huỳnh Đức Tài - Bí thư Đoàn Trường THPT Thống Linh cho biết, hội thi giúp đoàn viên, thanh niên hiểu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước. “Đoàn trường còn cho ra mắt và trưng bày bức tranh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với hình ảnh Bác Hồ”, thầy Tài cho hay.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh khiêm (Quận 1, TPHCM), ngoài hoạt động của nhà trường tổ chức, học sinh lớp 1.5 còn tích cực vẽ tranh và viết cảm nhận về Bác. Cô Đặng Bích Trâm - giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Học sinh bắt đầu lên ý tưởng thực hiện từ ngày 10/4 đến ngày 14/5 lớp tổ chức tổng kết.
Những học sinh có sản phẩm đẹp, ý nghĩa sẽ được tuyên dương bằng những món quà và thư khen do tôi chuẩn bị. Các em hào hứng tham gia hoạt động vẽ tranh, cũng như viết cảm nghĩ về Bác Hồ. Hoạt động đã giúp các em biết rõ công ơn vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, từ đó tích cực học tập tốt xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.
Ở Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11, TPHCM), thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nội dung lớn, xuyên suốt quá trình giảng dạy và mọi hoạt động của nhà trường. Cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần thi đua, tích cực đổi mới phương pháp dạy học.
Bên cạnh lồng ghép giảng dạy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong môn Đạo đức, các môn học có liên quan, trường còn truyền tải một cách sinh động đến các em thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ, sinh hoạt lớp, hoạt động Đội.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương cho biết: “Qua hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Bác, học sinh hiểu rõ hơn về những phẩm chất cao quý, thêm yêu, trân trọng những gì Bác đã làm cho non sông Việt Nam. Từ đó, các em ghi sâu trong lòng những lời hứa để cố gắng trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho gia đình, xã hội”.
Ở Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM), giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh qua câu chuyện về Bác Hồ được nhà trường đặc biệt chú trọng. Ngoài những câu chuyện đoạt giải trong cuộc thi “Kể chuyện Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” được lựa chọn, xây dựng, tập luyện để kể dưới sân trường, giáo viên chủ nhiệm còn thường xuyên tổ chức cho học sinh đọc sách, thảo luận bài học về đạo đức, lối sống của Bác.
Thông tin từ thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Cường, mỗi tháng một câu chuyện, tùy vào sự phân công và định hướng của giáo viên chủ nhiệm mà mỗi lớp có cách tổ chức khác nhau. Chẳng hạn, trong tháng 3/2024, các lớp tổ chức kể chuyện về Bác với nhiều sự sáng tạo như: Làm clip lồng ghép hình ảnh Bác, có nội dung bài học để trình chiếu; tổ chức thảo luận sau mỗi câu chuyện; sân khấu hóa… Từng câu chuyện về Bác đã giúp học sinh rút ra nhiều bài học sâu sắc.
“Những bài học về Bác sẽ thấm nhuần từ nhận thức đến hành động, tạo bước chuyển biến tích cực trong tu dưỡng, rèn luyện, trở thành ý thức tự giác, tự học và tự điều chỉnh hành vi hằng ngày của mỗi em, góp phần hiện thực hóa mô hình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh THPT. Đồng thời qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường”, thầy Cường nhấn mạnh.
Em Nguyễn Lê Như Quỳnh - lớp 11A2, Trường THPT Lê Thánh Tôn (Quận 7, TPHCM) cho biết: “Em rất xúc động khi được nghe kể những câu chuyện, xem tư liệu về Bác Hồ. Mỗi câu chuyện là một bài học để em và các bạn trong lớp noi theo”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-doa-hoa-tuoi-tham-kinh-dang-nguoi-post683619.html