Những đoản khúc Lục thập hoa giáp
1. Giờ khó để cắt nghĩa vì can cớ gì tôi vọng cố hương ngược từ Phú Yên ra Quảng Bình để trọn nghiệp với nghề báo. Ngày đó, tất cả đều mông lung và thú thực tôi chưa một ngày nào viết báo và làm báo. Viết như bản năng, viết như hơi thở với tất cả sự trong trẻo, hồn nhiên có phần nông nổi của mình. Trên chiếc Honda 67 xoáy nòng thuộc hàng hiếm, tôi hòa mình vào không khí của những ngày đầu tái lập tỉnh.2.3. 4. 6
Quần tụ trong không gian của một trụ sở liên cơ ở Chi cục muối cũ có đến dăm bảy cơ quan tá túc. Thôi, những chật vật, khốn khó của một thời âu cũng là lẽ thường tình. Dẫu thiếu thốn đủ bề nhưng chúng tôi luôn dư thừa năng lượng và nhiệt huyết. Chúng tôi khát được đi, mê được đằm mình vào hơi thở của cuộc sống. Những chuyến lên rừng, xuống biển khó nói hết sự đọa đày và khổ ải. Nhưng có hề gì. Bao lần thoát hiểm, cái chết rất cận kề để rồi sau mỗi chuyến đi ấy, năng lượng tích cực lại được nạp đầy và cuộc sống lại tươi nguyên.
Nhớ một chuyến đi viết Ký sự đường 12A. Thời đó, mây song là mặt hàng được thương lái tranh mua tranh bán. Xung đột, va chạm, mâu thuẫn không tránh khỏi và án mạng đã xảy ra. Tôi cùng đồng nghiệp Tùng Lâm lên đường. Giờ ngồi xe vi vu vài tiếng là đến cửa khẩu Cha Lo, nhưng ngày đó từ Đồng Hới với tất cả các phương tiện có thể tận dụng, huy động, sau gần 3 ngày trời, chúng tôi mới đến được địa bàn Khe Ve.
Đêm đông mưa tầm tã. Nghỉ tạm trong quán nước bên đường, cồn cào đói và lạnh thấu xương. Phía đối diện là nơi xảy ra vụ án mạng và cũng là nơi tập kết mây song với những đầu nậu anh chị dữ tợn. Len lén đưa máy ảnh có phim độ nhạy 400 lên bấm mấy tấm xong vội vàng ẩn mình lùi xa nơi nguy hiểm. Nhập vai như những kẻ a-ma-tơ cũng đi mua bán mây song, và tư liệu cho chuyến đi cũng đã đủ.
Chúng tôi hạ sơn. Ngày đó, phóng sự, ký sự dài kỳ là hàng hiếm và rất ít thấy xuất hiện trên báo tỉnh. Ký sự đường 12A được đăng tải, tôi kiêm luôn khâu trình bày tít cho bài viết và được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.
Duyên nợ thế nào tôi cùng Tùng Lâm thành cặp bài trùng suốt 7 năm làm Báo Quảng Bình. Bao chuyến thâm nhập băng rừng cùng nhau, theo chân lâm tặc vào vương quốc gỗ lậu, rồi lại thượng sơn đến lãnh địa Khe Vàng khốc liệt một thời để có những phóng sự, ký sự nóng hổi thời sự, ăm ắp chất liệu cuộc sống. Nhớ về quãng ngày đó để thấy nghề báo đã cho mình những giá trị khó đo đếm hết.
Tổng Biên tập mà tôi làm việc đầu tiên là ông Đỗ Quý Doãn. Khi đến nhận việc, ông ấy chỉ bảo tôi: Lý thuyết về nghề báo thì nhiều, nhưng tốt nhất là học từ cuộc sống. Cứ đi theo Thế Thịnh, Thế Tường xem họ tác nghiệp thì sẽ thạo nghề. Cái thằng tôi lúc đó chưa có một mẫu lý thuyết lẫn kinh nghiệm làm báo nào, nghe thế lại càng hoang mang. Bắt đầu, khởi sự từ đâu, như thế nào? Thôi, chi bằng tự cứu mình vậy. Qua từng mẩu tin, từng bài viết cùng sự quan sát và cầu thị dần dần tôi làm chủ được ngòi bút của mình.
Những thế hệ tổng biên tập tôi may mắn được sống và làm việc đã cho tôi những kinh nghiệm tác nghiệp, những bài học về nghề thật quý giá. Tổng Biên tập Thanh Ba có lối phản biện sắc lẹm. Tổng Biên tập Tạ Đình Nam có lối giữ nhịp ôn hòa cần có và tính nhân văn cao mà báo hướng đến. Tổng Biên tập Phạm Xuân Lục hướng báo chí phản ánh sự thật một cách trực diện, không khoan nhượng. Mấy ai trong nghề báo được ân hưởng những tố chất ấy như tôi?
Sẽ không ngoa khi tự tin để nói rằng, Báo Quảng Bình đã làm nên tên tuổi nhiều nhà báo trong tỉnh và toàn quốc. Hơn 30 năm trước khi truyền hình và phát thanh chưa bùng nổ với đa dạng các nền tảng của thời đại 4.0, thì sản phẩm báo in là ngôi nhà chung cho những người làm báo, viết báo nương náu.
Bạn đọc sẽ không thể biết về một Lê Khánh Hòa với những ghi chép, bút ký ma mị, như được rút ra từ tâm can mình. Có một Thế Tường dọc ngang câu chữ, quyết liệt và cương cường nhưng ẩn sâu trong đó là sự thổn thức lay động lương tri. Làm sao biết về một Hồng Hiếu sâu đằm, bao dung nhưng không kém phần sắc sảo trước các vấn đề xã hội. Có một Xuân Thắng luôn muốn đi đến tận cùng các vấn đề với một trái tim nóng…
Một lứa ngang trời ấy còn đây và cùng chứng kiến một vòng xoay Lục thập hoa giáp của Báo Quảng Bình.
Bao ký ức cùng kỷ niệm ùa về một thời rực rỡ được sống hết mình với nghề, không toan tính, đố kỵ, bon chen. Cứ xách ba lô lên và đi bởi cuộc sống đang cần những ngòi bút khẳng khái và quả cảm. Chúng tôi đi về phe nước mắt. Những phận nghèo, yếu thế đang cần được lên tiếng. Và gần 10 ngày trời, trong một nhóm phóng viên cùng tác nghiệp theo Ban Dân tộc và Miền núi tôi có cơ duyên can dự vào thời điểm nhạy cảm nhất của 4 tộc người có nguy cơ diệt vong.
Tuyến phóng sự dài kỳ “Hành trình về với cộng đồng” được khởi đăng sau đó. Chúng tôi vượt khe sâu đèo cao đến với họ hay họ đang tìm lối khắc khoải và quá gian nan đến với chúng tôi? Người Rục, A Rem, Mã Liềng, Ma Coong, họ đang ở đâu trên hành trình cam go đó? Những thách thức mà họ và cộng đồng đang đối mặt đặt ra những quan điểm luận cho câu chuyện định canh, định cư.
Tiếng vang của tuyến phóng sự đã lay động lương tri của bạn đọc cả nước và các nhà khoa học, dân tộc học. Hàng loạt các nghiên cứu chuyên sâu về 4 tộc người được triển khai và kế hoạch bảo tồn và phát triển 4 tộc người có nguy cơ diệt vong hình thành.
Vinh dự và tự hào khi tuyến bài được Hội đồng giải báo chí toàn quốc trao giải A. Một giải A báo in duy nhất và hiếm hoi cho một tác phẩm báo chí ở tỉnh lẻ. Nói ra điều đó, để cũng chiêm ngẫm một điều bình dị rằng, sản phẩm báo chí có giá trị nó không nằm ở quy mô, tầm vóc của địa giới hành chính.
Tôi đã có 7 năm trong chiều dài 60 năm oanh liệt của Báo Quảng Bình và với tất cả lòng chân thành nhất tôi muốn nói lời tri ân về nơi tôi chập chững những bước đi đầu tiên trong nghề báo. Năng lượng khởi đầu, uyên nguyên, tinh khôi đã giúp tôi vững vàng, tự tin đón nhận và đối đầu với những cạm bẫy, cám dỗ. Môi trường, hệ sinh thái những ngày đầu làm báo trong mơ ấy, nếu ai được đằm mình và trọn vẹn sống hết lòng với nó, chắc chắn họ sẽ chiêu cảm được những điều tốt đẹp và sẽ được hạnh phúc cộng hưởng thành sức mạnh nội sinh giúp chúng ta bình yên đi qua giông bão.
Trong sự vi tế của vũ trụ, ai đủ sự tinh nguyên để lắng nghe những nhịp đập của sự tử tế, để lắng lọc lại cho mình những sự tinh khôi kiếp người, họ sẽ thành công. Thành công không hẳn là đường quan lộ, không hẳn là sự thăng tiến, đó là sự thành công của sự chiêm cảm của một nghề, của một nghiệp mà cuộc đời chúng ta phải lãnh sứ mệnh. Cảm ơn rất nhiều cuộc đời này, khoảnh khắc mà chúng ta có mặt tham góp để làm thành một giá trị.
. Khi nhà báo Hồng Hiếu, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Bình hỏi tôi: Anh có điều gì nhắn gửi với lớp trẻ những người làm báo thời nay? Một câu hỏi thường lệ của những người làm báo với người được phỏng vấn. Câu hỏi thường thôi sao mà nặng ưu tư.
Tôi lặng đi mấy giây để phản tỉnh chính mình, sao không phải là sự nhắn nhủ cho những người làm báo của ngày hôm qua. Sao không phải là sự đổi mới mình, là sự cập nhật những thông tin cấp thời về những những vấn đề mà đời sống đòi hỏi? Sao đó không phải là viết những vấn đề mà bạn đọc cần chứ không phải viết những điều mình thích? Sao đó không phải là những lát cắt đau đáu mà bao thân phận yếu thế trăn trở thay vì là những lời phô trương, rỗng tuếch?
Và nữa, những người làm báo trẻ hôm nay, đâu rồi những nhiệt tình, nhiệt huyết của thế hệ hôm qua? Đâu rồi sự quang minh chính đại, trong sáng đến ngỡ ngàng của một thế hệ chỉ biết tận hiến và dâng hiến? Đâu rồi những cảm xúc nhân thế khôi nguyên cùng nhịp đập với nhân vật báo chí? Đâu rồi sự dấn thân mà chưa bao giờ đặt câu hỏi về mình sẽ được gì sau tuyến bài này, câu chuyện này?
Chúng tôi thèm được sự trợ lực của những thiết bị mà 4.0 mang đến cho những người làm báo, viết báo, nhưng chắc chắn, 60 năm qua, giá trị tạo nên sự lừng lẫy của Báo Quảng Bình không phải từ đó. Nó được chắt chiu từ trí tuệ, mồ hôi, máu xương của bao thế hệ nhà báo chân chính luôn đi về phía ánh sáng, đi về phía sự thật và lẽ phải. Họ là những trái tim Đan Kô luôn biết hy sinh và dẫn đường...
Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong