Những doanh nghiệp nghìn tỉ kỳ lạ chỉ vỏn vẹn vài nhân viên
Không mấy tên tuổi, kín tiếng, CTCP Đầu tư Hoàn Kiếm đạt doanh thu tới 11.600 tỉ đồng, còn CTCP Kinh doanh Thương mại Thịnh Phát thu về hơn 12.100 tỉ đồng...Những doanh nghiệp này chỉ có vài nhân viên và có liên quan mật thiết đến một tập đoàn lớn tại Hà Nội.
Trên sàn chứng khoán hiện nay, con số doanh thu vài nghìn tỉ đồng mỗi năm đã là chuyện hiếm, còn vượt trên con số 10.000 tỉ đồng thì ngoài nhóm ngân hàng chỉ còn một số doanh nghiệp top đầu ở các lĩnh vực. Những công ty này thường có tên tuổi, danh tiếng, với quy mô nhân sự cả nghìn người, nắm thị phần chi phối tại những thị trường riêng.
Doanh thu cao đột biến hàng nghìn tỉ nhưng lãi "bèo bọt"
Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp đặc biệt khác có thể đạt được mức doanh thu kể trên. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hoàn Kiếm thành lập ngày 26/10/2015 là một ví dụ. Doanh nghiệp này đặt trụ sở tại Tầng 6, số 12, Trương Hán Siêu, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu.
Với một doanh nghiệp tuổi đời chỉ hơn 5 năm, nhưng quy mô doanh thu và tài sản của CTCP Đầu tư Hoàn Kiếm có thể khiến không ít doanh nghiệp phải nể phục.
Năm 2017, chỉ hai năm sau khi thành lập, doanh nghiệp này đạt doanh thu gần 11.000 tỉ đồng. Con số này giảm còn hơn 8.500 tỉ vào năm 2018 nhưng tăng lên trên 11.600 tỉ đồng vào năm 2019.
Điểm đặc biệt là dù doanh thu cao đột biến nhưng lãi ròng hàng năm của CTCP Đầu tư Hoàn Kiếm chỉ giữ ở mức tương đối vài tỉ đồng. Đến cuối năm 2019, doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 5.600 tỉ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu vỏn vẹn hơn 112 tỉ. Nói cách khác, phần nợ phải trả của Đầu tư Hoàn Kiếm đang chiếm áp đảo.
Với quy mô tài chính đặc thù như vậy, nhiều loại trừ khả năng Đầu tư Hoàn Kiếm chỉ đóng vai trò là một SPC (Segregated Portfolio Company - công ty với danh mục đầu tư riêng biệt) của một tập đoàn lớn. Thực tế, lãnh đạo điều hành của Đầu tư Hoàn Kiếm cũng là trưởng phòng kinh doanh của một tập đoàn có tiếng tại Hà Nội. Công ty này cũng chỉ bao gồm 7 nhân sự: ông Nguyễn Văn Mạnh (giám đốc), kế toán trưởng Bùi Thị Thanh Vân, kế toán viên Trần Phương Linh cùng 2 nhân viên khác phụ trách kinh doanh và 1 nhân viên hành chính nhân sự.
Ngoài Đầu tư Hoàn Kiếm, một cái tên khác có mô hình tương tự là Công ty Kinh doanh Thương mại Thịnh Phát. Ba năm gần nhất, doanh thu của Thịnh Phát tăng từ 7.942 tỉ lên 12.156 tỉ đồng. Nhưng cũng như Đầu tư Hoàn Kiếm, quy mô lãi ròng chỉ tượng trưng vài tỉ đồng đồng mỗi năm.
Ngoài ra, phần lớn tài sản của doanh nghiệp này cũng được hình thành từ nợ phải trả.
Ngoài cấu trúc tài sản có phần tương đồng, một điểm chung khác của doanh nghiệp này với Đầu tư Hoàn Kiếm là cơ cấu nhân sự cũng chỉ chưa đến 10 người và có sự liên quan đến một tập đoàn có tiếng tại Hà Nội.
Công ty nghìn tỉ chỉ có vài nhân viên
Hai cái tên này cũng gợi nhớ đến một doanh nghiệp khác gần đây thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh Invest. Công ty của cựu danh thủ Văn Sỹ Thủy chỉ có 4 nhân sự nhưng có doanh thu gần 3.500 tỉ đồng.
Cụ thể, trong năm 2018, dù chỉ được thành lập và hoạt động trong tháng cuối năm nhưng doanh thu của HLHT Invest cũng lên tới 190,1 tỉ đồng. Trong năm 2019, doanh thu của công ty tăng gấp 18 lần, đạt 3.455 tỉ đồng và đưa công ty lọt vào top 3 doanh nghiệp lớn của tỉnh Hà Tĩnh, chỉ xếp sau Fomorsa và Hoành Sơn Group.
Dù doanh thu đạt hàng ngàn tỉ đồng nhưng lợi nhuận của HLHT Invest chỉ đạt 2,2 tỉ đồng trong năm 2019 và lỗ 114 triệu đồng trong năm 2018. Tính đến thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của HLHT Invest đạt 2.006 tỉ đồng, tăng 10,5 lần so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 102,1 tỉ đồng.
Quy mô lớn như vậy nhưng trên giấy tờ, HLHT Invest lại chỉ có 4 lao động được đăng ký bao gồm: Giám đốc Văn Sỹ Thủy, Kế toán trưởng Trương Thị Hoa, Phụ trách kinh doanh Nguyễn Văn Cường và Nhân viên kế toán Hoàng Thị Nga.