Những doanh nghiệp tiêu biểu hành động vì môi trường sạch ở Bắc Ninh

Tỉnh đưa ra Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025, trong đó vận động các doanh nghiệp tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường; lựa chọn công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Khu công nghiệp Yên Phong. (Nguồn: yenphong.viglaceraip.com)

Khu công nghiệp Yên Phong. (Nguồn: yenphong.viglaceraip.com)

Những doanh nghiệp tiêu biểu hành động vì môi trường sạch là chủ đề năm 2019 của tỉnh Bắc Ninh nhằm từng bước khắc phục tồn tại trong quản lý, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường cấp bách, phát triển hài hòa theo hướng bền vững.

Tỉnh đã đưa ra Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025, trong đó vận động các doanh nghiệp tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường; lựa chọn công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; đầu tư và vận hành có hiệu quả hệ thống xử lý nước thải trước khi xả vào môi trường; tái chế rác thải và tích cực tham gia các hoạt động chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường bền vững.

Tiêu biểu như Nhà máy Xử lý nước thải thuộc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera (Tổng công ty Viglacera) tại Khu công nghiệp Yên Phong 1; Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) tại xã Gia Đông, huyện Thuận Thành.

Quy trình xử lý nước thải khép kín

Nhà máy Xử lý nước thải thuộc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera (Tổng công ty Viglacera) tại Khu công nghiệp Yên Phong 1 (Bắc Ninh) là mô hình tiêu biểu về xử lý nước thải công nghiệp, đáp ứng được các tiêu chí về bảo vệ môi trường theo quy định.

Ông Nguyễn Thành Đoàn, Phó Quản đốc Nhà máy Xử lý nước thải Khu công nghiệp Yên Phong 1, cho biết việc xử lý nước thải ở đây được thực hiện theo quy trình khép kín với công suất xử lý 25.000m3 nước/ngày.

Nước thải phát sinh từ Khu công nghiệp Yên Phong 1 sẽ được thu gom và đưa về trạm bơm của trạm xử lý nước thải giai đoạn bốn. Sau đó nước thải sẽ được dẫn qua song chắn rác trước khi đi vào trạm bơm, nhằm loại bỏ cặn rắn có kích thước lớn, tránh làm tắc nghẽn bơm và bảo vệ các công trình phía sau.

Nước thải từ trạm xử lý được bơm tiếp lên thiết bị lược rác tinh trước khi tự chảy vào bể lắng cát. Thiết bị này nhằm loại bỏ các cặn có kích thước lớn hơn 2mm, những loại cặn thường gây tắc nghẽn hệ thống phân phối khí và các thiết bị làm thoáng cho các công trình xử lý phía sau.

Bể lắng cát kết hợp tách dầu mỡ có nhiệm vụ tách các thành phần này ra khỏi nước thải. Bể được thiết kế có phễu thu cát, phần cát lắng sẽ được bơm ra sân phơi cát bằng bơm chuyên dụng. Phần trên bể lắng cát có lắp đặt bơm váng nổi gạt bỏ dầu mỡ và các phần tử cặn lơ lửng có tỷ trọng nhỏ hơn nước thải.

Các thành phần này sẽ được bơm về hố thu váng nổi trước khi dẫn về bể chứa bùn vô cơ (TK14). Nước thải sau khi tách cát và váng dầu sẽ tự chảy vào bể điều hòa.

"Bể này sẽ điều hòa lưu lượng và tải lượng chất ô nhiễm có trong nước thải, cụ thể là điều chỉnh sự biến thiên lưu lượng nước thải theo từng giờ trong ngày và tránh sự biến động hàm lượng chất hữu cơ làm ảnh hưởng đến hoạt động của vi khuẩn trong bể xử lý sinh học. Không khí được cấp vào bể thông qua máy thổi khí nhằm hạn chế quá trình sa lắng cặn cũng như oxy hóa một phần các hợp chất hữu cơ. Nước thải sau đó được bơm lên bể keo tụ (TK04) và được kiểm soát bằng đồng hồ đo lưu lượng lắp đặt trên đường ống," ông Đoàn giải thích.

Sau quá trình xử lý hóa lý ở bể lắng cát và tách dầu, bể keo tụ - tạo bông và bể lắng sơ cấp, nước thải sẽ được tiếp tục xử lý bằng phương pháp sinh học ở bể anoxic.

Các chất ô nhiễm được xem như là “thức ăn” cho sự phát triển của vi khuẩn, đó là điều cần thiết để xử lý nước thải được cấp liên tục vào bể.

Sau khi tiến hành quá trình xử lý sinh học, phần lớn các chất hữu cơ có trong nước thải được loại bỏ. Nước thải sau khi qua quá trình xử lý sinh học tiếp tục chảy vào bể lắng sinh học…

Theo ông Thuận, trước sự mở rộng quy mô của các khu công nghiệp, riêng Khu công nghiệp Yên Phong 1 đã có tới 70 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại đây. Để kiểm soát tốt nguồn nước thải, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Trong đó, Công ty chú trọng đầu tư đồng bộ, hợp lý các hạng mục hạ tầng (nước sạch, xử lý nước thải...) và hình thành bộ phận chuyên trách về công tác bảo vệ môi trường cho toàn Khu công nghiệp Yên Phong 1.

Đặc biệt công ty phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường đối với từng đơn vị. Qua đó sớm phát hiện, ngăn chặn và xử phạt các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Nơi chất thải nguy hại là nguồn nguyên liệu quý

Trong những ngày nắng nóng như đổ lửa của mùa Hè, chúng tôi có dịp đến tìm hiểu hoạt động phân loại, tái chế rác thải dân dụng và công nghiệp của Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS) tại xã Gia Đông, huyện Thuận Thành.

Nơi đây chất thải nguy hại được Công ty coi đó là nguồn nguyên liệu quý để chế biến và sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao như nhựa plastic, sắt, thép, gang, kim loại màu và thậm chí là kim loại quý như vàng, bạc…

Tuy là nơi xử lý chất thải độc hại nhưng nhà máy của Công ty có khuôn viên ngập tràn màu xanh của cỏ cây, không khí không "nặng mùi' như những nơi chế biến rác thải mà mọi người thường thấy.

Giám đốc Thuận Thành EJS Vũ Mạnh Tiến cho biết hầu hết các ngành nghề đều phát sinh chất thải nguy hại. Tùy theo mỗi lĩnh vực mà phát sinh chất thải nguy hại đặc trưng cho từng ngành. Cụ thể là nguồn rác thải sinh hoạt trong cộng đồng gồm acquy, pin hỏng, đèn huỳnh quang thải, chất thải có thành phần sơn, vecni, chất kết dính, chất bịt kín, mực in, thuốc diệt trừ các loài sâu, côn trùng gây hại. Tiếp đó là chất thải từ khâu chăm sóc y tế, hóa trị liệu, chất thải phóng xạ... Riêng rác thải y tế lên đến khoảng 21.000 tấn hằng năm.

Đặc biệt, nguồn phát sinh chất thải nguy hại phần lớn xuất phát từ các hoạt động công nghiệp thải ra hàng năm. Bình quân rác thải của ngành mạ kim loại là các kim loại nặng Cr, Ni, dung dịch axit,... khoảng 130.000 tấn mỗi năm (trong đó công nghiệp nhẹ chiếm 47%, công nghiệp hóa chất 24%, luyện kim 20%, chế biến thực phẩm 8%, điện và điện tử 1%).

Rác thải ngành khoáng sản gồm quặng sắt, quặng sulfua thải, bùn thải và chất thải có chứa dầu, hắc ín thải... Rác thải ngành cơ khí gồm chất thải có chứa amiăng, xăng-dầu-nhớt thải, sáp-mỡ thải, bùn thải từ thiết bị chặn dầu-tách dầu, bùn thải hoặc chất thải có chứa halogen hữu cơ... Rác thải ngành điện là các thiết bị điện có PCB, CFC, HCFC, HFC, amiăng..

Trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi rác thải là bao bì thuốc trừ sâu, các loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng, các loại thuốc hết hạn sử dụng; kim tiêm, vỏ chai thuốc… chứa dược phẩm gây độc tế bào, gia súc-gia cầm chết do dịch bệnh.

Ở Việt Nam lượng rác thải độc hại từ nông nghiệp hàng năm là 3.600 tấn, chưa kể 37.000 tấn chất hóa chất cấm sử dụng đang tồn kho chưa có biện pháp xử lý.

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại (thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại), Thuận Thành EJS đã đầu tư xây dựng nhà máy phân loại, tái chế rác thải dân dụng và công nghiệp tại xã Gia Đông với năng lực xử lý lên tới 300 tấn/ngày, đi vào hoạt động từ năm 2013.

Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và Hàn Quốc trong xử lý ô nhiễm môi trường, đồng thời sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, cung cấp cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất, chi phí hợp lý, chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp nhằm đạt được hiệu quả đầu tư theo xu hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Thuận Thành EJS đã và đang hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thu gom, vận chuyển chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại-tái chế phế liệu-xử lý chất thải nguy hại-vệ sinh công nghiệp-tư vấn môi trường, công ty từng bước xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và không ngừng gia tăng uy tín, thương hiệu của mình.

Ngành chính và thể hiện sự vượt trội về công nghệ của Thuận Thành EJS là tái chế phế liệu nguy hại từ ngành công nghiệp và từ các làng nghề.

Từ những phế liệu nguy hại này, công ty đã sản xuất ra các sản phẩm nhựa plastic, sắt, thép, gang, kim loại màu và kim loại quý như vàng, bạc…

Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép và tiếp tục sử dụng quay vòng để phục vụ cho hệ thống tháp giải nhiệt, làm mát và dập bụi, xử lý khí của lò đốt. Còn cặn bã tro xỉ được trộn thêm ximăng đóng thành gạch xây dựng.

Ngoài ra công ty còn cung ứng lao động tạm thời, vệ sinh nhà cửa, các công trình khác và đảm nhiệm dịch vụ chăm sóc và duy trì cảnh quan môi trường trên địa bàn huyện Thuận Thành cũng như các địa phương khác có nhu cầu.

“Bảo vệ thiên nhiên, sản xuất thân thiện với môi trường làm nên thành công của doanh nghiệp chúng tôi,” ông Vũ Mạnh Tiến khẳng định./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhung-doanh-nghiep-tieu-bieu-hanh-dong-vi-moi-truong-sach-o-bac-ninh/589986.vnp