Những đội cứu hộ thầm lặng lách qua khe cửa tử thần mang mạng sống trở lại giữa đêm đen
Ban ngày, có thể họ vẫn là những người sống một cuộc đời bình thường, giản dị. Nhưng khi màn đêm buông xuống, họ dù không mặc áo choàng nhưng vẫn trở thành 'siêu nhân' cứu sống hàng ngàn người đứng trước ranh giới sinh tử một cách phi thường.
“Lời cảm ơn chẳng thể đổi thành tiền nhưng khiến mình vui và hạnh phúc”
Nhóm “Báo đêm” (SOS Đà Nẵng) với đội trưởng là anh Đặng Ngọc Tiến đi vào hoạt động từ đầu tháng 5/2019 cùng 6 thành viên xuất phát từ niềm đam mê chung - du lịch bụi. Trong hành trình của mình, sau đã nhiều lần chứng kiến trường hợp xe bị thủng lốp giữa đèo, đêm khuya… mà không có ai hỗ trợ, các chàng trai đã nảy ra ý định thành lập nhóm cứu hộ này.
Ban đầu, mục đích chỉ dừng lại ở việc giúp các bạn phượt Bắc – Nam trong cộng đồng biker khi đi qua khu vực đèo Hải Vân. Sau đó, nhóm mở rộng hoạt động cứu hộ xe ở khu vực nội thành và đường Đà Nẵng đi Hội An.
Cứ thế, đều đặn từ 19 giờ tối hàng ngày, bất kể nắng mưa, nhóm bạn trẻ lại rong ruổi khắp những tuyến đường để hỗ trợ người dân gặp chuyện chẳng lành với giá hoàn toàn miễn phí. Số điện thoại của nhóm cũng được nhiều người dân Đà Nẵng lưu vào máy và chia sẻ nhau để… phòng thân.
Đáng trân quý hơn, các thành viên của nhóm đều là những chàng trai 9X và 10X, mỗi người một hoàn cảnh và họ đều không giàu vật chất nhưng lại rất giàu tình người
Nói về những khó khăn khi làm công việc "không công" này, các bạn trẻ trong nhóm đều cười trừ. Theo họ, khó khăn lớn nhất có lẽ là từ phía gia đình do lo lắng việc con đêm nào cũng vắng nhà. Thêm nữa, có nhiều trường hợp nhờ hỗ trợ, nhóm phải đi rất xa giữa đêm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Những đêm "ế khách", các thành viên lại chia nhau đi tuần tra trên những tuyến đường vắng nhằm hỗ trợ người dân khi gặp sự cố mà không thể liên lạc. Ngoài ra, trong túi đồ nghề các thành viên luôn có sẵn bông băng y tế để kịp thời sơ cứu khi gặp những trường hợp tai nạn.
Đặc biệt, hành động ý nghĩa của nhóm đã được lan tỏa, nhiều "khổ chủ" sau khi nhận được sự giúp đỡ cũng đã xin gia nhập và trở thành thành viên đầy nhiệt huyết của SOS Đà Nẵng. Đến nay, nhóm có 15 thành viên thường trực cùng một mạng lưới cộng tác viên dày đặc.
Tuy vất vả là vậy, nhưng động lực thúc đẩy SOS Đà Nẵng tiếp tục trắng đêm dấn thân trên mọi nẻo đường chính là những lời cảm ơn, những nụ cười ấm áp của người bị nạn. "Dù lời cảm ơn chẳng thể đổi thành tiền, nhưng khiến mình vui và hạnh phúc vì đã giúp đỡ được nhiều người, làm những việc có ích cho xã hội", Đặng Hữu Thắng (SN 2002, quê Quảng Nam) một thành viên trẻ tuổi trong nhóm tâm sự.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, tất cả thành viên đội đã chia nhau trực chốt chống dịch cùng lực lượng y tế. Đồng thời vận động được hơn 600 suất quà hỗ trợ khu cách ly, các gia đình có F0. Đặc biệt, giữa năm 2021, nhóm còn lập điểm sửa xe và thay nhớt miễn phí trên đèo Hải Vân để tiếp sức cho hàng trăm bà con từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch.
Từ biến cố gia đình trở thành nghị lực giúp đỡ cộng đồng
Sau khi chị gái qua đời vì tai nạn giao thông và không được phát hiện, hỗ trợ kịp thời, năm 2017 Nguyễn Hoàng Kim Ngân (29 tuổi) lên ý tưởng thực hiện thành lập đội cứu nạn giao thông 911 và được bạn bè ủng hộ.
Dù không rành về sơ cấp cứu, ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng bản thân Ngân tự hứa cần phải hành động để những người gặp nạn giống như chị gái có thêm cơ hội sống. Dần dần, đội cứu hộ đã quen với công việc phối hợp với cơ quan chức năng, hỗ trợ nhập viện, tìm người thân cho những trường hợp tai nạn.
"Ban đầu mẹ tôi rất sợ vì con gái đi đêm hôm lỡ gặp cướp giật hoặc người say xỉn có hành động khiếm nhã. Nhưng một khi tôi đã quyết tâm rồi thì cố gắng tự bảo vệ bản thân, hứa với mẹ để mẹ được an tâm. Tiếc là mẹ tôi sau đó cũng qua đời vì bạo bệnh, không thể nhìn thấy con gái của mẹ nay đã trưởng thành hơn…", Ngân nghẹn lời.
Những biến cố liên tiếp của gia đình khiến cô gái trẻ càng có thêm động lực để làm được những việc bản thân cho là có ích cho xã hội. Với quan niệm "nếu hôm nay mình không làm, ngày mai mình chết thì sao", 6 năm qua Ngân cùng với đội cứu nạn giao thông 911 đã hỗ trợ hàng ngàn trường hợp gặp tai nạn giao thông, cứu nhiều người thoát khỏi cửa tử.
9h tối, tại chốt trực trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức), Ngân cùng với các thành viên của đội cứu hộ bắt đầu phân chia nhiệm vụ đi tuần ở các tuyến đường với đầy đủ dụng cụ như đèn pin, túi cứu thương.
6 năm tham gia đội cứu hộ giao thông, điều mà Ngân cùng các đồng đội cảm thấy hạnh phúc nhất là nghe được những cuộc gọi báo nạn nhân đã tỉnh, qua cơn nguy kịch từ bệnh viện. 8 thành viên với xuất phát điểm, công việc khác nhau nhưng tất cả đều chung lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, mong muốn giúp đỡ được nhiều trường hợp tai nạn nhất có thể.
Những buổi ngồi túc trực ở chốt, điều mà Ngân cũng như các thành viên trong đội cứu nạn giao thông 911 luôn mong muốn là sẽ không có ca tai nạn xảy ra, sẽ không phải nhận bất kỳ cuộc gọi báo tin tai nạn cần hỗ trợ từ người dân.
FAS Angle - những thiên thần áo cam cứu hộ xuyên màn đêm
Thành lập từ năm 2019, sau 4 năm hoạt động Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel do anh Phạm Quốc Việt làm “thủ lĩnh” đã cả ngàn lần mang lại cơ hội sống cho những người đang đứng trước “cửa tử”. Bắt đầu từ sự không may mắn của bản thân - khi phải trải cảm giác trở về từ cửa tử sau một vụ tai nạn giao thông, anh Phạm Quốc Việt thành lập FAS Angel (First Aid Support Angel) tại Hà Nội vào năm 2019.
“Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2016, khi tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người, khiến tôi bất tỉnh. Sau một hồi lâu, tôi tỉnh lại nhưng toàn thân như bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc là tỉnh táo. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, mong tìm thấy một bóng người nào đó để cầu cứu cho đến khi kiệt sức và ngất đi một lần nữa. Thức dậy tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện. Thì ra, một người qua đường tốt bụng đã nhìn thấy và đưa tôi đi cấp cứu. Tôi có cảm giác như vừa từ cõi chết trở về”, anh Việt bắt đầu câu chuyện.
Chỉ với 5 thành viên ban đầu, tính đến hiện tại, Fas Angel đã có đội ngũ 28 thành viên là nòng cốt, quản lý các hoạt động trực tiếp, gần 300 tình nguyện viên và có hơn 1500 thành viên là cộng tác viên thường xuyên báo tin, hỗ trợ đội tiếp cận hiện trường, giúp đỡ người bị nạn.
Trong quá trình hoạt động của mình, Đội đã thiết lập “5 không” là nguyên tắc hoạt động của mình: Không bỏ rơi, Không thu phí, Không phân biệt, Không tranh cãi và Không phán xét. Đây là cam kết mà tất cả các thành viên của Đội đã thống nhất và tuân thủ một cách đồng lòng.
Sau 4 năm kiên trì hoạt động với sứ mệnh thiêng liêng, FAS Angle đã tham gia cứu hộ, cứu nạn hơn 17.000 vụ việc và hơn 10.000 người đã may mắn thoát khỏi tử thần nhờ có sự xuất hiện của những “thiên thần áo cam”. Riêng trong năm 2023, nhóm đã hỗ trợ và cứu thương kịp thời cho gần 3.000 nạn nhân.
Cũng trong năm nay, anh Việt đã mở rộng hoạt động nhóm đến một số tỉnh khác như Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La. Ngoài ra, nhóm Fire Angel cũng được thành lập gồm với 20 tình nguyện viên. Họ đều là những người được huấn luyện chuyên sâu về PCCC&CHCN. Đặc biệt, FAS Angle cũng chính là đội cứu hộ kịp thời xuất hiện và cứu sống 12 người trong vụ cháy chung cư mini thương tâm tại Khương Hạ (Hà Nội).
Chia sẻ về hành trình trong 4 năm qua, anh Việt chỉ lên chiếc đèn xe cứu thương và nói: “Ai đó hỏi tôi về những chuyến đi tuần Hỗ Trợ Sơ Cứu Tai Nạn Giao Thông: vui nhất là gì và buồn nhất là gì ? Tôi trả lời: ‘Vui nhất là cái đèn đỏ này không phát sáng trong đêm. Và buồn nhất là khi nó được bật tắt quá nhiều lần trong ngày”.
Với những đóng góp của mình, mới đây, đội trưởng Phạm Quốc Việt đã trở thành 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu được vinh danh tại Lễ trao trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2023. Đồng thời FAS Angle cũng là 1 trong 33 dự án được lựa chọn vào vòng chung kết giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize trong năm đầu tiên tổ chức.