Những đôi mắt mang hình hài phố

Đại úy Trần Ngọc Mai, cán bộ Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trường đại học An ninh nhân dân, đặt đoạn kết cho bài thơ 'Đôi mắt' của mình, trong những ngày điều trị Covid-19: 'Em thấy gì trong ngày tháng cách xa. Khi hai đứa ở hai đầu chống dịch. Nỗi nhớ sâu, đáy mắt thành trầm tích. Sài Gòn buồn, và đôi chúng ta đau. Sẽ có ngày ta lại được nhìn nhau. Bằng đôi mắt mang hình hài của phố'.

Ngay cả khi khó khăn nhất, ai cũng vững niềm tin dịch bệnh rồi sẽ qua.

Ngay cả khi khó khăn nhất, ai cũng vững niềm tin dịch bệnh rồi sẽ qua.

Lang thang Sài Gòn những ngày này, chúng tôi (PV) nhận được rất nhiều lời tâm sự như thế-những dòng tâm sự viết thành thơ.

Tình thương để đâu cho hết

“Đây là phòng của vợ em. Vợ chồng em vừa được gặp nhau cách đây một tháng, khi cô ấy nhiễm Covid-19 và vào đây điều trị. Chứ lâu lắm rồi, vợ chồng đâu thấy mặt nhau”. Nghe mấy câu trải lòng của vị bác sĩ trẻ khi đến thăm khám cho mình trong ngày đầu vào bệnh viện dã chiến điều trị, Đại úy Trần Ngọc Mai cảm thấy buồn miên man. “Bác sĩ ơi, ở đây nhiều người bị chết không?”-anh vội hỏi trong khi lòng chưa hết lo âu vì cả nhà nhiễm bệnh ngay lúc Sài Gòn căng thẳng nhất. “Thật sự là nhiều… Em đau lòng khi chứng kiến cảnh nhiều người ra đi vì dịch bệnh”. Câu nói kết lại với tông giọng trầm buồn, ánh mắt nam bác sĩ trẻ rưng rưng khiến Đại úy Mai xúc động.

Là chiến sĩ cảnh sát, từ khi TP Hồ Chí Minh bùng dịch trở lại, vợ anh Mai tham gia công tác tuyến đầu. Những tháng ngày sau đó, gia đình xa cách nhau vì vợ anh toàn đi từ tinh mơ và trở về khi thành phố đã ngủ say. Cho đến khi cả nhà cùng nhiễm bệnh, vào điều trị tại đây, anh sực nhớ đã lâu lắm rồi chưa có phút giây sum họp đúng nghĩa như vầy. Trong căn phòng trống trải, thiếu thốn nhiều thứ nhưng hơn hai tuần đó, Đại úy Mai lại thấy tim ấm áp đến lạ. Vợ chồng anh có nhiều thời gian để chăm sóc, tâm sự cùng nhau, hai đứa trẻ thêm yêu thương, nhường nhịn. Hạnh phúc từ nghịch cảnh. Đôi khi, người ta vui với những điều bình dị.

Nhìn mình, anh thấy thêm quý trọng, biết ơn đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và những người chung tay chống dịch ở khắp mọi miền. Những thương mến đó trở thành bao vần thơ đẹp, lay động lòng người. Trong chùm thơ sáng tác tại bệnh viện dã chiến, “Đôi mắt” là tác phẩm khiến Đại úy Mai xúc động nhất. Đó là những gì anh mắt thấy, tai nghe trong những ngày Sài Gòn cùng ra sức chống dịch. Đó là ánh mắt thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc từ hạnh phúc đến thương đau: “Đại dịch cho anh hiểu hạnh phúc là gì. Là đôi mắt lặng nhìn nhau trìu mến. Là sẻ chia, vì thương yêu mà đến. Lời chân thành từ vòm mắt hun sâu. Có mỏi không, đôi mắt của tuyến đầu. Những quặn đau khi nhìn vào cái chết. Có nhiều điều mà anh chưa hiểu hết. Khi bóng áo blouse ngước mắt ướt lên trời…”.

Ở một thời điểm khác, nhà thơ Nhật Quỳnh thủ thỉ: “Có đêm cố chợp mắt sau cơn sốt cao, tôi giật mình khi một bàn tay ấm chợt đặt nhẹ lên trán. Nữ điều dưỡng đo huyết áp, đo Spo2 rồi ân cần hỏi thăm tôi trước khi rời đi. Gần một tháng giành giật sự sống tại bệnh viện dã chiến này, tôi thấm thía cái gọi là tình thương yêu. Về nhà, mấy ngày liền mất ngủ, tôi nhớ những ngày tháng đã qua”. Chẳng phải người Sài Gòn nhưng gần 30 năm gắn bó với thành phố này, nhà thơ Nhật Quỳnh xem nó là một phần máu thịt để khi nghe tiếng xe cứu thương “cứa vào từng góc phố” trong ngày giãn cách, bà đau đến xé lòng. Những tâm tư ấy dồn nén rồi bật thành từng câu thơ chạm đáy âu lo cho thành phố, cho mọi người. “Có bao người tìm đường về nhà trong thành phố đêm nay. Con đường quen mà chân không thể bước. Con đường quen mà chân không chạm đất. Âm thanh nào vừa lọt giữa bàn chân. Có quá nhiều nỗi đau. Cứ tưởng khẩu trang che kín hết. Nhưng làm sao che được. Những phận người đau đáu…”.

Mấy ngày sau khi hoàn thành chùm thơ “Viết cho đêm không ngủ” và “Hãy nhẹ tay thôi” như một cách đồng cảm, sẻ chia với thành phố, nhà thơ Nhật Quỳnh nhiễm Covid-19, nhanh chóng trở nặng phải vào Bệnh viện dã chiến số 14 điều trị. Có lúc, trên hành trình ấy, nhìn vài người chung phòng lặng lẽ ra đi, bà sợ biết đâu mai này mình cũng thế. “Không, nhất định phải vượt qua vì mình còn yêu cuộc đời này lắm. Mình không thể rời xa khi còn quá nhiều việc chưa làm. Rồi sự yêu thương, chăm sóc của đội ngũ y tế, sự san sẻ động viên của những bệnh nhân trong phòng giúp tôi khỏe mạnh mỗi ngày. Đến lúc chuyển sang tháp khác đợi ngày trở về, tôi thấy lòng mình ấm áp lắm. Được hít bầu không khí trong lành đôi khi là điều đáng quý”, nhà thơ Nhật Quỳnh nhớ lại.

Bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến giai đoạn dịch bùng dữ dội đa phần cao tuổi, bệnh nền, trở nặng, số lượng quá đông. Bệnh nhân bức bối, chán chường, đôi lúc cũng trở nên nhõng nhẽo khó chiều, thậm chí động chân động tay với nhân viên y tế. Nhưng nhà thơ Nhật Quỳnh nói bà chưa hề nghe thấy tiếng thở dài hay than phiền của những bóng áo trắng làm nhiệm vụ. Bà nhớ mãi hình ảnh nữ điều dưỡng quê gốc Quảng Bình vừa lật đật ôm đồ đạc của một bà cụ trong phòng chạy theo cáng cấp cứu, vừa khóc nức nở. Lúc đó ai cũng tưởng cô là con gái hay họ hàng của bà. Nhưng không, họ mới gặp ở bệnh viện này vài bữa. Chỉ mấy cái siết tay, vài câu thăm hỏi, cô coi bà như mẹ để khi biết phải lìa xa, nỗi đau không thể lèn chặt vào trong, bật thành tiếng khóc nghẹn ngào.

Để sống trọn vẹn hơn

Vào điều trị vài hôm, Đại úy Mai trở nặng. Đến giờ, anh vẫn nhớ khoảnh khắc vợ mình hốt hoảng chạy đi tìm bác sĩ cứu chồng. Bác sĩ tận tình chăm sóc, giúp anh thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Những ngày điều trị bệnh, ngay cả khi còn lại một mình do vợ con được về nhà trước, anh vẫn thấy nhẹ lòng vì giờ đây bên cạnh những cuộc gọi đều đặn từ gia đình, bạn bè còn có những người bạn mới kề bên. Họ là những bác sĩ điều trị Covid, cực khổ mấy cũng chẳng bỏ bệnh nhân.

Rồi khó khăn qua, Đại úy Mai được trở về nhà, cùng vợ con bắt đầu cuộc sống “bình thường mới”. Nghe tin có đồng nghiệp hy sinh khi đang chống dịch, anh lặng người. Những ngày điều trị Covid-19, Đại úy Mai hiểu hơn về hạnh phúc và cả nỗi đau để khi may mắn trở về, anh muốn sống trọn vẹn từng phút giây, như đoạn kết trong bài thơ “Đôi mắt” của mình. Đại úy Mai nói, ba bài thơ sáng tác tại bệnh viện lúc ấy là cách anh chọn để chia sẻ câu chuyện khó quên của gia đình mình. Nhà anh có cả thảy năm người tham gia tuyến đầu chống dịch. Những câu chuyện mọi người kể, những hình ảnh mọi người gửi qua mạng khiến anh xúc động, muốn lan tỏa đến mọi người như một cách truyền thêm niềm tin trong hành trình đối đầu gian nan với Covid.

Tình thương yêu cũng là điều nhà thơ Nhật Quỳnh nhận về nhiều nhất trong những ngày “ở trọ” tại bệnh viện dã chiến số 14. Hôm chia tay bệnh viện để về nhà, như nhiều bệnh nhân khác, bà cũng rơi nước mắt. Bà biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã đưa mình từ cõi chết trở về, biết ơn những người bạn cùng phòng vừa gặp đã gắn bó cùng nhau. Ở chốn sinh-tử mong manh này, chẳng ai giữ lại gì cho mình ngoài những yêu thương. Nếu không thương, không nương vào nhau, mấy ai ở đây đủ sức lực để đi hết hành trình gian khó khi việc tập thở, ăn từng muỗng cháo đã chẳng mấy dễ dàng.

Có người bệnh may mắn khỏe mạnh trở về, có người lặng lẽ ra đi trong nỗi buồn mùa dịch. Và đội ngũ y tế, những người tham gia tuyến đầu chống dịch cũng không ngoại lệ. Họ bước vào cuộc chiến với tâm thế “thắng mới trở về”. Nhưng trên chặng đường đó, không may, nhiều người đã ngã xuống. Khi đang tham gia chống dịch tại địa phương, hay tin những người đồng nghiệp tuyến đầu, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (TP Hồ Chí Minh) vừa rời cõi tạm, bác sĩ Đỗ Phước Thanh (khoa cấp cứu, Bệnh viện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) thấy lòng nhói đau. “Anh ơi! ống nghe còn đây, áo blouse còn đây và cả hũ tro còn đây. Sao anh chưa kịp nói một lời với mẹ, với vợ, với con đã theo loài mây trắng…”. Những câu hỏi biết chẳng ai trả lời trong bài “Tưởng niệm”, bác sĩ Thanh vẫn viết ra vì quá xót xa, đau buồn.

Là người trong ngành, có giai đoạn tham gia điều trị hồi sức cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Thanh thấu hiểu những mất mát, chia ly khi ai đó không qua khỏi. Anh nói, cứu không được bệnh nhân thì lý do có là gì đi nữa, bác sĩ cũng rất đau lòng, đôi khi còn ám ảnh. Sự ra đi của những đồng nghiệp trong mùa tàn khốc này còn ám ảnh hơn gấp bội. Nhưng, họ-những người trong tuyến đầu-chưa bao giờ cho phép mình gục ngã. Anh kết bài thơ của mình với những câu đau đáu: “Mai này Tổ quốc ghi tên anh. Mai này Sài Gòn nhớ về anh. Người liệt sĩ trong thời bình có xác có thân mà không được về đất mẹ. Người anh hùng áo trắng. Xin thắp nén nhang lòng bái vọng tâm y”.

Dịch bệnh rồi sẽ dứt, rồi cuộc sống sẽ hồi sinh. Chỉ là những dòng chữ dành riêng cho Sài Gòn, cho những ngày không quên, vẫn cứ như một tiếng chuông vọng. Thành phố này vẫn ngập tràn những đôi mắt yêu thương dành cho nhau.

Theo Mỹ Dung (NDĐT)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202112/nhung-doi-mat-mang-hinh-hai-pho-5759527/