Những đối tác giúp EU độc lập hơn với năng lượng Nga

Brussels đã tìm thấy sự thay thế một phần cho nguồn cung năng lượng của Nga.

EU ký thỏa thuận với Azerbaijan để tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt vào năm 2027. Ảnh: AFP

EU ký thỏa thuận với Azerbaijan để tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt vào năm 2027. Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục tới các nước có tiềm năng xuất khẩu khí đốt để tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Để đạt được mục tiêu này, hôm 18/9, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã có chuyến thăm đến Baku.

Azerbaijan không có khả năng thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga nhưng các nhà lãnh đạo EU coi quốc gia này là một trong những nhà cung cấp thay thế, cùng với Algeria, Ai Cập và Qatar, và do đó sẵn sàng phát triển mối quan hệ thân thiết nhất với họ.

Điều này được khẳng định qua chuyến thăm của người đứng đầu Ủy ban châu Âu. Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và bà der Leyen, một bản ghi nhớ đã được ký kết, theo đó trong 5 năm Baku sẽ nỗ lực tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu lên 20 tỷ mét khối/năm. Năm 2021, nước này đã xuất khẩu 8 tỷ mét khối khí đến các nước châu Âu. Năm nay, con số này có thể tăng 50%.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho biết: “Hôm nay, với Biên bản ghi nhớ mới, chúng tôi đang mở ra một chương mới trong hợp tác năng lượng với Azerbaijan, một đối tác quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga”.

Như vậy, Brussels đã "ghi được điểm" khá quan trọng trong nỗ lực thay thế các nguồn cung năng lượng của Nga. Tất nhiên, tầm quan trọng của nó không thể được phóng đại quá mức. Để so sánh: theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, EU đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga vào năm 2021, chiếm 45% khối lượng hàng nhập khẩu của châu Âu và 40% tổng lượng tiêu thụ ở EU, gấp gần 20 lần so với lượng khí đốt mà Azerbaijan sẽ cung cấp.

Tổng thống Aliyev cho biết thực tế là Azerbaijan sẽ hướng tới châu Âu trước chuyến thăm của bà Leyen. Các cuộc đàm phán về việc tăng nguồn cung cấp khí đốt từ nước này đã bắt đầu ngay cả trước khi cuộc xung đột quân sự giữa Moskva và Kiev nổ ra.

Với Biên bản ghi nhớ trên, nhà lãnh đạo Azerbaijan dường như không e ngại các vấn đề trong quan hệ với Nga. Nhưng xét cho cùng, cho đến nay Brussels không có quá nhiều thành công trong lĩnh vực thay thế các nguồn năng lượng của Nga.

Thất bại đáng kể nhất của EU tất nhiên là thất bại trong các cuộc đàm phán hồi tháng 6 với Qatar, một trong những nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới. Nước này đồng ý chỉ tăng giao hàng tới châu Âu với điều kiện phải ký hợp đồng dài hạn. EU đã từ chối yêu cầu đó. Nhưng Qatar đã có một thị trường bán hàng chính: Các nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Qatar là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai trên thế giới sau Australia. Australia cũng sẵn sàng giúp đỡ châu Âu đang gặp khó khăn, nhưng khoảng cách quá xa cản trở lợi nhuận của nguồn cung cấp.

Vì vậy, Bản ghi nhớ giữa EU và Azerbaijan có thể được coi là một thắng lợi tuyên truyền quan trọng đối với phương Tây, cho thấy xu hướng loại Nga khỏi thị trường khí đốt thế giới là điều hiển nhiên. Và tất nhiên, điều này cũng được coi là thành công của Azerbaijan khi tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế sang phương Tây. Ngay cả Serbia, quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga, cũng cho biết sẽ mua khí đốt của Azerbaijan từ năm 2023, theo tuyên bố của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Zorana Mihajlovic.

Sau Azerbaijan, điểm tiếp theo cho các nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của EU là châu Phi. Algeria có trữ lượng khí đốt tự nhiên nhất định và không lớn như châu Âu mong muốn, trong khi quốc gia này không có khả năng kỹ thuật để tăng mạnh nguồn cung.

Tuy nhiên, điều này không ngăn được các chính trị gia châu Âu. Vì vậy, ngày 18/9, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã có chuyến thăm đến Algeria.

“Brussels đang cố gắng vá những lỗ hổng được tạo ra do cuộc xung đột với Nga. Có thể nhớ lại rằng EU có một thỏa thuận về nguồn cung cấp khí đốt từ Ai Cập thông qua Israel. Tuy nhiên, điều này cũng như thỏa thuận với Azerbaijan là chưa đủ. Đồng thời, các chi phí chính trị cũng phải được tính đến", Alexander Tevdoy-Burmuli, Phó Giáo sư tại Khoa Các quá trình hội nhập của Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), cho biết.

Theo chuyên gia Tevda-Burmuli, một quốc gia khác thân thiện với Nga là Kazakhstan cũng có thể giúp đỡ châu Âu về khí đốt và có lẽ EU sẽ sớm chuyển hướng sang nước này.

Và trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại bất đồng, mặc dù không thù địch, nhưng khá khó khăn, tình hình đối với EU rất phức tạp và đầy rẫy các vấn đề. Có thể vấn đề khí đốt sẽ được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, diễn ra vào ngày 19/7 tại Tehran.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Nezavisimaya Gazeta)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-doi-tac-giup-eu-doc-lap-hon-voi-nang-luong-nga-20220719152644546.htm