Những đôi tay tài hoa

Với đôi tay tài hoa, khéo léo cộng với sự học hỏi không ngừng, những nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp Hải Dương đã tạo ra nhiều sản phẩm, góp phần gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Với anh Nguyễn Năng Thôn, người thợ làm gốm phải có đam mê, sự kiên nhẫn và không ngừng sáng tạo

Với anh Nguyễn Năng Thôn, người thợ làm gốm phải có đam mê, sự kiên nhẫn và không ngừng sáng tạo

Say nghề

Công ty CP Gốm Chu Đậu ở xã Thái Tân (Nam Sách) có 2 người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2022. Đó là anh Nguyễn Huy Kiên (sinh năm 1978), Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất và anh Nguyễn Năng Thôn (sinh năm 1976), Tổ trưởng Tổ nghệ nhân.

Nói đến gốm Chu Đậu là nghĩ đến men tro trấu - một dòng men thiên nhiên chỉ có ở Việt Nam. Đây là dòng men được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên và gắn bó với cuộc sống của người Việt đó là tro, trấu, đất sét. Với tính cần cù, ham học hỏi, anh Kiên đã nghiên cứu, tìm tòi để giữ gìn dòng men tro trấu truyền thống của Chu Đậu. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu, phát triển thêm một số loại men mới như: rạn, nâu mật, sứ trắng, ngọc... Với vai trò quản lý, anh Kiên đã trực tiếp chỉ đạo bộ phận kỹ thuật nghiên cứu bài phối nguyên liệu để sản xuất phục vụ cho xưởng sứ gia dụng, đưa dây chuyền đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho công ty và tạo ra dòng sản phẩm sứ trắng cao cấp để cạnh tranh trên thị trường. Anh Kiên cho rằng, để gắn bó với nghề đòi hỏi người thợ, nghệ nhân phải có niềm đam mê. Cùng với đôi tay khéo léo trong những nét vẽ, phối trộn, pha chế màu men là khối óc sáng tạo, luôn trăn trở để cho ra những ý tưởng, tạo ra những sản phẩm mới.

Anh Nguyễn Huy Kiên (bên phải) đã tìm tòi, nghiên cứu để giữ gìn dòng men truyền thống của gốm Chu Đậu

Anh Nguyễn Năng Thôn cũng đã có 14 năm gắn bó với Công ty CP Gốm Chu Đậu. Công việc của anh Thôn là tạo hình, khắc nổi sản phẩm gốm. Đây là công việc bao gồm nhiều khâu, nhiều bước, yêu cầu từng chi tiết nhỏ nhất, phải cân chỉnh từng chút về màu sắc, nhiệt độ nung, chính vì thế đây được xem là một trong những phương pháp chế tác khó. Anh Thôn cho biết: "Họa tiết đắp nổi đều làm bằng tay, không có sự hỗ trợ của máy móc hay khuôn đúc. Bởi vậy người thợ phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, chỉn chu cho từng nét vẽ, từng chi tiết hoa văn. Với mỗi hoa văn, tạo hình đắp nổi lại phải phù hợp từng loại, từng dáng sản phẩm khác nhau. Chúng phải bảo đảm sự hài hòa, phù hợp, cân xứng". Với tinh thần ham học hỏi và năng khiếu vốn có, anh Thôn đã nghiên cứu, tìm tòi và thực hiện việc tạo hình, khắc nổi nhiều sản phẩm của Công ty CP Gốm Chu Đậu và đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, triển lãm, được khách hàng ưa chuộng như: bình rồng lục giác, bình Phú Quý, bình Phượng Hoàng...

Gìn giữ nghề truyền thống

Xuất thân từ làng mộc Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang), ông Nguyễn Văn Tiễu (sinh năm 1966) đã gắn bó với nghề đục, chạm khắc hơn 30 năm. Trước đây, ông Tiễu thường chạm khắc những đồ gia dụng như bàn ghế, tủ... Hơn chục năm nay, ông Tiễu làm việc cho Công ty TNHH Tu bổ di tích Thanh Bình (TP Hải Dương). Công việc của ông là tham gia tu bổ, chạm khắc các chi tiết, hoa văn ở đình, đền, chùa. Cái khó của công việc này là phục dựng bảo đảm tính nguyên bản của di tích. Ở mỗi di tích thường có rất nhiều hạng mục điêu khắc, hoa văn có giá trị thẩm mỹ, kỹ thuật cao được ông cha xưa tạo dựng bằng chất liệu tự nhiên như gỗ, đá. Người thợ không chỉ cần có đôi tay khéo léo, am hiểu về kiến trúc của từng thời kỳ mà còn phải có tâm, yêu nghề bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm mất đi giá trị vốn có của di tích. Với những kinh nghiệm của mình, ông Tiễu đã tạo tác nên những hoa văn tinh xảo, tham gia tu sửa, xây nhiều di tích trên địa bàn tỉnh như đền Quát (Gia Lộc), đình Đào Lâm (Thanh Miện)...

Ông Nguyễn Văn Tiễu (bên trái) mong muốn truyền nghề cho thế hệ kế cận

Ông Nguyễn Văn Tiễu (bên trái) mong muốn truyền nghề cho thế hệ kế cận

Ông Bùi Bá Tú, Giám đốc Công ty TNHH Tu bổ di tích Thanh Bình cho biết: "Ông Tiễu là một người thợ dày dặn kinh nghiệm, thường xuyên học hỏi để nâng cao tay nghề, đồng thời sẵn sàng trao đổi với đồng nghiệp, chỉ dạy, truyền nghề cho thế hệ con cháu". Ông Tiễu đã được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2022.

Khi được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp, ông Tiễu, anh Kiên hay anh Thôn đều cảm thấy vinh dự và tự hào. Với danh hiệu này, họ đặt mục tiêu tiếp tục học hỏi, trau dồi không ngừng để nâng cao trình độ tay nghề, đồng thời lan tỏa tình yêu nghề và truyền dạy cho những thế hệ kế cận.

Toàn tỉnh hiện có 66 làng nghề, trong đó có 34 làng nghề truyền thống. Các làng nghề không chỉ tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc ở mỗi địa phương. Đây cũng là nơi sinh ra những người thợ tài hoa với đôi bàn tay khéo léo, làm ra những sản phẩm đặc sắc của Hải Dương.

Đến nay, toàn tỉnh có 61 người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp. Việc phong tặng danh hiệu này nhằm tôn vinh những người thợ giỏi đã sáng tạo, chế tạo hoặc phục chế những sản phẩm tinh xảo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu... Việc tôn vinh không chỉ ghi nhận công sức, sự đóng góp của những nghệ nhân mà tiếp thêm cho họ động lực để gìn giữ nghề truyền thống.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/nhung-doi-tay-tai-hoa-228711