Những đổi thay ở Đầu Gò

Chiếc đò máy chòng chành ngược dòng sông Bung đưa chúng tôi trở lại thôn Đầu Gò (Đại Sơn, Đại Lộc, Quảng Nam) – vùng đất được xem là 'địa đầu' của H. Đại Lộc- vào một ngày đầu tháng 6-2023. Không còn cảnh 'nhiều không' như trước đây, Đầu Gò giờ đã thay da, đổi thịt, điện sáng trưng, có trường học, đường sá đã được bê-tông hóa...

Làng Đầu Gò thấp thoáng sau những hàng cây.

Làng Đầu Gò thấp thoáng sau những hàng cây.

Nằm ở ngã ba sông Bung và sông Cái đổ về hợp lại thành dòng Vu Gia, làng Đầu Gò tựa lưng vào núi, nhìn ra ngã ba sông, nguyên là căn cứ cách mạng với địa danh "Đồi Sim" nổi danh thời đánh Mỹ, có đội du kích đã từng bắn rơi máy bay Mỹ, chặn đứng hàng chục trận càn khốc liệt của Mỹ ngụy càn quét đánh phá con đường huyền thoại Trường Sơn năm xưa. Ngôi làng nhỏ bé, heo hút này có 5 gia đình có công với cách mạng, 2 liệt sĩ, một bà mẹ đang đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Nổi danh là vậy, song mấy chục năm qua vì “đò giang cách trở”, cuộc sống người dân ngập chìm trong khó khăn. Giờ thì đã khác...

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đã qua, chị Nguyễn Thị Thủy - Trưởng thôn Đầu Gò, không khỏi bùi ngùi: “Bao đời nay, muốn vào được tới làng phải đi bằng đò. Ngày xưa, phương tiện sang sông là những chiếc đò ngang chèo bằng sức người nên phải khản cả giọng để gọi và mất cả tiếng đồng hồ để… đợi đò. Bây giờ có đò máy, người dân ở đây quen gọi là phà và điện thoại di động nên tiện lợi và cũng nhanh hơn".

Được biết, từ khi Đại Sơn bắt tay vào việc xây dựng nông thôn mới, Đầu Gò đã thay đổi nhanh chóng. Năm 2016, hệ thống điện cao thế được thi công, vượt sông Vu Gia đưa ánh sáng về với làng. Có điện, 57 hộ dân với gần 250 nhân khẩu đều có phương tiện nghe nhìn. Cùng với điện là hệ thống giao thông nông thôn được bê-tông hóa. Con đường bê-tông có chiều rộng hơn 3m nối dài từ khu dân cư đến tận nương rẫy nên nhà nhà đều sắm xe máy để tiện cho việc đi lại, vận chuyển nông sản… Cùng với đó là hệ thống nước sạch, trường mẫu giáo được Nhà nước đầu tư xây dựng đã làm thay đổi cuộc sống người dân theo hướng văn minh hơn.

Qua tìm hiểu, được biết, năm 2013, tất cả hộ dân thôn Đầu Gò đều thuộc diện nghèo và cận nghèo thì nay gần như tất cả đã thoát được nghèo theo hướng bền vững. Những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Đầu Gò, như: thơm, chuối… đã theo chân các thương lái đi tiêu thụ tại các địa phương của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Những đứa trẻ được đến lớp, ê a cùng con chữ, không còn cảnh tha thẩn nghịch nước dưới bến sông bên mấy con thuyền cắm sào buồn bã... cả trai làng trong độ tuổi lao động, kẻ đi làm công nhân tại khu công nghiệp, người gắn bó với nương rẫy… Nhờ có thu nhập ổn định nên tất cả các gia đình đều có những ngôi nhà mái ngói khang trang cùng cuộc sống ổn định về kinh tế.

Đường bê-tông, trường mẫu giáo… những công trình được Nhà nước đầu tư, xây dựng góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân ở Đầu Gò.

Đường bê-tông, trường mẫu giáo… những công trình được Nhà nước đầu tư, xây dựng góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân ở Đầu Gò.

Ông Nguyễn Văn Trung-Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, do địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, đồi núi, giao thông đi lại gặp nhiều cách trở nên Đầu Gò là thôn khó khăn nhất tại địa phương. Để vượt qua những khó khăn, chính quyền xã đã phối hợp cùng các Hội, Đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động từng thôn, từng hộ gia đình thực hiện tốt các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", Hội Phụ nữ chung sức xây dựng NTM", mô hình "5 không 3 sạch", "Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM"... Nhờ biết phát huy sức mạnh của từng hộ dân cũng như sự chung tay của toàn xã hội, nên đời sống người dân tại Đầu Gò không ngừng được cải thiện theo hướng tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, Thiếu tá Huỳnh Anh Viên-Trưởng Công an xã Đại Sơn, cho biết, dù cuộc sống đã đổi thay nhiều so với 10 năm trước đây, song Đầu Gò là thôn duy nhất ở Đại Sơn không có các loại tệ nạn xã hội, không xảy ra tình trạng trộm cắp…

Khó khăn đang dần rời xa thôn Đầu Gò, nhưng để đời sống ngày một cải thiện hơn nữa đòi hỏi người dân nơi đây phải nỗ lực trong việc sản xuất, học tập… Hy vọng, một ngày không xa Đầu Gò sẽ khoác lên mình chiếc áo với nhiều sắc màu, mang một sức sống mới…

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-doi-thay-o-dau-go-post279099.html