Những đối tượng nào không nên bơi lội?

Bơi lội được xem là một trong những môn thể thao có tác dụng toàn diện với sự phát triển thể chất. Tuy nhiên, có những đối tượng tuyệt đối không nên bơi lội để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Nội dung:

1. Những người mắc bệnh về đường hô hấp
2. Người mắc các bệnh về da, viêm da dị ứng
3. Những người đang có vết thương hở
4. Người mắc một số bệnh tim mạch
5. Bệnh nhân viêm tai giữa
6. Bệnh nhân viêm kết mạc cấp tính
7. Phụ nữ đang bị viêm âm đạo hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt
8. Những người bị động kinh
9. Những người bị cao huyết áp
10. Người vừa uống bia rượu

Tuy rằng bơi lội mang lại cho chúng ta một sức khỏe dồi dào và một tinh thần sảng khoái. nhưng không phải ai cũng phù hợp với môn thể thao này. Dưới đây là 10 đối tượng không nên bơi lội để tránh những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

1. Những người mắc bệnh về đường hô hấp

Những người mắc các bệnh về đường hô hấp bao gồm các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi… không nên bơi lội. Điều này là do khi bơi, cơ thể sẽ khó thở hơn do áp lực của nước. Bên cạnh đo, nước lạnh sẽ dễ dàng khiến phổi tổn thương. Từ đó gây ra những cơn ho kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Đối với những người đang mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang, khi bơi lội rất dễ khiến nước xâm nhập vào mũi khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nguy hiểm hơn.

2. Người mắc các bệnh về da, viêm da dị ứng

Những người bị nấm da, nấm tóc, ghẻ lở, hắc lào, mụn nhọt đang sưng tấy, viêm da á sừng... tuyệt đối không nên xuống bể bơi. Điều này là để phòng chống ô nhiễm lây lan cho người khác và làm mất vệ sinh nguồn nước trong bể.

Các trường hợp bị mắc các bệnh về da khác như viêm da dị ứng thì không nên bơi lội vì nước trong bể bơi thường được khử trùng bằng hóa chất. Từ đó rất dễ gặp các vấn đề khiến tình trạng bệnh nặng hơn nếu tiếp xúc trực tiếp với nước bể bơi.

Người bị viêm da dị ứng không nên bơi lội do nước trong bể thường có chứa hóa chất (Ảnh: Internet)

Người bị viêm da dị ứng không nên bơi lội do nước trong bể thường có chứa hóa chất (Ảnh: Internet)

3. Những người đang có vết thương hở

Đối với những người đang có vết thương hở rất dễ bị nhiễm trùng nếu tiếp xúc với nước bể bơi. Tình trạng nhiễm khuẩn do nước rất cao và có nguy cơ bị mưng mủ lâu lành. Chính vì vậy đối tượng này tuyệt đối không được bơi lội.

4. Người mắc một số bệnh tim mạch

Không phải bất kỳ ai mắc bệnh tim cũng đều không được bơi. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh, thông liên thất, thông liên nhĩ thì tuyệt đối không nên bơi lội. Điều này là do khi bơi, họ phải gắng sức làm cho tim đập nhanh hơn, mạnh hơn dẫn đến mệt mỏi, cơ thể thiếu oxy, khó thở rất nguy hiểm.

Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch không nên bơi lội (Ảnh: Internet)

Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch không nên bơi lội (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, những người bị thiểu năng tuần hoàn tim, hẹp động mạch vành, hẹp van 2 lá, những người đã đặt stent nong động mạch vành, rối loạn nhịp đập của tim đều không nên bơi để tránh những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

5. Bệnh nhân viêm tai giữa

Viêm tai giữa là tình trạng có mủ trong tai. Nếu bơi lội sẽ khiến nước vào tai làm cho mủ hôi tanh chảy ra ngoài, vừa làm ô nhiễm bể bơi vừa làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn. CHo dù tình trạng bệnh hay nhẹ cũng đều không nên bơi lội vì có thể dẫn đến viêm màng não gây nguy hiểm đến tính mạng.

6. Bệnh nhân viêm kết mạc cấp tính

Viêm kết mạc cấp tính hay còn gọi là đau mắt đỏ do virus gây ra. Đây là một bệnh lan truyền nhanh, lây qua đường hô hấp và có thể mắc ở mọi lứa tuổi. Do đó khi bệnh nhân mắc bệnh này không nên bơi để tránh lây bệnh và tránh nhiễm khuẩn cho mắt.

Ngoài viêm kết mạc, khi đi bơi còn dễ bị dị ứng mắt, khô mắt, đỏ mắt... do các hóa chất để làm sạch nước và chất sát trùng. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc các bệnh về mắt cũng nên cẩn thận và hạn chế bơi lội.

7. Phụ nữ đang bị viêm âm đạo hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt

Phụ nữ bị viêm âm đạo không nên bơi lội để tránh nhiễm khuẩn. Mặc dù nước trong bể thường xuyên được khử trùng sạch sẽ bằng các loại hóa chất. Nhưng vẫn có thể tồn tại nhiều vi khuẩn gây hại do những người bơi khác tiết ra. Quá trình bơi lội tại bể sẽ khiến những vi khuẩn đó xâm nhập vào vùng kín, sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.

Đối với phụ nữ đang trong chu kì kinh nguyệt, dù băng vệ sinh dạng nút (tampon) có thể giúp bạn tự do bơi lội dưới nước nhưng vẫn không thể ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn tới âm đạo. Vì vậy cũng không nên bơi lội vào những ngày này.

8. Những người bị động kinh

Động kinh là một bệnh mạn tính với những biểu hiện đặc trưng là các cơn co cứng, co giật, mất ý thức tạm thời. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, lên cơn đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Mặc dù người bệnh nhẹ hay nặng cũng tuyệt đối không được bơi lội vì dễ bị đuối nước, tử vong nhanh chóng.

Bệnh nhân động kinh tuyệt đối không được bơi lội (Ảnh: Internet)

Bệnh nhân động kinh tuyệt đối không được bơi lội (Ảnh: Internet)

9. Những người bị cao huyết áp

Người bị cao huyết áp rất khó để kiểm soát mức huyết áp của mình. Nếu đi bơi bị nhiễm lạnh, mạch co đột ngột dẫn đến huyết áp tăng cao bất thường gây tai biến mạch máu não. Tình trạng này để lại nhiều di chứng đáng lo ngại, có thể hôn mê không tỉnh, nghiêm trọng hơn là tử vong.

10. Người vừa uống bia rượu

Sau khi uống bia, rượu tuyệt đối không nên bơi. Điều này là do bơi lội lúc này rất dễ khiến cơ thể bị cảm lạnh và trúng gió. Bơi lội sẽ khiến tốc độ tản nhiệt của cơ thể đột ngột tăng cao, dẫn đến đau đầu, chóng mặt, hạ đường huyết dẫn đến choáng váng, chân bị chuột rút,....Trường hợp nặng có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Hướng dẫn phòng bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi vào mùa hè

Anh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-doi-tuong-nao-khong-nen-boi-loi-4120202478304463.htm