Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình
Hòa thượng Ts Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Lời mở đầu
Kỷ niệm 35 năm thành lập Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989 - 2024), tưởng nhớ đến Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu - Người sáng lập, bậc tiền bối có công rất lớn với đạo pháp và dân tộc trong suốt cuộc đời của Ngài.
Ngài đã đóng góp cho Đạo trên nhiều phương diện, trong đó đặc biệt là trong công tác ngoại giao Phật giáo. Những đóng góp của Ngài đã in đậm dấu ấn trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam và quốc tế, tạo nên di sản quý báu, đặt nền tảng và tạo tiền đề cho thế hệ sau tiếp bước trong công tác ngoại giao Phật giáo.
Hiểu rõ tầm quan trọng của sự kết nối, hòa nhập, hợp tác giữa các cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã nỗ lực thực hiện sứ mệnh truyền tải tri thức Phật giáo, kết nối để Phật giáo Việt Nam hiểu rõ hơn bối cảnh chung của Phật giáo thế giới. Ngược lại, Ngài là sứ giả giúp thế giới nhìn nhận rõ ràng hơn về những đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam trong việc đối mặt và giải quyết những thách thức nội tại của dân tộc trong thể kỷ XX.
Đúng như lời Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp từng khẳng định: "Về mặt giáo dục, về mặt ngoại giao, hai mặt đó đối với Phật giáo Việt Nam, liên hệ với Phật giáo thế giới, Thích Minh Châu có thể được gọi là vị số một!" Những lời này chính là minh chứng hùng hồn cho tầm ảnh hưởng sâu rộng và sứ mệnh cao cả mà Ngài đã hoàn thành một cách xuất sắc.
Hòa thượng Thích Minh Châu là một ngôi sao sáng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực gần như gắn bó suốt cuộc đời của Ngài, đó là sự nghiệp giáo dục Phật giáo, đào tạo Tăng tài, và sự nghiệp hợp tác quốc tế vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới của Phật giáo Việt Nam.
Trước khi nêu bật vai trò của Hòa thượng trong lĩnh vực ngoại giao và giao lưu Phật giáo, xin được cung kính biết ơn sự đóng góp của Hòa thượng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng như trong việc truyền tải các giá trị văn hóa, ngôn ngữ và tri thức Phật giáo. Chính những điều này, về sâu xa đã đặt nền tảng vững chắc cho lĩnh vực ngoại giao và kết nối sự hợp tác giữa Phật giáo các nước trong ngôi nhà chung của nhân loại.
I. SỰ NGHIỆP HỌC TẬP VÀ GIÁO DỤC
Những dấu mốc rực rỡ trong sự nghiệp học vấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã không chỉ khẳng định trí tuệ uyên bác của Ngài, mà còn mở ra những chân trời mới trong lĩnh vực giáo dục và Phật học, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của cộng đồng Phật giáo quốc tế.
Năm 1955, Ngài được Trường Đại học Tích Lan trân trọng trao tặng bằng Pháp sư, một danh hiệu cao quý thể hiện sự kính trọng đối với tầm vóc kiến thức của Ngài trong giới Phật học. Đỉnh cao của sự nghiệp học vấn của Ngài là tháng 9 năm 1961, Ngài là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Phật học và Văn học Pali tại Ấn Độ. Lễ trao văn bằng danh dự diễn ra long trọng với sự hiện diện của Tổng thống Ấn Độ, người không chỉ trao bằng mà còn dành nhiều lời khen ngợi đối với tài năng đến từ mảnh đất chữ S.
Ngay sau đó, vào năm 1962 - 1963, Đại học Bihar của Ấn Độ đã mời Ngài ở lại giảng dạy, minh chứng cho tầm ảnh hưởng rộng lớn của Ngài trong cộng đồng học thuật quốc tế.
Sự uyên bác, thấu hiểu sâu sắc về Phật pháp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu có ý nghĩa lớn lao để cộng đồng quốc tế hiểu hơn về Phật giáo Việt Nam.
Sau khi trở về nước, Ngài đã khởi xướng và hoàn thành việc dịch thuật 5 bộ kinh tạng Pãli sang tiếng Việt, bao gồm Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng Bộ kinh, Tăng Chi Bộ kinh và Tiểu Bộ kinh. Những bản dịch này không những trở thành nền tảng giảng dạy cốt lõi cho hệ thống Phật học tại Việt Nam, mà còn là một công trình kinh điển có giá trị to lớn đối với các học giả và phật tử trên thế giới. Di sản này đã góp phần lan tỏa giáo lý Phật giáo không riêng gì trong lãnh thổ Việt Nam, mà vượt ra khỏi biên giới, chạm đến trái tim của nhiều người dân, nhiều vùng lãnh thổ khác.
Vì những đóng góp xuất sắc của Hòa thượng, tháng 5 - 1996, Hội đồng Đại học Mahachulalongkorn tại Thái Lan (Đại học Hoàng gia Thái) đã trân trọng tặng bằng tiến sĩ danh dự cho Hòa thượng về công trình phiên dịch kinh điển và sự nghiệp giáo dục của Ngài.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG LĨNH VỰC NGOẠI GIAO PHẬT GIÁO
2.1. Truyền tải thông điệp tới cộng đồng quốc tế thông qua văn học
Trong sự nghiệp văn chương đầy cống hiến, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã đem tiếng nói của mình đại diện cho tiếng nói, tư tưởng tu sĩ Việt, thể hiện qua văn học, góp phần nâng hình ảnh Phật giáo Việt Nam trong mắt cộng đồng học giả và Phật tử toàn cầu. Những tác phẩm tiếng Anh của Ngài như "Huyền Trang - Nhà chiêm bái và học giả", "So sánh tập Pali Milinda-Panha với tập Na-Tiên Tỳ kheo chữ Hán" và "Pháp Hiển - Nhà chiêm bái khiêm tốn" đều mang giá trị học thuật to lớn, vừa mở rộng tri thức Phật học, vừa khẳng định vai trò của Việt Nam trong nền giáo lý Phật giáo thế giới.
Bằng các công trình văn học này, Hòa thượng Thích Minh Châu vừa ẩn ý truyền tải thông điệp của Phật giáo Việt Nam, vừa đóng góp quan trọng vào lĩnh vực so sánh tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa giữa Ấn Độ và Trung Quốc – Đây được coi là hai nền văn minh có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Phật giáo trong khu vực. Ngài giúp các học giả quốc tế hiểu rõ hơn về sự khác biệt và tương đồng giữa hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, từ đó khuyến khích một cái nhìn khách quan, toàn diện, thái độ tôn trọng lẫn nhau.
Tác phẩm của Ngài góp phần làm sáng tỏ sự phát triển tư tưởng Phật giáo qua các vùng địa lý khác nhau, đề cao tinh thần đoàn kết và từ bi trí tuệ - những giá trị cốt lõi của Phật giáo.
Những tác phẩm và hoạt động đối ngoại của Hòa thượng Thích Minh Châu đã trở thành cầu nối văn hóa giữa các quốc gia, xét riêng tại các nước châu Á, cũng như giữa phương Đông và phương Tây. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đang trở thành chìa khóa quan trọng để xây dựng hòa bình và ổn định quốc tế. Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, với vai trò là nhà văn, nhà nghiên cứu và nhà ngoại giao văn hóa, đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng cây cầu kết nối đó, mang lại sự thấu hiểu, nói lên thái độ bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc, các quốc gia trên toàn thế giới.
2.2. Tích cực và chủ động tham gia các hội nghị hòa bình quốc tế
Trong suốt sự nghiệp của mình, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu nổi bật với vai trò một nhà giáo dục, một học giả uyên thâm, và cũng còn ghi dấu ấn đậm nét là một nhà ngoại giao tầm cỡ, đại diện cho Phật giáo Việt Nam trên phạm vi quốc tế. Từ năm 1965 đến 1975, Ngài đã tham gia xuất ngoại bốn lần, và trong giai đoạn 1982 đến 1996, con số đó đã tăng lên đến 20 lần, tất cả đều trong các hội nghị quan trọng về đối ngoại Phật giáo, hòa bình và giáo dục. Những lần xuất ngoại này không chỉ là dịp để Ngài mở rộng giao lưu mà còn để truyền tải thông điệp của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, trong vai trò là Phó Chủ tịch Hội Phật giáo châu Á vì Hòa bình, Hòa thượng Thích Minh Châu đã kiên định nêu lên tư tưởng phản đối mọi hình thức chiến tranh, bạo lực, đồng thời khẳng định tinh thần từ bi và nhân ái của Phật giáo. Những phát biểu và đóng góp của Ngài tại các diễn đàn quốc tế chính là sự thúc đẩy thông điệp hòa bình, thể hiện rõ lập trường Việt Nam trong việc xây dựng một thế giới không xung đột, giải trừ quân bị dù cho là rất nhỏ.
Với tầm nhìn và sứ mệnh đó, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu mang tiếng nói của người Việt, của những tu sĩ Việt đến với bạn bè năm châu, vượt qua những rào cản ngôn ngữ và văn hóa để lan tỏa thông điệp về hòa bình, từ bi và trí tuệ. Khả năng ngoại ngữ thành thạo và kiến thức sâu rộng về cả Phật học lẫn thế học đã giúp ngài truyền tải một cách thuyết phục, rõ ràng, chứa đựng đầy sự cảm thông về các vấn nạn, gửi gắm những thông điệp cốt lõi của Phật giáo. Ngài đã góp phần tạo dựng mối liên kết vững chắc giữa Phật giáo Việt Nam và cộng đồng Phật giáo quốc tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam một vị thế đặc biệt trong các cuộc đối thoại về hòa bình và giáo dục trên thế giới.
Những hoạt động này của Hòa thượng Thích Minh Châu không chỉ dừng lại ở phạm vi tôn giáo mà còn là biểu tượng cho sự đóng góp của Việt Nam vào công cuộc gìn giữ hòa bình toàn cầu. Ngài đã khẳng định rằng tinh thần yêu thương không phân biệt của Phật giáo có thể trở thành nền tảng vững chắc để xây dựng một thế giới hòa bình thịnh vượng.
2.3. Tăng cường giao lưu và quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia Phật giáo
Trong suốt sự nghiệp ngoại giao Phật giáo, Trường lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã kiên trì xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia Phật giáo trên thế giới như Ấn Độ, Tích Lan, Myanmar, Thái Lan, và Nhật Bản. Những chuyến viếng thăm của Ngài không chỉ là cơ hội để thảo luận sâu sắc về giáo lý đạo đức mà còn tạo ra không gian để trao đổi kinh nghiệm, mở cửa cho sự hiểu biết giữa các nền Phật giáo hay văn hóa bản địa khác nhau. Mỗi chuyến đi của Ngài không chỉ mang lại sự gắn kết về tư tưởng mà còn thắt chặt tình bằng hữu giữa các quốc gia, giúp Phật giáo Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong cộng đồng Phật giáo quốc tế.
- Trước năm 1981: Hòa thượng đã từng viếng thăm và thuyết giảng tại Đại học Kamazawa, Taisho - Nhật Bản (tháng 8-1965), tham dự Hội thảo Giáo dục tại Đại học Yale - Hoa Kỳ (năm 1967). Tháng 6-1968, Hòa thượng tham dự Đại hội Giáo dục Liên Viện trưởng Thế giới tại Hàn Quốc. Cuối năm 1968, Hòa thượng đại diện cho các trường đại học miền Nam Việt Nam tham dự Đại hội Giáo dục Quốc tế tại Mễ-tây-cơ….
- Sau năm 1981: Khi đất nước hòa bình, thống nhất, các hệ phái Phật giáo Việt Nam cũng thống nhất trong ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Kể từ khi được thành lập cho đến những năm 1995, trải qua khoảng thời gian ¼ thế kỷ, Hòa thượng đã tham gia gần 100 sự kiện hợp tác quốc tế, dẫn đầu hàng chục phái đoàn đại diện cho Phật giáo
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng mối quan hệ với các quốc gia Phật giáo, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu còn có những đóng góp to lớn trong việc hỗ trợ cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài. Những chuyến viếng thăm và giúp đỡ các chùa Việt Nam tại các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Canada, ... đã củng cố đời sống tinh thần, thêm vào đó còn là sự động viên mạnh mẽ những tu sĩ Phật giáo Việt Nam đang sống xa quê hương. Qua những cuộc gặp gỡ này, Ngài đã giúp duy trì mạch nguồn Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng người Việt xa xứ, đảm bảo rằng các giá trị giáo lý Phật giáo Việt vẫn tiếp tục được truyền bá và gìn giữ trong lòng các Phật tử Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Mặt địa lý thì có thể xa xôi, nhưng tinh thần người Việt thì không có khoảng cách.
Những chuyến thăm quốc tế của Hòa thượng Thích Minh Châu không chỉ là dịp để Phật giáo Việt Nam được biết đến nhiều hơn mà còn tạo cơ hội cho sự tiếp thu kiến thức và chia sẻ những giá trị cốt lõi của Phật giáo Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Qua đó, Ngài đã giúp Phật giáo Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh đa sắc màu của nền Phật giáo toàn cầu.
2.4. Đại học Nalanda (Ấn Độ) dựng tượng Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu
Ngày 05/09/2024, Gs.Ts Rajesh Ranjan, Hiệu trưởng trường Đại học Nalanda, Ấn Độ đã gửi thư tới Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam trao đổi về ý tưởng dựng tượng đài Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu tại Đại học Nalanda.
Đại học Nalanda là trung tâm giáo dục Phật giáo hàng đầu thế giới, sự kiện dựng tượng này chính là một minh chứng rõ nét cho sự nghiệp quốc tế hào hùng của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, tôn vinh những cống hiến vĩ đại của ngài cho cộng đồng Phật học quốc tế.
2.5. Di sản trường tồn của một nhà ngoại giao Phật giáo quốc tế
Khi nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, dù là ở khía cạnh của một nhà giáo dục Phật học uyên thâm hay một nhà ngoại giao Phật giáo quốc tế, chúng ta chỉ có thể mượn tạm từ “vĩ đại” để diễn tả con người của ngài. Sự cống hiến của Ngài cho Phật giáo không chỉ giới hạn trong khuôn khổ quốc gia mà đã vươn tầm thế giới, để lại một di sản tinh thần sâu sắc cho cả hiện tại và tương lai.
Thông qua những hoạt động ngoại giao không ngừng nghỉ, cùng những nỗ lực của Ngài trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ với các quốc gia Phật giáo khác, tham gia tích cực tại các hội nghị quốc tế vì hòa bình, đã góp phần nâng tầm vị thế của Phật giáo Việt Nam trên bản đồ thế giới. Ngài đã giúp quốc tế hiểu rõ hơn về những giá trị và tầm quan trọng của Phật giáo Việt Nam.
*Trích dẫn một số hoạt động công tác đối ngoại của Trưởng lão HT. Thích Minh Châu
- Tháng 6-1965, Hòa thượng viếng thăm và thuyết giảng tại Đại học Kamazawa, Taisho - Nhật Bản.
- Năm 1967, Hòa thượng tham dự Hội thảo Giáo dục tại Đại học Yale - Hoa Kỳ.
- Tháng 6-1968, Hòa thượng tham dự Đại hội Giáo dục Liên Viện trưởng Thế giới tại Hàn Quốc. Cuối năm 1968, Hòa thượng đại diện cho các trường đại học miền Nam Việt Nam tham dự Đại hội Giáo dục Quốc tế tại Mễ-tây-cơ.
- Hòa thượng từng tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế, đặc biệt trong Đại hội Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP) lần thứ V - 1982 tại Ulan Bator (Mông Cổ), Hòa thượng đã được bầu giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành (1982-1985) của Hội và Phó Chủ tịch hội này.
- Tháng 6-1983, Hòa thượng tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới chống vũ khí hạt nhân tổ chức tại Praha, Tiệp Khắc.
- Tháng 5-1984, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Phật tử châu Á vì Hòa bình tại New Dehli (Ấn Độ), trong Hội nghị này Ngài được tiếp kiến Tổng thống Ấn Độ Zuil Singh.
- Tháng 10-1984, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn GHPGVN tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới với chủ đề “Đạo Phật và các nền văn hóa dân tộc” tại New Dehli, Ấn Độ.
- Tháng 2-1985, Hòa thượng tham dự Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Các mối nguy hiểm đối với sự sống thiêng liêng của chúng ta” tại Moscow (Nga).
- Tháng 11-1985, Hòa thượng tham dự Hội nghị ABCP lần thứ VI tại Hà Nội.
- Tháng 5-1986, Hòa thượng tham dự Hội nghị Quốc tế bàn tròn tại Moscow (Nga).
- Tháng 2-1987, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn PGVN tham dự Quốc dân Đại hội hòa bình Quốc tế tại Liên Xô.
- Tháng 2-1986, Ngài làm phó trưởng đoàn tham dự Đại hội VII ABCP tại Vientiane (Lào), Hòa thượng được mời giữ lại chức Phó Chủ tịch ABCP và Ủy viên Hội đồng Chấp hành ABCP Quốc tế, Hòa thượng cũng được mời làm Chủ tịch Trung tâm Quốc gia ABCP Việt Nam.
- Tháng 1-1989, Hòa thượng dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình tổ chức tại Đại học Monash (Úc).
- Tháng 8-1989, Hòa thượng làm trưởng phái đoàn PGVN dự Hội thảo Đạo Phật và sự lãnh đạo về hòa bình tại Ulan Bator (Mông Cổ).
- Tháng 10-1989, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang thăm hữu nghị Phật giáo Nhật Bản tại thủ đô Tokyo.
- Tháng 9-1990, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ VIII của Tổ chức ABCP tại Mông Cổ.
- Tháng 10-1990, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình tại Bali, miền Nam nước Ý.
- Tháng 10-1991, Hòa thượng dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Các Tôn giáo một đại dương hòa bình tại Matla, Ý.
- Tháng 11-1991, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Đạo Phật với sự lãnh đạo cho hòa bình tại Seoul, Hàn Quốc.
- Tháng 11-1992, Hòa thượng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Quốc tế ABCP tại thủ đô Colombo, Sri Lanka.
- Tháng 3-1993, Hòa thượng chủ trì Hội thảo “Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại” tại TP.HCM.
- Tháng 4-1993, với tư cách Chủ tịch Trung tâm ABCP Việt Nam, Hòa thượng Chủ tọa Hội nghị Quốc tế giải trừ quân bị tại thủ đô Hà Nội.
- Tháng 10-1993, Người tham dự Hội nghị Tăng-già Quốc tế tại Đài Loan.
- Tháng 3-1994, Hòa thượng cùng Hòa thượng Thích Thiện Siêu dẫn đầu phái đoàn chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ.
- Tháng 9-1994, Hòa thượng tham dự Hội nghị Tăng-già Quốc tế tại Vancouver, Canada.
- Năm 1995, Hòa thượng chủ trì Hội thảo “Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại” tại TP.HCM.
- Tháng 8-1995, Ngài làm trưởng đoàn phái đoàn sang thăm hữu nghị và chủ trì cuộc Hội thảo Phật giáo tại Paris (Pháp).
- Tháng 5-1996, Hội đồng Đại học Mahachulalongkorn tại Thái Lan (Đại học Hoàng gia Thái) đã trân trọng tặng bằng cấp tiến sĩ danh dự cho Hòa thượng về công trình phiên dịch kinh điển và sự nghiệp giáo dục của Ngài.
Kết luận
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989 – 2024) và 106 năm ngày sinh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, ôn lại những dấu ấn và cống hiến to lớn của Ngài. Đây cũng là cơ hội quý báu để tri ân một bậc chân tu lỗi lạc, người đã dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp hoằng dương phật pháp và phụng sự chúng sinh.
Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy sự tôn trọng giữa các tôn giáo và tạo dựng một thế giới đầy yêu thương. Mong rằng những giá trị cao quý ấy sẽ mãi mãi được bảo tồn, được ươm mầm lớn mạnh, làm rạng ngời đạo pháp cùng với đời sống nhân loại.
Hòa thượng đã để lại những thành tựu lớn lao trên nhiều mặt. Hòa thượng đã đào tạo nhiều thế hệ tăng ni tài đức, cư sĩ, phật tử hữu danh, có ích cho đạo và đời, đã và đang phục vụ trong các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam.
Trưởng lão Hòa thượng chính là hình ảnh giải thoát vô ngại. Trong suốt cuộc đời, Ngài luôn luôn giữ thái độ hiền hòa, thấm nhuần giáo nghĩa “bát phong xuy bất động”. Hòa thượng luôn giữ cuộc sống thanh đạm, giản dị vượt thắng mọi sự đối đãi khen, chê… trở thành một trong những vị danh tăng có uy tín và ảnh hưởng nhất của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.
Với cá nhân con (Thích Gia Quang), Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu là bậc ân sư đã dạy dỗ con trưởng thành trên con đường Đạo, nhất là trong thời gian những năm 1981 - 1985, khi còn học trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I, con có nhân duyên được làm thị giả Hòa thượng. Khi con công tác tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh được làm thư ký cho Hòa thượng tại công văn số 148/TG – CP ngày 20/07/1988 của Ban Tôn giáo chính phủ và Quyết định số 15/ QĐ - HĐTS TW ngày 04/10/1988 của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và kể cả những khi Hòa thượng ra Bắc làm công tác phật sự hay trước khi đi công tác nước ngoài, con luôn được thân thừa Hòa thượng và được tiếp nhận những sự chỉ bảo ân cần của Ngài. Con lấy đó làm tư lương, hành trạng trên con đường tập tu tập học của bản thân.
Con vẫn nhớ mãi hình ảnh từ bi thân thương của Ngài và lời dạy của Đức Phật mà Hòa thượng đã từng viết, từng tâm niệm như lẽ sống của đời tu: “Như Lai không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Như Lai”. Cuộc đời nào mà không có sóng gió, kết thúc nào ra khỏi được luật vô thường? Ngài đã ra đi, dẫu thế gian huyễn hoặc “có - không”, nhưng hiện hữu là hình ảnh giải thoát vô ngại, là lẽ sống trong đời tu học mà Ngài đã để lại cho tăng, ni, phật tử Việt Nam thật to lớn và vĩ đại trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngoại giao Phật giáo.
Hòa thượng Ts Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tham luận Hội thảo "Trưởng lão HT.Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn", ngày 19/10/2024 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Tp.HCM
***
Tài liệu tham khảo:
1. Tiểu sử Trưởng lão HT.Thích Minh Châu (1918-2012) – Báo Giác Ngộ Online. https://giacngo.vn/tieu-su-truong-lao-htthich-minh-chau-1918-2012-post19020.html
2. Cố trưởng lão HT. Thích Minh Châu và sự nghiệp Phật giáo Quốc tế | An Viên TV
https://www.youtube.com/watch?v=CIZDto4VMAA
3. Đại học Nalanda (Ấn Độ) dựng tượng Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dai-hoc-nalanda-an-do-dung-tuong-truong-lao-hoa-thuong-thich-minh-chau.html
4. https://theravada.vn/book-author/hoa-thuong-thich-minh-chau/
5. https://thuvienhoasen.org/author/post/9/1/thich-minh-chau
6. https://nhasachtinhlien.com/san-pham/giao-ly/tuyen-tap-nhung-bai-giang-cua-hoa-thuong-thich-minh-chau.html
7. https://www.tusachxua.com/san-pham/kinh-truong-bo-3-tap-hoa-thuong-thich-minh-chau/?gad_source=1&gclid=CjwKCAjw0aS3BhA3EiwAKaD2ZQFi0ysP0D0m9gf11aGFOJPC_Ohoy0MoSBY_6NFiN1LEK8W_DVy-oRoCsGkQAvD_BwE