Những đóng góp về lý luận của đồng chí Trường Chinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) (kỳ 2)

Về nhiệm vụ của cuộc kháng chiến, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: Một là, đoàn kết toàn dân, thực hiện quân và dân nhất trí, động viên nhân lực, vật lực, tài lực của cả nước; đoàn kết với dân tộc Lào, Campuchia anh em, với nhân dân Pháp, với các nước châu Á, với các dân tộc bị áp bức và các dân tộc yêu chuộng hòa bình, dân chủ trên thế giới... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung

(Tiếp theo)

Về nhiệm vụ của cuộc kháng chiến, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: Một là, đoàn kết toàn dân, thực hiện quân và dân nhất trí, động viên nhân lực, vật lực, tài lực của cả nước; đoàn kết với dân tộc Lào, Campuchia anh em, với nhân dân Pháp, với các nước châu Á, với các dân tộc bị áp bức và các dân tộc yêu chuộng hòa bình, dân chủ trên thế giới; cô lập kẻ thù, tranh thủ thêm bầu bạn; củng cố chế độ dân chủ cộng hòa, lập ra ủy ban kháng chiến các cấp. Hai là, toàn dân tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, xây dựng kinh tế theo hướng vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; ra sức phá kinh tế địch, không cho chúng lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Ba là, đánh đổ văn hóa nô dịch, ngu dân, xâm lược của thực dân Pháp, xây dựng nền văn hóa mới; xóa nạn mù chữ; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; động viên các nhà văn hóa tham gia kháng chiến.

Về hình thái của cuộc chiến tranh, đồng chí Trường Chinh xác định: Cuộc chiến tranh của nhân dân ta sẽ trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn phòng ngự; giai đoạn cầm cự; giai đoạn tổng phản công. Lực lượng nòng cốt tham gia kháng chiến là lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm nhiều hình thức. Đồng chí cũng nêu lên một trong những đặc điểm của cuộc kháng chiến là: trong quá trình kháng chiến có thể có những cuộc đàm phán mới xen vào.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh là nền tảng xây dựng lý luận về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận về chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam trình bày tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7-1948), đồng chí Trường Chinh đã xác định rõ đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa kháng chiến.

Đồng chí đã phân tích đầy đủ, toàn diện về vị trí của văn hóa và mặt trận văn hóa, mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị. Đồng chí nêu rõ lập trường văn hóa cách mạng ở nước ta hiện nay là: "Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. về tư tưởng, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc". Phương pháp của nó là khoa học. Lập trường của nó là duy vật. Muốn phục vụ loài người, phục vụ dân tộc, góp phần vào lịch sử tiến hóa, những chiến sĩ văn hóa phải đứng trên lập trường cách mạng, lập trường của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chống phản động, chống mọi hình thức văn hóa đồi trụy, thoái bộ, ngu dân. Tính chất của văn hóa mới là: "Văn hóa có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng. Ba tính chất ấy đồng thời tồn tại và quan hệ khăng khít với nhau không thể tách rời được".

Đồng chí Trường Chinh cũng nêu rõ: Cuộc đấu tranh cách mạng của giới văn hóa Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh cách mạng chung của cả dân tộc và xác định mặt trận văn hóa thống nhất trong Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Những người làm công tác văn hóa không thể đứng ngoài Mặt trận dân tộc thống nhất. Đồng chí cho rằng, không thể nói "văn hóa hoàn toàn trung lập", "tự do tuyệt đối", "đứng trên chính trị", khi xã hội còn có áp bức, bóc lột, bất công, thì "những văn nghệ sĩ tự do nhất chính là những văn nghệ sĩ đứng hẳn về quyền lợi của quần chúng nhân dân lao động, đem nghệ thuật của mình phục vụ cho một lý tưởng cách mạng, để đánh đổ chế độ người bóc lột người, để mau dựng nên một xã hội đảm bảo tự do thật sự cho văn học và nghệ thuật". Đồng chí cũng nhấn mạnh đến một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc là mối quan hệ giữa văn hóa và tuyên truyền. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, bao hàm mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, giữa khái niệm tự do và tất yếu trong sáng tác, giữa nội dung và hình thức, giữa phổ cập và nâng cao... Về quan hệ giữa nghệ thuật và tuyên truyền, đồng chí cho rằng, "Nghệ thuật và tuyên truyền không hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau. Tuyên truyền cũng là một thứ nghệ thuật. Nghệ thuật tuyên truyền là một phần trong nghệ thuật nói chung. Và bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng có ít nhiều tính chất tuyên truyền. Tuyên truyền cao tới một mức nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực tới một mức nào đó thì nghệ thuật có tính chất rõ rệt là tuyên truyền". Tuyên truyền chính nghĩa rất có thể đạt được trình độ nghệ thuật chân chính. Đồng chí xác định rõ thái độ đúng đắn của những người làm công tác văn hóa là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến, không thỏa hiệp với tư tưởng và văn hóa phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan; yêu khoa học, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho hành động, lý luận và thực tiễn kết hợp; một lòng một dạ phục vụ nhân dân; gần gũi quần chúng công nông binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi nhân dân, giáo dục, dìu dắt nhân dân.

Kết luận báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh nhận định: "Văn hóa Việt Nam lúc này phải là hình ảnh sinh động của dân tộc ta đang kháng chiến và kiến quốc, phá hoại và xây dựng, là muôn vàn tia lửa đốt cháy quân địch và chiếu rọi ánh sáng ra nước ngoài. Những người mácxít chúng tôi xin nguyện làm đội quân xung kích của mặt trận văn hóa Việt Nam chống thực dân Pháp và làm kíp thợ tình nguyện đốt lò văn hóa Việt Nam dân chủ mới".

(Còn nữa)

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5093/202112/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-nhung-dong-gop-ve-ly-luan-cua-dong-chi-truong-chinh-trong-cuoc-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-1946-1954-ky-2-2548409/