Những dòng họ lâu đời ở TP Hải Dương
Ở TP Hải Dương có những dòng họ lâu đời, họ lựa chọn mảnh đất này làm nơi an cư lập nghiệp, xây dựng Thành Đông từ thuở sơ khai. Qua nhiều đời gắn bó, họ đóng góp sức mình xây dựng Thành Đông anh hùng.
Nơi an cư lạc nghiệp
Tại phường Quang Trung - một phường nội thị mang vóc dáng khá hiện đại có 1 căn nhà cổ là nhà thờ của họ Đinh. Được xây dựng từ năm 1870, đây là một trong số ít nhà thờ họ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Một trong những người con kiệt xuất của dòng họ Đinh tại Hải Dương phải kể tới tướng công Đinh Văn Tả. Theo gia phả dòng họ ghi chép lại, nhà Đinh mất, tướng công Đinh Điền và những người họ Đinh gốc ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã đi khắp nơi lập ấp, xây nhà. Trong đó có người về đất Hàn Giang, Hải Dương sinh sống, lập nghiệp. Tướng công Đinh Văn Tả là đời thứ năm sinh sống tại Hải Dương.
Về lập nghiệp ở đây, những người họ Đinh có nhiều công trạng với vùng đất này nên được các đời vua và dân chúng suy tôn là Thành hoàng làng Hàn Giang. Từ ông nội của tướng công Đinh Văn Tả, rồi đến tướng công và 3 người con trai cũng lần lượt được phong là Thành hoàng làng hiện được thờ cúng tại đình Hàn Giang.
Theo các tài liệu nghiên cứu, dòng họ Đinh tại Hải Dương có 9 người được phong Đại vương, 18 người được phong Quân công, nhiều người được suy tôn là Thành hoàng làng Hàn Giang… Từ những con số này có thể thấy sự đóng góp rất lớn của dòng họ Đinh với mảnh đất này.
Trải qua 16 đời sinh sống trên mảnh đất được vua ban tại làng Hàn Giang, con cháu dòng họ Đinh vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, góp phần xây dựng quê hương. Theo thống kê của dòng họ, đến nay dòng họ Đinh ở TP Hải Dương có khoảng 4.000 người, đông nhất ở phường Cẩm Thượng với 13 chi, ngành trực thuộc. Các xã, phường Bình Hàn, Thanh Bình, Việt Hòa, An Thượng, Quang Trung, Nam Đồng, Tân Hưng mỗi nơi có 1 chi.
Còn ở phường Nhị Châu, dòng họ Trần Thế là dòng họ lớn. Theo gia phả của dòng họ này, dòng họ có 35 đời sinh sống ở đất Nhị Châu với khoảng 500 đầu đinh. Theo tích xưa, cụ tổ của dòng họ là cụ Trần Minh Kính, người xóm Gòi thuộc Kiến An (Hải Phòng) đi tìm nơi khai khẩn. Khi đi qua vùng Nhị Châu thấy đất bãi bồi phù sa nên cùng người giúp việc đã quyết định ở lại lập nghiệp. Từ khi ở lại, ông Trần Minh Kính khai khẩn vùng đất này, sinh con đẻ cái, đời nọ nối tiếp đời kia xây dựng lên dòng họ Trần Thế như ngày nay. Dòng họ cũng có nhiều người làm lý trưởng, hương lão của vùng, đóng góp công sức xây dựng vùng đất Nhị Châu. Tại bia số 3 còn lưu giữ tại đình Nhị Châu được dịch từ chữ Hán Nôm cho thấy, các cụ lý trưởng Trần Thế Lễ, các hương lão Trần Thế Bách, Trần Bá Tụ có nhiều đóng góp công đức tu tạo đình nên được suy tôn làm Hậu Thần, hằng năm được tế lễ tại đình.
Gắn kết
Dù cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi, bận rộn hơn nhưng mỗi người vẫn luôn có ý thức gắn kết dòng tộc. Những dòng họ càng lớn, sự gắn bó càng mạnh mẽ, sâu sắc hơn.
Như họ Đinh ở Hải Dương, dù mỗi chi, ngành có ngày giỗ họ khác nhau, nhưng họ luôn đoàn kết. Năm 2012, họ Đinh ở TP Hải Dương đã kết nối với họ Đinh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thành lập Ban Liên lạc họ Đinh tỉnh Hải Dương. “Không chỉ cùng nhau xây dựng quỹ mừng thọ để chúc thọ người cao tuổi trong họ, quỹ khuyến học để động viên con cháu, họ Đinh còn xây dựng nguồn quỹ để kịp thời giúp đỡ các thành viên trong họ gặp khó khăn trong cuộc sống”, ông Đinh Bá Tỉnh, Phó Trưởng Ban Liên lạc họ Đinh Hải Dương nói.
Trong họ còn thành lập hội sản xuất, kinh doanh họ Đinh nhằm kết nối những người con trong dòng họ cùng sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ, hợp tác. “Hằng năm họ Đinh có 3 ngày lễ lớn là ngày hội làng Hàn Giang (8/3 âm lịch), ngày giỗ cụ Đinh Văn Tả (4/5 âm lịch) và ngày sinh của cụ Đinh Văn Tả (2/11 âm lịch). Trong những ngày này, tùy điều kiện mọi người sẽ về dự lễ, tưởng nhớ công đức tổ tiên, giáo dục con cháu truyền thống của gia đình, dòng họ”, ông Đinh Gia Vĩnh, Trưởng họ Đinh, hậu duệ đời thứ 16 của cụ Đinh Văn Tả cho biết.
Dòng họ Trần Thế cũng có nhiều hậu duệ đi làm ăn, khởi nghiệp ở nhiều nơi lại lập ra các chi, nhánh của dòng họ như Nam Sách, Chí Linh hay các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk… Nhưng dù ở đâu, vào ngày chạp họ 12/12 âm lịch hằng năm đều làm lễ giỗ họ. Với những người ở TP Hải Dương, giỗ họ là dịp để con cháu về tụ họp. “Mỗi người có cuộc sống riêng, người dư giả, người còn khó khăn nhưng luôn hướng về ngày chạp họ. Trong ngày giỗ, ngoài thực hiện nghi lễ thờ cúng, Hội đồng dòng tộc cũng giáo dục truyền thống của dòng họ cho thế hệ sau, để lưu truyền, xây dựng dòng họ đoàn kết”, ông Trần Thế Đủ, thành viên Hội đồng dòng họ Trần Thế chia sẻ.
Ngoài ra, ở TP Hải Dương còn nhiều dòng họ lớn, cùng với thăng trầm của lịch sử, các dòng họ này có nhiều đóng góp xây dựng quê hương.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-dong-ho-lau-doi-o-tp-hai-duong-369064.html