Những động lực lớn của mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Đông

Tuần trước, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Jasem Al-Budaiwi đã thảo luận với Ủy viên của EU phụ trách Địa Trung Hải, Dubravka Suica, về một hội nghị an ninh năng lượng vùng Vịnh-châu Âu

Liên minh châu Âu và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đang nỗ lực gia tăng hợp tác. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Liên minh châu Âu và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đang nỗ lực gia tăng hợp tác. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết đánh giá về triển vọng hợp tác an ninh năng lượng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Theo bài viết, mối quan hệ giữa Trung Đông và châu Âu đã được định hình bởi nhiều thế kỷ tương tác về văn hóa, chính trị và kinh tế. Ngày nay, an ninh năng lượng và địa chính trị đã trở thành động lực lớn hơn của mối quan hệ song phương quan trọng này.

Chỉ mới tuần trước, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Jasem Al-Budaiwi đã thảo luận với Ủy viên của EU phụ trách Địa Trung Hải, Dubravka Suica, về một hội nghị an ninh năng lượng vùng Vịnh-châu Âu. Nội dung này được đưa ra trong một cuộc họp bên lề Hội nghị lần thứ 9 về Syria ở Brussels (Bỉ), tập trung vào việc giúp đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi chính trị hậu Assad.

Trên mặt trận địa chính trị cũng vậy, các quốc gia châu Âu chủ chốt, bao gồm Pháp, Đức, Italy và Anh, đang tham gia vào kế hoạch tái thiết Gaza của khối Arab. Châu Âu lo ngại về mức độ bất ổn chính trị vốn đã gia tăng ở Trung Đông trong thời gian gần đây, với cuộc xung đột tại Gaza lan rộng sang các khu vực khác, bao gồm cả Liban. Mặc dù quan hệ kinh tế với châu Âu phần lớn không bị ảnh hưởng cho đến nay, nhưng nó có thể sẽ tạo ra sự không chắc chắn trong tương lai.

Tại các hội nghị thượng đỉnh EU-Arab gần đây, được tổ chức với sự hợp tác của Liên đoàn Arab và Nghị viện châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) và GCC đã có nhiều cuộc thảo luận để xác định và thúc đẩy các lợi ích và giá trị chung, cụ thể là chỉ ra những lĩnh vực ưu tiên chính để hợp tác, có tính đến các thách thức của khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự kinh tế GCC có lẽ là chương trình nghị sự nổi bật nhất trong đối thoại châu Âu-Trung Đông hiện nay. GCC và EU không chỉ xem xét tổ chức một hội nghị vùng Vịnh-châu Âu về an ninh năng lượng, mà còn có động lực mới để đạt được thỏa thuận thương mại GCC-EU trong nhiệm kỳ thứ hai của bà Ursula von der Leyen với tư cách là Chủ tịch EC từ năm 2025 đến cuối năm 2029.

Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch của EU nhằm thu hút các cường quốc thị trường mới nổi, sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong những tuần gần đây, bà von der Leyen đã đồng ý một thỏa thuận thương mại với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) bao gồm bốn quốc gia Nam Mỹ là Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay; khởi động các cuộc đàm phán thương mại ở Ấn Độ; và đến thăm Nam Phi, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2025.

GCC, với trụ sở chính đặt tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, là một mục tiêu kinh tế hàng đầu khác. GCC - bao gồm 6 quốc gia thành viên là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Oman, Qatar và Kuwait - là một khối kinh tế với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2022. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nếu GCC tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ổn định, tổng quy mô GDP của khối này sẽ tăng lên 6.000 tỷ USD vào năm 2050.

Một trong những phần thưởng lớn mà thỏa thuận thương mại với GCC mang lại cho EU là tiếp cận nguồn đầu tư lớn hơn từ các quỹ đầu tư có chủ quyền ở vùng Vịnh. Các nhà đầu tư liên ngành ở vùng Vịnh thường có quan điểm kinh tế dài hạn hơn. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của GCC, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 170 tỷ euro (185 tỷ USD) vào năm 2023. Phần lớn giá trị thương mại giữa hai bên liên quan đến tài nguyên thiên nhiên.

Trong năm 2023, nhập khẩu nhiên liệu khoáng chiếm hơn 75% giá trị nhập khẩu của EU từ các nước GCC. Hơn nữa, kể từ năm 2020, nhập khẩu nhiên liệu của EU từ GCC đã tăng hơn ba lần, phần lớn là do sự thay đổi mạnh mẽ về nguồn cung của EU trước tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Theo Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), một tổ chức tư vấn toàn châu Âu, trong số hơn 180 thỏa thuận năng lượng mới được EU phê chuẩn kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, GCC là khối ký kết số lượng thỏa thuận lớn nhất với EU. Cụ thể, 24 thỏa thuận được ký với UAE, 11 thỏa thuận với Qatar, 4 thỏa thuận với Saudi Arabia, hai thỏa thuận với Oman và một thỏa thuận được ký với Bahrain.

Hiện nay, quan hệ EU-GCC dựa trên một thỏa thuận hợp tác được ký vào năm 1989 để thiết lập đối thoại thường xuyên về các chủ đề bao gồm quan hệ kinh tế, biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, EU vẫn muốn có một thỏa thuận thương mại với GCC. Năm 2022, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio đã được bổ nhiệm làm Đại diện đặc biệt đầu tiên của EU về vùng Vịnh để cố gắng phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ, toàn diện và chiến lược với các quốc gia GCC.

Vào năm 2023, EU đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại EU-GCC. Đến nay, GCC ký kết khá ít thỏa thuận thuộc loại này. Hai năm trước, GCC đã ký một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Hàn Quốc sau hơn 15 năm đàm phán. GCC cũng đã tham gia các cuộc đàm phán thương mại với Vương quốc Anh vào năm 2022. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã đến thăm Saudi Arabia và UAE vào tháng 12/2024. Tổng giá trị thương mại giữa Anh và GCC hiện vào khoảng 59 tỷ bảng Anh (tương đương 76,27 tỷ USD), đưa GCC trở thành thị trường xuất khẩu ngoài EU lớn thứ tư của Anh sau Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ.

Các cơ chế hợp tác rộng lớn hơn có thể sẽ củng cố động lực hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa GCC và châu Âu. Các cơ chế này bao gồm những bước tiềm năng hướng tới việc thực hiện Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC) để thúc đẩy kết nối và hội nhập với châu Á thông qua một tuyến đường được đề xuất từ Ấn Độ qua UAE, Saudi Arabia và vào Hy Lạp. Dự án IMEC, bao gồm các mạng lưới đường bộ, đường sắt và đường biển rộng lớn, đã được tạo động lực mới vào tháng 9/2023 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở New Delhi (Ấn Độ). Chính phủ các nước Ấn Độ, Mỹ, UAE, Saudi Arabia, Pháp, Đức, Italy và EU (gồm 27 thành viên) đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) để cố gắng phát triển dự án IMEC.

Nhìn chung, an ninh năng lượng và địa chính trị có thể sẽ vẫn là trọng tâm của các cuộc đối thoại hiện nay giữa châu Âu và GCC. Những lĩnh vực này sẽ được thúc đẩy đáng kể nếu các thỏa thuận thương mại giữa GCC với Anh và EU được ký kết vào nửa cuối thập niên này.

Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Cairo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-dong-luc-lon-cua-moi-quan-he-giua-chau-au-va-trung-dong/367920.html