Những động lực vững chắc đưa kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8%

Để nền kinh tế 'cất cánh' trong năm 2025, Việt Nam cần có những động lực đồng bộ từ cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển nhân lực và bảo vệ môi trường. Các chính sách hiệu quả, nỗ lực của Chính phủ cùng sự tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững. Nỗ lực này không chỉ giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 mà còn tiến gần hơn đến việc trở thành nền kinh tế năng động và hiện đại trong khu vực.

Tiền đề vững chắc đưa kinh tế “cất cánh” trong năm 2025

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường với nhiều yếu tố rủi ro và bất định. Xung đột quân sự vẫn leo thang, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, nợ công và thâm hụt ngân sách gia tăng. Bên cạnh đó, sự suy yếu của một số nền kinh tế lớn và tình trạng đứt gãy cục bộ trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, năm 2024 nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trước những biến động nhanh, bất thường trong khu vực và trên thế giới, cũng như trước những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân ở nước ta. Kết quả tích cực này được coi là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, khi nền kinh tế được kỳ vọng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

 Những tiền đề vững chắc sẽ đưa kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong năm 2025. Ảnh minh họa: VGP

Những tiền đề vững chắc sẽ đưa kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong năm 2025. Ảnh minh họa: VGP

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%. Nổi bật là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra. Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm trước.

Về xã hội, thu nhập của người lao động cũng tăng đến 8,6% và năng suất lao động tăng lên 5,88%. Đây chính là những con số chứng minh với thế giới về sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của nước ta trong năm 2024.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - bà Nguyễn Thị Hương - kết quả tăng trưởng tích cực của cả năm 2024 chính là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. Trong năm 2025, Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi để tăng trưởng kinh tế.

“Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được ráo riết hoàn thiện và đồng bộ. Cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định FTA. Đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao đang được định hướng và tập trung thúc đẩy mạnh mẽ. Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ trong cả bộ máy nhà nước cũng như các đơn vị kinh tế sẽ tạo động lực mới cho phát triển”, bà Nguyễn Thị Hương mạnh.

Động lực đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên mới

Nước ta bước vào năm 2025 trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021-2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Trong bối cảnh đó, mặc dù tình hình thế giới dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, Chính phủ quyết tâm yêu cầu tăng trưởng 8% năm 2025, cao hơn mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị (6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%).

 Kinh tế Việt Nam quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Kinh tế Việt Nam quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng 8% là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 5 động lực chủ yếu để nước ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%.

"Thứ nhất, sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Thứ hai, những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển. Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.

Thứ tư, sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của nước ta. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Cuối cùng là sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), với những yếu tố thuận lợi hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP Chính phủ đề ra năm 2025 là hoàn toàn khả thi. TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong thời gian qua Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ điểm nghẽn thể chế, nhất là chất lượng thể chế và pháp luật là rào cản rất lớn cho phát triển nói chung, tăng trưởng kinh tế nói riêng. Từ đó đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công cuộc cải cách bộ máy nhà nước và thể chế để phát huy tốt nhất các nguồn lực phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

“Tôi kỳ vọng những rào cản, điểm nghẽn trong hệ thống thể chế, pháp luật sẽ được khắc phục trong thời gian tới để doanh nghiệp được gỡ vướng, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Theo tôi, với những yếu tố thuận lợi hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề ra là hoàn toàn khả thi. Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển mạnh mẽ. Trên bình diện quốc tế, nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau các tác động từ đại dịch và xung đột địa chính trị. Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam”, TS Nguyễn Quốc Việt khẳng định.

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhung-dong-luc-vung-chac-dua-kinh-te-viet-nam-tang-truong-8-813949