Những đột phá mới để chấm dứt bệnh lao
Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Để công tác phòng, chống lao hiệu quả, ngành y tế triển khai tốt các giải pháp, tăng tỷ lệ phát hiện lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng; áp dụng công nghệ mới, thuốc mới, phác đồ mới …, đặc biệt là vaccine phòng bệnh lao.
Hà Nội phấn đấu giảm ca mắc lao trong cộng đồng
Bác sĩ Vũ Quốc Tấn – Trưởng phòng khám Lao, phòng khám ngoại trú Trung tâm Y tế (TTYT) quận Ba Đình cho biết, năm 2023, phòng khám đã điều trị và quản lý trên 150 bệnh nhân lao các thể đạt kết quả khỏi 95%. Phòng khám tư vấn, xét nghiệm sàng lọc tối đa những đối tượng tiếp xúc trực tiếp nguồn lây, phát hiện trên 40 bệnh nhân lao tiềm ẩn được tư vấn và điều trị dự phòng lao.
Với Chiến lược 2X (Xquang - Xpert) của Chương trình chống lao TP Hà Nội, TTYT quận Ba Đình chủ động lập kế hoạch khám sàng lọc lao và bệnh lao tại địa bàn có dịch tễ lao cao, qua đó, phát hiện hơn 10 bệnh nhân trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân lao còn hạn chế. Sự biến động dân số tại TP lớn ảnh hưởng tới quá trình quản lý và điều trị dẫn đến kết quả điều trị thấp, nguy cơ kháng thuốc tăng lên.
Theo báo cáo, trung bình hàng năm Chương trình Chống lao của Hà Nội thu nhận hơn 4.000 bệnh nhân lao nhạy cảm.
Năm 2023, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã tăng cường sàng lọc, phát hiện, thu nhận bệnh nhân lao kháng thuốc, cố gắng đảm bảo chỉ tiêu được chương trình chống lao quốc gia giao. Qua đó, có 3.941 người bệnh lao được tư vấn xét nghiệm HIV, chiếm tỷ lệ 97,1%; 103 người bệnh lao/HIV, chiếm tỷ lệ 2,6%; 100 người được điều trị cả lao và ARV, chiếm tỷ lệ 97,3%.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Nguyễn Văn Đông - Chủ nhiệm Chương trình Chống lao TP cho biết, mục tiêu Chương trình Chống lao TP Hà Nội đặt ra trong năm 2024 là giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 45 người/100.000 dân.
Ngoài ra, giảm tỷ lệ tử vong do lao trên địa bàn TP xuống dưới 4 người/100.000 dân. Đồng thời, giảm tối đa nguy cơ phát sinh tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao, khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.
Thời gian qua, Chương trình Chống lao quốc gia đạt được kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, năm 2023 có 106.086 trường hợp mắc lao các thể được phát hiện (tăng so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt là 34,4% và 2,2%).
Ngoài ra, phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân (cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%). Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao được duy trì ở mức cao (trên 90%).
Đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng bệnh
Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao.
Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Ngoài ra, người bệnh lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao được phát hiện.
Dịch tễ lao tại Hà Nội đang xếp ở mức trung bình tại khu vực miền Bắc (51/100.000 dân) với 4.057 bệnh nhân lao các thể được phát hiện năm 2023.
Theo thống kê, số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Trong đó, khoảng 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng đa thuốc.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Bình Hòa – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, công tác chống lao tại Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là còn hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Công tác sàng lọc phát hiện chủ động lao trong nhóm người nguy cơ cao tại vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn…
Để tiến tới chấm dứt bệnh lao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam hy vọng vào những đột phá mới như: thuốc mới, phương pháp điều trị mới, công nghệ mới…, đặc biệt quan trọng là vaccine phòng bệnh lao.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa thông tin, WHO khuyến cáo đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Hiện nay, có 16 loại vaccine lao được nghiên cứu các thử nghiệm lâm sàng, trong đó vaccine M72 là nghiên cứu ít nhất 1 lần tiêm đã đạt qua được mức khuyến cáo của WHO với độ bảo vệ khoảng 50%. Việt Nam được lựa chọn là 1 trong 7 quốc gia để triển khai nghiên cứu vaccine này.
Các quốc gia được lựa chọn để triển khai nghiên cứu về vaccine là những quốc gia có khả năng về nghiên cứu, đồng thời cũng là những nước có gánh nặng bệnh lao cao.
Để thực hiện cam kết thanh toán bệnh lao trước Chính phủ và cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu ngành y tế - Chương trình Chống lao quốc gia củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó có hệ thống phòng, chống lao các tuyến.
Bộ Y tế nhất trí đề xuất của Chương trình Chống lao quốc gia và sớm xây dựng, ban hành các chính sách, thông tư, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai công tác phòng, chống lao. Trong đó, có hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế.
Ngoài ra, huy động sự hưởng ứng của cộng đồng với công tác phòng, chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-dot-pha-moi-de-cham-dut-benh-lao.html