Những 'đột phá' trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Theo kế hoạch, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 tới đây. Trong những nội dung sửa đổi, nội dung liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước và hộ kinh doanh cá thế nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể lần thứ 11 về thẩm tra dự án Luật này của Ủy ban Kinh tế, diễn ra ngày 30/8
Định vị lại doanh nghiệp Nhà nước
Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Kinh tế, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, dự thảo Luật Doang nghiệp (sửa đổi) gồm 11 chương và 219 điều, nhiều hơn 1 chương và 6 điều so với luật hiện hành.
Dự thảo Luật sửa đổi 60 điều, bãi bỏ 02 điều, 05 khoản, 02 điểm, bổ sung 01 chương về hộ kinh doanh. Các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu của dự thảo luật gồm đăng kí doanh nghiệp, quản trị công ty trách nhiệm hữu quan và công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp...
Đáng chú ý là nội dung sử đổi quy định về doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, khái niệm doanh nghiệp Nhà nước đã được sửa đổi và tách bạch rõ hai loại doanh nghiệp, gồm: doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng cho biết thêm, quy định về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ cũng được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, hoặc tổng giám đốc, gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng.
Đồng thời bổ sung thêm quy định về minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp, sửa đổi quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết do nhà nước nắm giữ (cồ phần "vàng") theo hướng không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi.
Quy định rõ về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh
Chỉ ra những khiếm khuyết trong quy định hiện hành về hộ kinh doanh, như: không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện; hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện... dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng cơ hội kinh doanh và không phát huy các nguồn lực, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đưa ra những quy định nhằm khắc phục những khiếm khuyết nói trên với mục tiêu là quy định rõ về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh.
Cụ thể, thay vì quy định giao hoàn toàn cho Chính phủ quy định về hộ kinh doanh như hiện nay, lần sửa đổi này dự thảo Luật đã bổ sung một chương về hộ kinh doanh theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Đồng thời quy định rõ địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự.
Đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo khẳng định, việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay, không phát sinh thủ tục hành chính. Đặc biệt, các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.
Đánh giá về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng: đây là lần sửa đổi mang tính cách mạng và có thể coi là Luật Doanh nghiệp thế hệ mới. Trong đó, ông Lộc đặc biệt nhấn mạnh nội dung mang tính đột phá là việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp với xu thế, bảo đảm minh bạch, tạo địa vị pháp lý vững chắc cho hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và bảo vệ cho các hộ kinh doanh cũng như đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chủ hộ cũng như trách nhiệm đối với người lao động