Những đột phá y khoa thế giới năm 2024

Những bước đột phá này khiến 2024 được coi là năm 'định hình lại tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu'.

Bác sĩ thực hiện ca ghép thận lợn biến đổi gen vào người sống đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Ảnh: Massachusetts General Hospital

Bác sĩ thực hiện ca ghép thận lợn biến đổi gen vào người sống đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Ảnh: Massachusetts General Hospital

Các nhà khoa học đạt nhiều thành tựu trong cấy ghép nội tạng động vật vào cơ thể người, xét nghiệm máu phát hiện bệnh Alzheimer, bán thuốc tránh thai không cần đơn… Những bước đột phá này khiến 2024 được coi là năm “định hình lại tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu”.

Thuốc tránh thai bán không cần đơn

Tháng 7/2023, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt Opill là thuốc tránh thai đường uống không cần kê đơn. Và năm 2024, Opill đã có mặt ở một số cửa hàng Walgreens, hoặc người tiêu dùng có thể được đặt hàng trực tuyến từ Amazon, CVS, Walgreens và trang web Opill.

Đây là lần đầu tiên người dân Mỹ có thể mua thuốc tránh thai không cần đơn thuốc. Không giống như thuốc tránh thai kết hợp thông thường có chứa 2 loại hormone nữ là estrogen và progesterone, Opill chỉ chứa progestin. Điều đó giúp Opill có ít tác dụng phụ hơn và thậm chí có thể được sử dụng bởi những người đang cho con bú, bị huyết áp cao hoặc có tiền sử bị cục máu đông.

Van tim sống, phát triển cùng cơ thể bệnh nhân

Phẫu thuật thay thế van tim bị lỗi bằng van cơ học hoặc van sinh học có từ hơn 60 năm nay. Tuy nhiên, bệnh nhân thay van cơ học phải dùng thuốc ngừa đông máu trong suốt phần đời còn lại. Trong khi đó, van sinh học chỉ dùng được từ 10 - 15 năm. Phương pháp này đặc biệt khó áp dụng với trẻ em bị dị tật bẩm sinh, vì van không phát triển cùng cơ thể trẻ.

Vào tháng 1/2024, Bệnh viện Harefield và Viện Tim và Phổi quốc gia Anh đã tạo ra loại van tim sống, có thể phát triển cùng với bệnh nhân. Van tim được làm từ một khung polymer phân hủy sinh học thay vì nhựa bền. Khi đưa vào cơ thể, khung thu thập các tế bào và hướng dẫn chúng phát triển. Lúc này, cơ thể hoạt động như một lò phản ứng sinh học tạo mô mới. Lâu dần, khung này phân hủy và được chính các mô mới sản sinh thay thế.

Vật liệu khung được sử dụng để làm van là cải tiến quan trọng. Nó có khả năng hút, chứa và hướng dẫn các tế bào thích hợp từ chính cơ thể bệnh nhân, tạo điều kiện duy trì chức năng của van.

Hy vọng từ các ca cấy ghép nội tạng động vật

Những năm qua, giới y khoa liên tục thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực cấy ghép dị chủng. Nền tảng là nội tạng lợn đã biến đổi gen phù hợp với cơ thể người, nhằm giải quyết nhu cầu tạng hiến ngày càng tăng.

Vào tháng 3/2024, các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã thực hiện ca phẫu thuật ghép thận lợn cho người sống đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân là Richard Slayman, 62 tuổi, mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Trong suốt 4 giờ, kíp mổ đã nối các mạch máu và niệu quản (ống dẫn nước tiểu) từ thận lợn đến bàng quang và niệu quản của bệnh nhân.

Theo Tiến sĩ Leonardo Riella, Giám đốc y khoa về ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, đối với người suy thận, ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Tuy nhiên, lượng tạng hiến tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới thiếu hụt. Slayman qua đời vào tháng 5 năm nay, song không có bằng chứng cho rằng ca cấy ghép là nguyên nhân.

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, các bác sĩ đã học được nhiều điều về việc cấy ghép khác loài. Ngoài ra, các bác sĩ Trung Quốc cũng cấy ghép gan lợn vào một người chết lâm sàng hồi giữa năm. Gan tiếp tục hoạt động trong suốt 10 ngày nghiên cứu.

Vẫn còn nhiều điều cần nghiên cứu trước khi những ca ghép tạng liên loài này, còn được gọi là ghép dị loài, trở nên phổ biến. Quá trình đào thải nội tạng động vật diễn ra rất khác so với quá trình đào thải nội tạng từ người hiến tặng.

Xét nghiệm máu để phát hiện bệnh Alzheimer

Các nhà khoa học ở Thụy Điển đã phát triển một xét nghiệm máu có thể xác định bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi với độ chính xác khoảng 90%.

Hiện tại, việc chẩn đoán chính xác căn bệnh này đòi hỏi phải có mẫu dịch não tủy hoặc hình ảnh não bằng chụp cắt lớp (PET). Tuy nhiên, những chẩn đoán đó không thể được thực hiện tại các phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu, nơi bác sĩ thường khám cho những người có vấn đề về nhận thức trước.

Xét nghiệm mới có tên PrecivityAD2 đo tỷ lệ các dấu ấn sinh học chính của bệnh Alzheimer trong máu, và có thể mở rộng khả năng tiếp cận xét nghiệm cũng như đẩy nhanh quá trình chẩn đoán, cho phép mọi người bắt đầu điều trị sớm hơn.

Một mũi tiêm duy nhất phòng Covid-19 và cúm

Nhà sản xuất dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết trong giai đoạn thử nghiệm cuối, vắc-xin kết hợp phòng cúm và Covid-19 của hãng này tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở người từ 50 tuổi trở lên so với các mũi tiêm phòng đơn lẻ.

Vắc-xin kết hợp có tên mRNA-1083, sử dụng công nghệ RNA thông tin, đã tạo ra lượng kháng thể lớn hơn so với các loại vắc-xin phòng cúm truyền thống và vắc-xin ngừa Covid-19 Spikevax sử dụng công nghệ mRNA đang lưu hành trên thị trường hiện nay.

Vắc-xin này củng cố khả năng miễn dịch cao hơn chống lại hai chủng cúm A H1N1, H3N2 và một chủng cúm B (B/Victoria) ở người lớn tuổi hơn khi so sánh với các mũi tiêm phòng cúm khác đang được sử dụng phổ biến.

Vì sao phụ nữ hay mắc các bệnh tự miễn?

Các bệnh tự miễn, như lupus ban đỏ và viêm khớp dạng thấp, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ. Trên thực tế, phụ nữ chiếm hơn 78% trong số tất cả các trường hợp mắc các bệnh tự miễn. Nguyên nhân của việc này chưa được biết đến.

Tuy nhiên, năm 2024, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cơ chế bị lỗi được cho là vô hiệu hóa 1 trong 2 nhiễm sắc thể X của phụ nữ có thể là nguyên nhân. Nam giới có một nhiễm sắc thể X, nhưng phụ nữ có 2. Vì chúng ta chỉ cần một nhiễm sắc thể X hoạt động, nên thông thường nhiễm sắc thể thứ 2 bị vô hiệu hóa trong toàn bộ các tế bào của cơ thể. Nghiên cứu mới cho thấy 1 loại protein làm vô hiệu hóa nhiễm sắc thể X có thể gây ra các bệnh tự miễn.

Osimertinib dành cho người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ EGFR dương tính. Loại ung thư phổ biến tại Đông Nam Á, đặc biệt ở những người không hút thuốc. Thử nghiệm của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy, dùng thuốc một lần mỗi ngày sau phẫu thuật giúp giảm 51% nguy cơ tử vong.

Sau 5 năm nghiên cứu, 88% người bệnh uống thuốc hàng ngày vẫn sống sót, cao hơn so với 78% bệnh nhân điều trị bằng giả dược. Thuốc hiệu quả nhất quán trong phân tích toàn diện, ở cả những người mắc ung thư giai đoạn một, hai và ba. Thuốc có tác dụng trên cả những bệnh nhân chưa thực hiện hóa trị.

Theo NatGeo

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-dot-pha-y-khoa-the-gioi-nam-2024-post715470.html