Những dự án chậm tiến độ sẽ bị 'xóa sổ' từ 1/8?

Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Một trong những điểm mới của luật này sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng ôm đất dự án để đấy gây lãng phí đất đai.

8 trường hợp sẽ thu hồi đất do vi phạm pháp luật

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8 tới đây quy định 8 trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai tại Điều 81. Cụ thể:

Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm;

Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai 2024;

Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất;

Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

Đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Ngoài ra, các trường hợp quy định tại các trường hợp 6, 7 và 8 Điều 81 không áp dụng đối với trường hợp bất khả kháng.

 Những dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi theo Luật Đất đai 2024. Ảnh BĐS.

Những dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi theo Luật Đất đai 2024. Ảnh BĐS.

Giải quyết tình trạng dự án treo cả thập kỷ

Thời gian qua trên cả nước còn tồn tại rất nhiều dự án đầu tư dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài. Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào 1/8 tới đây đã có thêm nhiều quy định về thu hồi đất nếu chủ đầu tư không làm đúng cam kết, nhằm siết chặt tình trạng này.

Luật mới quy định chậm so với tiến độ dự án đã đăng ký, sau 48 tháng kể từ ngày doanh nghiệp cam kết đưa dự án vào hoạt động (trừ trường hợp thiên tai, bất khả kháng…) Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi hoàn...

Trên thực tế, tại nhiều đô thị lớn, có những khu đất trống bỏ không cả chục năm nhưng vẫn không hề có tín hiệu khởi động và số dự án thu hồi được cũng rất ít. Theo đó, quy định mới tại Luật Đất đai sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt giúp gia tăng nguồn cung nhà ở bình dân trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người dân gia tăng.

 LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw. Ảnh SBL.

LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw. Ảnh SBL.

Nhận định về những trường hợp sẽ bị thu hồi đất trong Luật Đất đai 2024, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, Luật mới đã xử lý rất nhiều các vướng mắc, bất cập khi xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, khắc phục bất cập của Luật đất đai 2013 .

Theo ông Hà, những yếu tố làm chậm tiến độ đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách hiện nay gồm: Sự phức tạp trong quy trình pháp lý và thủ tục hành chính, sự chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng, những thách thức liên quan đến việc huy động vốn từ các nguồn tài chính khác nhau và sự không chắc chắn về thị trường bất động sản dẫn tới nhà đầu tư không tiếp tục đầu tư.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chỉ tập trung vào "xin" dự án và tính bài chuyển nhượng lại mà không tập trung vào việc phát triển dự án. Ngoài ra, sự thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng cũng có thể gây trở ngại cho việc triển khai các dự án. Đôi khi, sự không đồng nhất trong chính sách và quy định giữa các cấp chính quyền cũng tạo ra những rào cản không cần thiết.

Chưa kể hiện nay tâm lý "sợ sai, sợ trách nhiệm" của bộ phận không ít cán bộ thực thi ở địa phương dẫn đến các thủ tục hành chính bị "ách tắc" rất nhiều.

Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng cho rằng, để giải quyết hết được các dự án đình trệ theo quy định mới là điều chưa chắc chắn, bởi có nhiều lý do dẫn tới việc này và do đó cần phải xem xét nghiên cứu phân loại từng trường hợp để có hướng giải quyết phù hợp.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhung-du-an-cham-tien-do-se-bi-xoa-so-tu-18.html