Những dự án giao thông giúp cửa ngõ phía Nam TP.HCM cất cánh
TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cửa ngõ phía Nam nhằm tạo thế cân bằng với cửa ngõ phía Đông, phía Tây Bắc, khai thác trọn vẹn tiềm năng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết trong bức tranh phát triển hạ tầng giao thông của TP.HCM, nếu như các cửa ngõ phía Đông và Tây Bắc đã sớm ghi dấu ấn với hàng loạt dự án quy mô đã và đang triển khai, thì khu vực cửa ngõ phía Nam, vùng đất đầy tiềm năng cũng đang chứng kiến làn sóng đầu tư hạ tầng mạnh mẽ.
Sôi động các dự án hạ tầng khu Nam TP.HCM
Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Lương, tuyến đường huyết mạch nối trung tâm TP với xã Hiệp Phước, xã Nhà Bè và khu vực Tây Ninh chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự ưu tiên rõ rệt dành cho cửa ngõ phía Nam.
Không chỉ nâng cấp đường, bốn cây cầu sắt cũ kĩ, tồn tại hàng chục năm qua cũng đã và đang được thay thế bằng những công trình hiện đại, đảm bảo lưu thông an toàn và liên tục. Bằng chứng cho sự đầu tư mạnh mẽ này là 3/4 cây cầu trên trục đường Lê Văn Lương đã và đang được triển khai.

3/4 cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương đã và đang được thay thế. Ảnh: NN
Cùng với cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đĩa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, việc khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm ngày 10-7 và dự án xây dựng cầu Rạch Dơi (dự kiến triển khai trong năm 2026) nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng mới, thay thế toàn bộ 4 cầu yếu trên trục đường Lê Văn Lương.

Cầu Rạch Tôm vừa khởi công ngày 10-7. Ảnh: NN

Đây là những dự án góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, hình thành một trục đường chiến lược, tăng cường nối kết với tỉnh Tây Ninh, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam TP và phát triển hệ thống giao thông, kết nối liên vùng.
Song song với đó, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, một trong những trục đường quan trọng của khu Nam đang được quy hoạch, mở rộng để trở thành trục Bắc - Nam chiến lược, trực tiếp kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây không chỉ là đường nối các tỉnh miền Tây với vùng Đông Nam Bộ, mà còn là "đường gân" kết nối giữa các khu đô thị vệ tinh đang phát triển mạnh.
Đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ, từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 8,6km sẽ được mở rộng lên 60m, 10 làn xe. Trong đó, 7,2km sẽ được xây dựng đường trên cao với 4 làn xe. Bên dưới, hai tuyến đường song hành mỗi bên rộng 3 làn xe, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 9.894 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2028.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 dự kiến về đích cuối năm nay. Ảnh: NN

Một mảnh ghép quan trọng khác trong bức tranh hạ tầng khu Nam là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50, tuyến đường hiện đang gánh vác phần lớn lưu lượng xe từ TP.HCM đi Tây Ninh và các tỉnh miền Tây khác, dự án dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Khi tuyến đường này hoàn thành, cùng với việc phấn đấu khởi công cầu đường Bình Tiên vào cuối năm nay, một trục Bắc - Nam thứ hai sẽ được hình thành, tạo kết nối trực tiếp đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và trở thành một phần không thể thiếu của Vành đai 3 TP.HCM.
Cầu Cần Giờ, Quốc lộ 50B, đường trên cao... chờ triển khai
Không dừng lại ở các tuyến đường bộ truyền thống, TP.HCM còn chuẩn bị cho loạt dự án mang tầm nhìn chiến lược trong tương lai gần.
Trong đó nổi bật là cầu Cần Giờ, cây cầu được mong đợi nhiều năm qua đang rục rịch khởi công để thay thế phà Bình Khánh, rút ngắn khoảng cách từ trung tâm TP.HCM đến biển Cần Giờ, mở ra cánh cửa cho phát triển du lịch, kinh tế biển và đô thị sinh thái.

Khu vực cầu đường Phú Mỹ 2 băng qua, kết nối khu vực Nam Sài Gòn với tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đào Trang
Cạnh đó, một trục đường trên cao cũng đang trong lộ trình triển khai, nối trung tâm thành phố đến sân bay quốc tế Long Thành, cửa ngõ hàng không mới của quốc gia.
Các đơn vị liên quan đang nghiên cứu xây dựng dự án cầu đường Phú Mỹ 2 kết nối khu đô thị Nam Sài Gòn với sân bay Long Thành. Đây là tuyến đường chiến lược, mở ra hướng kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai, đồng thời liên thông khu đô thị Nam Sài Gòn với sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị đưa vào khai thác.
Cùng với đó, dự án cầu Cát Lái sẽ kết nối Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP Thủ Đức cũ, bổ sung thêm một lối ra chiến lược khác cho phía Nam TP.HCM.

Một trục đường song song với Quốc lộ 50 đang được đề xuất đầu tư. Ảnh: NN
Ngoài ra, không thể không nhắc đến dự án trục động lực nối TP.HCM - Long An (nay là Tây Ninh) - Tiền Giang (nay là Đồng Tháp), hay còn gọi là dự án Quốc lộ 50B.
Tuyến đường này song song với Quốc lộ 50 hiện nay, đã được TP.HCM đề xuất đầu tư với nguồn vốn 3.869 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu của dự án bắt đầu từ đường Phạm Hùng, TP.HCM, điểm cuối tại ngã ba Trung Lương, tỉnh Tiền Giang.
Đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc phân luồng giao thông, giảm tải cho các tuyến hiện hữu và mở ra hành lang kinh tế mới cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án Quốc lộ 50B là tuyến giao thông quan trọng trong kết nối liên vùng, giảm tải cho Quốc lộ 50, thúc đẩy phát triển các đô thị và khu, cụm công nghiệp dọc tuyến.

Hạ tầng phía Nam TP đang được đầu tư mạnh mẽ. Ảnh: NN
Tất cả những dự án nói trên không còn nằm trên giấy, mà đang lần lượt được triển khai và sẽ phấn đấu hoàn thiện trong giai đoạn 5 năm tới. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp đồng bộ không chỉ giúp khu Nam TP.HCM cất cánh, mà còn mở rộng biên độ phát triển cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam TP.HCM.