Những dự án giao thông trọng điểm được hoàn thành trong năm 2020
Trong năm 2020, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần cải thiện năng lực hạ tầng, tăng năng lực lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoàn thành và đưa vào khai thác 21 công trình, dự án lớn giao thông trọng điểm trong năm 2020
Thông tin từ Thử trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao.
Đặc biệt trong năm 2020 đã hoàn thành và đưa vào khai thác 21 công trình, dự án lớn và hoàn tất thủ tục triển khai thi công 19 dự án mới.
Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long được xây dựng từ năm 1974 và đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Nhưng sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và xuống câp. Mặc dù đã được sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng những hư hỏng vẫn xuất hiện.
Sửa chữa triệt để hư hỏng mặt cầu Thăng Long, dự kiến đưa vào khai thác vào ngày 31/12. Ảnh: TL
Ngày 16/8, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long chính thức được thực hiện với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng. Dự kiến thông xe đưa vào khai thác trở lại vào ngày 31/12/2020.
Quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long bao gồm các hạng chủ yếu như cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép và sơn chống rỉ. Hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép.
Lắp đặt lưới thép, đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén 120MPa dày tối thiểu 6cm. Tạo nhám và thi công lớp dính bám sau đó phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa polyme dày 4cm.
Đưa vào khai thác dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Được khởi công từ tháng 5/2018, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước).
Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội
Công trình có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km, được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m. Hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100km/h.
Dự án được chia làm 2 gói thầu xây lắp, gói 1 đoạn từ Mai Dịch - Cổ Nhuế do liên danh Sumitomo - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 thi công; gói 2 đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long do liên danh Tokyu - Taisei Corporation thi công.
Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận qua đó tạo động lực iển kinh tế, văn hóa, xã hội của các khu vực này.
Nâng cấp đường băng Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Ngày 29/6/2020, Bộ GTVT khởi công xây dựng hai dự án cải tạo, nâng cấp đường băng của hai Cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Sau khi nâng cấp cải tạo, Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025. Ảnh: TL
Giai đoạn 1, Cảng hàng không Nội Bài sẽ cải tạo 3.000m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước. Giai đoạn hai sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất hạ cánh 1B và hoàn thiện đường 1A, các đường lăn nối dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Dự án sửa chữa nâng cấp đường băng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất giai đoạn 1 gồm sửa chữa đường băng 25R/07L, dài 3km, rộng gần 46m; 4 đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 cùng các công trình phụ trợ.
Hiện giai đoạn 1 của dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác đồng bộ trước ngày 31/12/2020.
Sau khi nâng cấp cải tạo, Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục tiếp nhận được các tàu Aibus A350, Boeing 787-9, 787-10. Đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với Cảng hàng không Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Tân Sơn Nhất.
Thông xe cầu Thịnh Long nối 2 huyện ven biển của tỉnh Nam Định
Cầu Thịnh Long được khởi công từ tháng 1/2018 với tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng nối huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định. Sau 27 tháng thi công, ngày 28/5, Bộ GTVT đã phối hợp UBND tỉnh Nam Định thông xe đưa vào khai thác cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ.
Cầu Long Thịnh được đưa vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Nam Định. Ảnh: TL
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ theo hợp đồng. Việc đưa công trình vào khai thác sử dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Nam Định.
Tăng hiệu quả kết nối Quốc lộ 21 với dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối khu kinh tế Ninh Cơ với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ cầu Thịnh Long đến khu công nghiệp Rạng Đông.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thịnh Long được sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp từ vốn vay của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước của Chính phủ Việt Nam, chi phí giải phóng mặt bằng được thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương.
Đảm bảo tiến độ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương) và điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Tuyến cao tốc có chiều dài 51,1km chạy qua địa phận tỉnh Tiền Giang với tổng mức đầu tư 12.668 tỉ đồng. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1.
Phấn đấu đảm bảo tiến độ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 31/12/2020. Ảnh: TL
Hiện dự án đã triển khai thi công 34/36 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu còn lại là trạm thu phí và hệ thống ITS sẽ triển khai thi công theo tiến độ dự án. Mục tiêu phấn đấu là sẽ đảm bảo tiến độ thông tuyến vào ngày 31/12/2020.
Đồng thời đảm bảo cho xe khách dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn lưu thông 1 chiều vào thời điểm 5 ngày trước tết và 5 ngày sau tết Nguyên đán 2021.
Dự án được khởi công tháng 2/2015, tuy nhiên do năng lực nhà đầu tư yếu kém, không vay được vốn tín dụng nên gần 4 năm, dự án chỉ thi công được khoảng 10% khối lượng. Đến đầu tháng 3/2019, các nhà đầu tư dự án đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia vào quản trị, điều hành dự án.
Khai thác tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi
Ngày 15/10, Bộ GTVT tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Hiện các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để khánh thành, đưa vào khai thác trong cuối tháng 12/2020 sau gần 5 năm tổ chức thi công.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Khi đưa dự án vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian đi từ Cần Thơ xuống Kiên Giang từ 1 giờ 30 phút xuống còn 50 phút.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được quy hoạch là tuyến cao tốc thứ hai ở miền Tây và được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế cả khu vực phát triển.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế cả khu vực phát triển. Ảnh: TL
Dự án có chiều dài 51km được khởi công ngày 17/1/2016 và thông xe kỹ thuật vào ngày 15/10/2020 với thiết kế là đường cấp III đồng bằng với bốn làn xe, tiêu chuẩn là đường cao tốc loại A và vận tốc thiết kế 100km/h.
Từ nay đến hết tháng 12/2020, hàng loạt dự án đường bộ quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thành như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa - Pò Mã, Dự án kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1, Dự án nâng cấp Quốc lộ 4 đường nối Hà Giang - Lào Cai,…
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, trong kỳ đánh giá 2017 - 2018, năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc, từ thứ 95/144 (năm 2011) lên thứ 79/137 (năm 2016).
Chỉ số về chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ đứng thứ 92 (tăng 28 bậc), cảng biển đứng thứ 82 (tăng 31 bậc). Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với 2016 (năm 2011, Việt Nam xếp hạng 53/155 nước).
Trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam xếp hạng 3 sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32). Tất cả các chỉ số đánh giá về Logistics năm 2018 đều tăng vượt bậc, mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc).