Những dự án luật nào được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu?
Luật Đường bộ; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi)... là những dự án luật dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu.
Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào sáng mai (23-10), dự kiến bế mạc vào ngày 28-11-2023 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tại Kỳ họp thứ sáu này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Trong đó, một dự án luật quan trọng được đưa ra xem xét, cho ý kiến lần này là dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trước đó, ngày 20-11-2014, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) thay thế Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016.
Qua hơn 7 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng Bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn... Do đó, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 10 chương, 136 điều.
Một dự án luật quan trọng khác được đưa ra xem xét tại Kỳ họp thứ sáu này là Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 73 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hai dự án luật do Bộ Công an soạn thảo cũng được đưa ra cho ý kiến tại kỳ họp lần này là Luật Đường bộ (sửa đổi) và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng Luật Đường bộ (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.
Dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: Quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ).
Việc xây dựng Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; bảo đảm sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Một dự án luật quan trọng khác được đưa ra bàn thảo là Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan; khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực....
ANH PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.