Những dự án năng lượng tái tạo được cho là điểm nhấn đầu tư của REE hoạt động ra sao?
Xác định xu thế phát triển xanh và bền vững, những năm gần đây, REE đã chuyển hướng, từng bước đầu tư bài bản cho mảng sản xuất và kinh doanh năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Ông lớn trong lĩnh vực năng lượng
Được thành lập từ năm 1977, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là một trong hai công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM với mã chứng khoán REE ngày 28/7/2000. Kể từ lúc niêm yết đến nay, REE luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất.
Hiện REE đã mở rộng sự hiện diện của mình trong nhiều lĩnh vực và đang sở hữu một nhóm các công ty thành viên hoạt động kinh doanh trong 4 lĩnh vực chính là năng lượng, nước sạch, phát triển & cho thuê bất động sản, cơ điện lạnh & máy điều hòa không khí.
Xác định xu thế phát triển xanh và bền vững, những năm gần đây, REE đã chuyển hướng, từng bước đầu tư bài bản cho mảng sản xuất và kinh doanh năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo (NLTT). Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Cơ điện lạnh REE đánh giá, điểm nhấn đầu tư của REE chính là mảng NLTT.
Mở rộng đầu tư vào ngành cơ sở hạ tầng điện, nước từ 2010, REE Corporation (mã: REE) nổi danh là “cá mập” chuyên đi săn những doanh nghiệp điện tiềm năng. Đến cuối 2022, tập đoàn đã trở thành ông lớn trong lĩnh vực năng lượng khi đầu tư sở hữu cổ phần danh mục nhà máy điện tổng công suất 2.763 MW, chiếm khoảng 3,3% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện Việt Nam; nếu xét theo tỷ lệ sở hữu thì đạt 1.023 MW.
Với xu hướng phát triển năng lượng sạch, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050 của Chính phủ, trong các năm trở lại đây, REE xác định tập trung đầu tư dự án thủy điện và năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… trong khi thoái vốn nhiệt điện than.
Hiện nay, REE đang nắm 50% vốn Phong điện Thuận Bình. Doanh nghiệp này sở hữu 3 nhà máy điện gió tổng công suất 79 MW gồm Phú Lạc 1 (Bình Thuận), Phú Lạc 2 (Bình Thuận) và Lợi Hải 2 (Ninh Thuận). Trong đó, Phú Lạc 1 vận hành từ tháng 9/2016, 2 dự án còn lại vận hành tháng 10/2021, tất cả cùng hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 US Cents/kWh. Năm 2022, Phong điện Thuận Bình ghi nhận 369 tỷ đồng doanh thu, tăng 83% so với 2021 do Phú Lạc 2 và Lợi Hải hoạt động nguyên năm. Song lợi nhuận sau thuế giảm 20% xuống 100 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng mạnh.
Danh mục đầu tư của REE có gì?
Vào cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho biết, Phong điện Thuận Bình có dự án Phú Lạc 2 thuộc diện xây dựng trên mặt đất khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là không có cơ sở pháp luật, vi phạm quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cho phép Phong điện Thuận Bình thuê 6,15 ha đất, thời hạn sử dụng đất là 5 năm để đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện gió Phú Lạc 2 là không đúng quy định.
Kết luận thanh tra nêu rõ trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi Trường, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Thuận.
Các đơn vị thành viên thuộc REE Corporation cũng có đầu tư dự án điện mặt trời. Như Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung (mã: CHP) đầu tư nhà máy điện mặt trời Cư Jút công suất 52 MWp tại tỉnh Đăk Nông. Năm 2022, dự án mang về doanh thu 174 tỷ đồng và lợi nhuận 25 tỷ đồng. Mặc dù nhà máy bị cắt giảm công suất do hệ thống thừa nguồn nhưng sản lượng và doanh thu năm 2022 vẫn tăng nhẹ 1,1% đến 1,6% so với 2021, lợi nhuận gấp 2,7 lần.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho biết dự án này dính khá nhiều sai phạm. Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Cư Jút khi vị trí đất thực hiện của dự án chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện và quy hoạch xây dựng nông thôn thị trấn; tổ giúp việc không lấy ý kiến tham gia của các sở/ngành có liên quan trong việc thẩm định dự án. Năng lực tài chính của nhà đầu tư dự án không được thẩm định, đánh giá. UBND tỉnh Đắk Nông cho chủ đầu tư thuê đất tại dự án điện tích 59,96 ha nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng công trình năng lượng, vị trí khu đất.
Đồng thời, chủ đầu tư là Công ty Thủy điện Miền Trung đã khởi công xây dựng dự án trong khi đất xây dựng dự án chưa được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê, chưa thực hiện báo các tác động môi trường cho hạng mục đường dây 110 kV. Nhà máy được vận hành thương mại trước khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra thông báo kết quả công tác nghiệm thu công trình hoàn thành.
Những sai phạm này được quy trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Đắk Nông, sở/ngành có liên quan, công ty mua bán điện, EVN và chủ đầu tư dự án.
Thủy điện Miền Trung chỉ là đơn vị liên kết của REE với tỷ lệ sở hữu 24%. Công ty TNHH Năng lượng REE vẫn đang gom thêm cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này. 2 cổ đông lớn khác của Thủy điện Miền Trung là Tổng công ty điện lực miền Nam và Tổng công ty điện lực miền Trung với tỷ lệ sở hữu cùng gần 23%.
Một đơn vị liên kết khác của REE với tỷ lệ sở hữu 42,6% là Thủy điện Thác Mơ (mã: TMP) có sở hữu một dự án điện mặt trời Thác Mơ vận hành từ tháng 12/2020 công suất 42 MWp tại tỉnh Bình Phước. Dự án này ghi nhận doanh thu 119 tỷ năm 2022 và lợi nhuận 15 tỷ, lần lượt tăng 3% và giảm 31,3% so với 2021.
Bên cạnh đó, Thác Mơ còn nắm 20% vốn của Phong điện Thuận Bình.Trong danh mục dự án năng lượng tái tạo, dự án nhà máy điện gió số 3 tại Trà Vinh do Công ty TNHH Điện gió REE Trà Vinh là dự án duy nhất REE làm chủ đầu tư và sở hữu 100%. Nhà máy có công suất 48 MW, gồm 12 turbin gió, vận hành thương mại từ ngày 27/10/2021 và đã đủ tiêu chuẩn để áp dụng giá điện ưu đãi trong thời hạn 20 năm. Năm 2022, dự án mang lại doanh thu 328 tỷ đồng và lợi nhuận 107 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn phát triển điện mặt trời áp mái, sản lượng năm 2022 đạt 120 triệu kWh, tăng 6,2% so với năm trước. Doanh thu 226 tỷ, tăng 6,1% và lợi nhuận 48 tỷ, giảm 29% do chi phí vận hành và bảo trì cao hơn.