Những đứa trẻ bơ vơ...

Một bà già ngồi thu mình nơi góc ghế đặt ở hành lang khóc thút thít, hai đứa trẻ hết chạy ra sân lại chạy vào phía trước phòng xét xử, tiếng cười giòn tan. Cả hai đứa trẻ không hiểu được vì sao bà khóc, lại càng không hề biết đón đợi mình phía trước là những tháng ngày bơ vơ...

Bà ơi, phạm tội là gì? Đi tù là đi đâu? Ở đó có đẹp không?... sao ba mẹ không cho tụi con đi? Thấy bà không trả lời chỉ ngồi khóc, hai đứa lại xoắn xuýt “bà đừng khóc, hay là để con xin ba mẹ cho bà với tụi con cùng đi tù nhé”! Bà Liên cổ họng càng nghẹn lại, đưa tay ôm lấy hai đứa cháu. Thiên ngôn vạn ngữ của bà cũng chỉ có thể dừng lại ở một chữ- Đau!

Mỗi lần nhìn hai đứa cháu ngoại, bà Liên lại ước, giá như tất cả những chuyện này chỉ là giấc mơ. Sau giấc mơ ấy, các cháu bà lại có những tháng ngày tuổi thơ ấm áp. Nhưng không, bà càng muốn mơ thì sự thật lại càng hiện hữu. Chỉ có điều cho đến giờ phút này bà vẫn không thể tin nổi những gì bà chứng kiến đều là sự thật. Khi cái tên quen thuộc của vợ chồng con gái được vị chủ tọa đọc lên, với tội danh phạm phải là mua bán cái thứ người ta gọi “cái chết trắng”, bà Liên cảm thấy tim mình như bị trộn lẫn ngũ vị đau đớn. Không thể nghi ngờ, cũng không thể tự lừa dối lòng mình, đó là sự thực. Sự thực này đã phá hỏng tất cả những nghi vấn, những mong muốn và cả những sự huyễn hoặc bà tự đặt ra. Bà muốn từ chối không tiếp nhận nhưng căn bản là bà không có cơ hội, chỉ có thể thuận theo mà đón nhận sự thật.

Sai lầm của Ly và Khánh khiến mẹ già và con trẻ đau khổ

Sai lầm của Ly và Khánh khiến mẹ già và con trẻ đau khổ

Trước khi con gái bà là Phan Thị Duy Ly kết hôn với Lê Quốc Khánh, cả hai bọn họ đều đã có gia đình, mỗi người có hai con riêng đang còn nhỏ. Nói một cách nôm na họ là một đôi “rổ rá cạp lại”. Sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu khiến cuộc sống của Ly chông chênh mất một thời gian. Đã có những lúc cô buông xuôi tất cả, tụ tập ăn chơi chẳng biết đâu là ngày mai. Nhưng rồi đứa trẻ đã kéo cô về thực tại, cô không thể chỉ nghĩ cho riêng mình, cô phải sống có trách nhiệm với đứa trẻ gọi cô bằng tiếng “Mẹ”. Rồi cô quen Khánh, người đàn ông cùng cảnh ngộ. Sự tương liên về hoàn cảnh, sự khao khát về tình yêu trai gái vì thế hai người đã quyết định cùng nhau tìm về một mối. Từ ngày có thêm con, hai đứa trẻ chỉ cách nhau hai tuổi, cuộc sống của hai vợ chồng bắt đầu những tháng ngày khó khăn...

Để có tiền Ly và Khánh đã mua bán trái phép chất ma túy. Nguồn ma túy chủ yếu mua của những mối không cố định sau đó về chia nhỏ bán kiếm lời. Tuy nhiên, việc làm phi pháp của cả hai không kéo dài được bao lâu đã bị “thất thủ”. Đương nhiên, với loại tội phạm liên quan đến ma túy luôn bị xử lý nghiêm minh. Điều này, cả Ly và Khánh không phải là không từng biết, chỉ là cả hai bất chấp. Tiếc rằng, suy nghĩ của hai con người không còn trẻ tuổi này quá ích kỷ, ích kỷ với người đã sinh ra họ và ích kỷ luôn với cả người họ đã sinh ra.

Thấy mẹ già đỏ hoe đôi mắt, hai con thơ ngơ ngác, tò mò nấp sau cánh cửa... Ly mím chặt môi, nhìn thẳng vào mắt bà Liên. Ánh mắt cô mang theo một chút đau thương, một chút cầu xin, lại có một chút... cười. Sự cười đó là cười của đau khổ, của hối hận muốn được thứ tha, cũng là cười muốn trấn an mẹ mình. Ly thực không thể giải thích, nếu như vợ chồng cô vì những đứa trẻ mà trở nên khổ sở, vậy thì với mẹ cô của hiện tại nỗi khổ ấy sẽ đong đếm như thế nào? Đối diện với mẹ lúc này, Ly thấy đôi mắt bà có cả sự thống khổ lẫn tuyệt vọng. Bà Liên cùng hai đứa trẻ lúc này chẳng khác nào chiếc thuyền đơn độc lạc lối ngoài biển khơi, trong khi Ly chỉ biết đứng lặng từ xa nhìn tới.

Con của các bị cáo ngây thơ vui đùa tại phiên tòa xét xử cha mẹ

Con của các bị cáo ngây thơ vui đùa tại phiên tòa xét xử cha mẹ

Ly phải chấp hành án phạt với 9 năm 3 tháng tù và Khánh 8 năm 6 tháng tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Đó thực sự là một thời gian quá dài đối với bà Liên và hai đứa trẻ. Rồi đây hai đứa trẻ sẽ ra sao, sẽ lớn lên như thế nào khi thiếu bàn tay chăm sóc, nuôi dạy của cha mẹ?!. Các con liệu có đủ những niềm vui như các bạn cùng lứa tuổi? Còn người lớn như bà Liên, bà phải giải thích thế nào cho cháu hiểu bằng hết “nhà tù là gì” mà không làm tổn thương đến chúng? Làm sao để xoa dịu nỗi nhớ cha mẹ và tiếng khóc hằng đêm? Làm sao để mỗi lần cùng cháu ra đường không phải nắm tay kéo một cách vội vàng khi bắt gặp những đứa trẻ được cha mẹ dẫn đi chơi? Bà Liên không mong muốn gì cho bản thân, chỉ mong hai đứa cháu ngoại của bà vượt qua được những tháng ngày xa vắng cha mẹ. Điều này với bà, e cũng đã là vô cùng khó!.

Chỉ được vài phút “đặc cách”, Ly và Khánh gần con. Có nhiều điều muốn nói nhưng lại ứ nghẹn nơi cổ họng, chỉ nghe tiếng thút thít phát lúc lớn, lúc nhỏ. “Con nhớ nghe lời bà, ngoan, mẹ đi... rồi mẹ về sớm”, “...nhưng mẹ đi đâu... ba mẹ đừng đi, con nhớ lắm...về mẹ!, giờ mẹ về với con luôn. Không có mẹ, con và em nhớ lắm...”! Lời đối thoại giữa mẹ con nhà Ly nghe xé lòng những người có mặt tại tòa ngày hôm ấy. Con trẻ có lỗi gì đâu, sao lại đặt con vào hoàn cảnh trớ trêu, nghiệt ngã như thế. Hơn bao giờ hết, khi đối diện với hai con, cả Ly và Khánh đều ân hận. Hai người đã tạo ra một vết thương khó làm mờ trong cuộc đời con trẻ. Đó cũng chính là cú sốc quá khó để bất cứ một đứa trẻ nào có thể dễ dàng vượt qua.

Tiếng cười đã thay bằng tiếng gào thét đòi mẹ về khi cánh cửa xe bịt bùng khép lại. Nắng trưa gay gắt chiếu xuống ba bà cháu thêm đậm đặc, tiếng khóc của hai đứa trẻ đã khàn đi nhưng vẫn không chịu theo bà ngoại quay về. Với bà Liên, phía trước chính là những tháng ngày khổ tận nhưng bà lại không có quyền để lựa chọn cho riêng mình!

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/nhung-dua-tre-bo-vo-39149.html