Những đứa trẻ của làng: Sa lầy
...Nó thấy lâng lâng, không phải vì món tiền thắng độ, mà vì cảm giác được mạo hiểm, được chinh phục và được ngợi ca...
Chẳng phải tất cả những đứa trẻ một thời của làng tôi đều làm chủ được cuộc đời mình, trở thành những công dân có ích. Đã bao năm trôi qua, nhưng hễ nhắc đến thằng Cậu Ấm, không ít người làng tôi vẫn cố nén tiếng thở dài.
Nhà thằng Cậu Ấm thuộc diện khá giả. Bố mẹ nó đi buôn đường dài, nên từ nhỏ nó sống với ông bà nội. Sau những chuyến đi dài ngày, bố mẹ mang về cho nó không biết cơ man nào là bánh kẹo, đồ chơi. Nó thảo tính, lại mang ra chia và chơi cùng bạn bè trong xóm. Thiếu sự chăm lo của bố mẹ, nhưng thằng Cậu Ấm chăm ngoan và học giỏi lắm, thầy cô, bạn bè và hàng xóm láng giềng ai cũng quý mến. Chưa kể, tự lập từ bé khiến nó rất chủ động, nền nếp từ việc học tập đến công việc gia đình.
Năm nó thi đậu vào một trường đại học tốp đầu ở thủ đô thì bố mẹ nó quyết định dừng việc buôn bán, về quê mua một khu đất rất rộng xây nhà và cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng để tiện chăm lo cho gia đình. Nó cũng được mua cho một căn hộ chung cư gần trường để tiện việc học tập.
Người làng ai cũng tin một đứa từ bé đã chủ động cơm nước, giặt giũ, học hành như nó cùng với điều kiện vât chất, tinh thần đủ đầy, sẽ trở thành một sinh viên xuất sắc, rộng cửa bước tới tương lai.
Nó vẫn rất chăm ngoan, cho đến một buổi đi xem bóng đá ở quán cà phê với vài người bạn cùng lớp, một không khí rất khác so với việc rủ một vài người bạn thân hay anh em họ hàng về nhà chung cư của nó cùng xem. Nó cao hứng bỏ tiền tham gia độ bóng, may mắn thắng được một khoản nho nhỏ, đủ khao bạn bè chầu cà phê và sau đó là mấy bát phở đêm. Bạn bè khen nó “cờ bạc đãi tay mới”, còn nó thấy lâng lâng, không phải vì món tiền thắng độ - vì đôi khi có tiền nó cũng chẳng biết tiêu gì, mọi nhu cầu cá nhân đều được bố mẹ đáp ứng đầy đủ - mà vì cảm giác được mạo hiểm, được chinh phục và được ngợi ca.
Nó gọi điện về nhà xin tiền nhiều hơn với đủ các lý do mà bố mẹ nó chẳng hề nghi ngờ. Cho đến một ngày, nó bị 2 tay anh chị nhốc lên ô tô, chạy thẳng về nhà nó ở quê, gí đầu nó vào ổ điện và chìa giấy nợ ra trước mặt bố mẹ nó. Sau khi run rẩy ký vào giấy chuyển nhượng căn chung cư trên thủ đô thì bố nó ngã ra bất tỉnh. Chăm bố ở bệnh viện được vài ngày, nó quay trở lại trường, lần này vào ở ký túc xá. Bố nó qua được cơn nguy kịch, nhưng gần như liệt toàn thân, việc buôn bán gián đoạn, những khoản tiền, vàng tiết kiệm của gia đình cũng dần vơi.
Đưa bố nó về điều trị ở nhà được một thời gian thì mẹ nó nhận được giấy thông báo đình chỉ học của nhà trường gửi về, thằng Cậu Ấm đi trốn nợ ở đâu không rõ, đã bỏ học cả tháng trời, nợ môn, nợ điểm. Bố nó nghe chuyện, hai hàng nước mắt chảy tràn rồi mất.
Nó về chịu tang bố, xung quanh là dăm bảy gương mặt bặm trợn, tay chân xăm trổ. Bàn vong rước về nhà, cũng là lúc mẹ nó phải ký vào cái giấy bán toàn bộ đất đai còn lại ở làng để trả nợ, giữ lại an toàn cho nó. Nó quỳ xuống dưới chân bà mà van, rằng từ nay sẽ đoạn tuyệt với lô đề và bóng.
Mẹ rước bàn thờ bố nó quay về căn nhà cũ của ông bà nội, héo hon nhìn nó xách ba lô trở lại trường. Thằng Cậu Ấm vừa đi vừa quệt nước mắt.
Rồi ít lâu sau nó trở về làng lần cuối, đến cái ba lô cũng chẳng còn, nó ngồi thụp xuống đầu hè nói với mẹ nó, con bị đuổi học rồi. Nay mai bọn nó cũng theo con về đây, chắc lần này con chết luôn cho mẹ nhẹ gánh. Mẹ nó đổ sụp xuống, chẳng kịp đi cấp cứu.
Căn nhà nhỏ nơi thờ ông bà, bố mẹ thằng Cậu Ấm đến nay vẫn còn, chủ nợ chưa kịp siết vì nó trốn tang mẹ đi biệt tích. Cuộc đời nó vẫn là dấu hỏi lớn của người làng.