Những đứa trẻ hư lộ nguyên hình 'hung thần' cướp đêm

Sau khi tiếp nhận thông tin về những vụ cướp manh động xảy ra tại khu vực vắng người, trinh sát Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của CATP đã nhanh chóng bắt giữ thủ phạm…

Hai đối tượng cướp vừa tròn 17 tuổi cùng hung khí dùng để cướp thuốc lá điện tử

Hai đối tượng cướp vừa tròn 17 tuổi cùng hung khí dùng để cướp thuốc lá điện tử

Cuộc “săn mồi” của những “báo đêm”

Gần đây, người dân các quận Long Biên, Gia Lâm, Ba Đình (Hà Nội) xôn xao về các nhóm thanh thiếu niên chuyên chờ sơ hở của người đi đường để cướp tài sản vào ban đêm. Cụ thể, khoảng 22h ngày 29-5, một nữ sinh lớp 12 đang vừa đi xe máy, vừa nghe điện thoại trên đường đê thuộc phường Bồ Đề (quận Long Biên) thì bị một nhóm đối tượng bịt mặt, đi xe máy không đeo biển kiểm soát cướp giật chiếc điện thoại. Hai ngày sau, Cơ quan CSĐT CAQ Long Biên đã điều tra, triệu tập 2 đối tượng trong vụ việc này là Nguyễn Văn Thịnh và Đặng Quốc Cường (đều sinh năm 2008, cùng trú tại xã Gia Anh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Tham gia vào các cuộc “săn đêm” cùng Thịnh và Cường còn có 3 đối tượng khác đều dưới 18 tuổi. Ngày 24-5, chúng rủ nhau đi từ Hà Tĩnh ra thành phố Vinh (Nghệ An), sau đó ra Hà Nội. Cả nhóm thuê trọ tại số 7 ngõ 22 phố Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) rồi sang khu vực Long Biên tìm người vừa đi đường vừa cầm điện thoại để cướp giật. Hành trình phạm tội của nhóm “báo đêm” này kéo dài từ Nghệ An đến Hà Nội với 3 vụ trộm xe máy, 6 vụ cướp giật tài sản.

Cũng trong các tháng 5 và 6-2024, Công an quận Long Biên phối hợp cùng Công an quận Ba Đình, Công an huyện Gia Lâm, Phòng Cảnh sát hình sự liên tiếp triệt phá 4 ổ nhóm cướp, cướp giật tài sản mà các đối tượng trong đó đều còn rất trẻ, đa phần vẫn đang là học sinh. Điều đáng buồn là tài sản các đối tượng nhắm đến đều có giá trị không cao. “Các đối tượng đều có hoàn cảnh gia đình khá giả, rủ nhau đi cướp như một trào lưu, thích thứ gì là cướp thứ đó đó. Chỉ vì thích 1 cái POD (thuốc lá điện tử) giá trị 200 nghìn hay chiếc mũ bảo hiểm là các đối tượng sẵn sàng dùng hung khí (kiếm, gậy ba khúc, gạch, đá…) để đe dọa cướp bằng được” - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên cho biết.

Lật mặt những “hung thần”

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình lật mặt các “hung thần” cướp đêm, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng cho hay, quá trình điều tra các vụ án rất khó khăn do đều xảy ra trong khoảng thời gian từ 0 - 4h tại các khu vực vắng người, không có nhân chứng, dấu vết, thậm chí không có cả đèn đường. Quá trình lần theo dấu vết tội phạm, trinh sát đã gạn tìm được những manh mối quý giá và phối hợp với các đơn vị để tra soát, dựng hình ảnh nghi phạm. “Lời khai nhân chứng không có, bị hại cũng không nhớ được đặc điểm nhận dạng của đối tượng, nhưng bằng sự nỗ lực, kiên trì, chúng tôi cũng đã phác thảo được những nét đầu tiên của từng nhóm đối tượng, dựng được hướng đi, hướng đến của chúng” - Đại úy Nguyễn Thanh Tú, trinh sát Đội Cảnh sát hình sự, CAQ Long Biên cho hay.

Trong 4 vụ cướp gần đây xảy ra trên địa bàn quận Long Biên, các đối tượng đều là người ngoại tỉnh và chủ động gây án ở xa nơi cư trú để tránh bị truy bắt. Đáng nói, trong các đối tượng gây án có một số đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ nên các đối tượng còn lại a dua theo, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những kẻ “tiên phong”, cầm đầu nhóm cướp. Các đối tượng cho rằng, cướp tài sản ít giá trị thì bị hại sẽ không trình báo.

“Các bạn trẻ đang có một trào lưu xấu nhưng lan truyền rất mạnh, đó là hút POD. Trong suy nghĩ của giới trẻ, những ai cầm trên tay chiếc POD là thể hiện bản lĩnh, cái tôi hoành tráng. Việc thay đổi thường xuyên hết POD này đến POD khác lại càng thể hiện “dấu ấn bản thân” mà không hề biết đến tác hại của thuốc lá điện tử nguy hiểm như thế nào. Và đó cũng là lý do dẫn đến 2 trong 4 vụ cướp đều là cướp POD” - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng cảnh báo.

Quá trình điều tra vụ án, các đối tượng thường khai quanh co, chối tội, đổ lỗi cho nhau. “Thường các đối tượng sẽ khai là không biết gì, bị rủ rê, bạn bảo đi cướp thì làm theo… tóm lại là viện đủ lý do để bào chữa. Nhưng đến khi cơ quan công an triệu tập hết tất cả các đối tượng tham gia, chứng cứ rõ ràng từng hành vi phạm tội, vai trò của từng đối tượng, không thể chối cãi nữa thì chúng mới chịu thừa nhận” - Đại úy Nguyễn Thanh Tú thông tin.

Lời cảnh tỉnh từ những đứa trẻ hư

Nhớ lại giây phút tiếp cận nhà đối tượng Nguyễn Hoàng Anh ở Hưng Yên, một trong những tên cướp ngoan cố nhất, cầm đầu nhóm thiếu niên dùng gậy ba khúc và gạch để cướp trên cầu Thanh Trì, Đại úy Nguyễn Thanh Tú cho hay, chi tiết khó quên nhất là ông bà, bố mẹ của bị hại đau đớn, bất lực nhìn con mình vào vòng lao lý chỉ vì những món đồ đáng giá vài trăm nghìn đồng. Gia đình không túng thiếu, nhưng luôn bảo thủ với suy nghĩ “con tôi ở nhà ngoan lắm”, nên khi thấy công an đến nhà triệu tập con cháu do vi phạm pháp luật, thì cả gia đình mới bất ngờ. “Khi ông nội và bố đẻ của đối tượng trách mắng, đối tượng lập tức quay lại mắng đáp trả, thái độ vùng vằng với người nhà ngay trước mặt cơ quan công an. Bản chất của một đứa trẻ hư, được nuông chiều quá mức đã hiện nguyên hình” - Đại úy Nguyễn Thanh Tú kể lại.

Các vụ án cũng là lời cảnh tỉnh về việc quản lý con em cho các bậc phụ huynh, bao gồm cả bị hại lẫn đối tượng. Bởi các vụ án đều xảy ra vào nửa đêm hoặc rạng sáng. Cả bị hại và đối tượng gây án đều là thanh thiếu niên. Điều này cho thấy các gia đình chưa quản lý nghiêm con em mình về giờ giấc, các cháu vẫn đi chơi đêm nên dẫn đến bị cướp như vậy. Để phòng ngừa những vụ cướp do thanh thiếu niên gây ra, yếu tố hàng đầu là các gia đình cần giám sát chặt chẽ con em, nhất là việc giao xe cho người dưới 18 tuổi. Ngay cả việc thường xuyên tháo biển kiểm soát cũng là một trong những dấu hiệu con em mình tham gia vào những việc làm khuất tất. “Từ những vụ án do thanh thiếu niên gây ra, chúng tôi cho rằng, cha mẹ dù bận rộn cũng cần phải dành thời gian nhất định cho con mỗi ngày để trao đổi, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, thậm chí là quan tâm đến các mối quan hệ của con. Con chơi với ai? Bạn của con là người như thế nào? Từ đó kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực và ngăn cản những hành vi có thể vi phạm pháp luật” - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng khuyến cáo.

Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay là do thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình. Nhiều bậc cha mẹ không dành thời gian cho con, hoặc bố mẹ ly hôn, con trẻ thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm. Qua sự việc trên, CATP Hà Nội cảnh báo, để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, gia đình, nhà trường cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, quan tâm đến tâm sinh lý, hành vi, hành động của trẻ để phát hiện những bất thường, từ đó kịp thời ngăn chặn khi suy nghĩ phạm tội mới manh nha.

Để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, gia đình, nhà trường cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, quan tâm đến tâm sinh lý, hành vi, hành động của trẻ để phát hiện những bất thường, từ đó kịp thời ngăn chặn khi suy nghĩ phạm tội mới manh nha.

Chu Hương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-dua-tre-hu-lo-nguyen-hinh-hung-than-cuop-dem-post584232.antd