Những đứa trẻ lạc loài trong cuộc sống thị thành

Con tôi cô độc theo đúng kiểu những đứa trẻ thị thành. Nhiều lần nhìn hai đứa cháu đùa giỡn thân thiết với ba mẹ tôi tức là ông bà nội chúng, tôi thương con mình lạc loài! Nó hiếm hoi, ít ỏi có những cơ hội như thế. Tình thương nó giấu trong lòng, sự tôn kính khiến nó phân vân không xác định được đâu là thân thiết, đâu là giới hạn cuối cùng trong cách nó ứng xử, giao tiếp với ông bà. Nhiều khi thấy tụi nhỏ quàng vai, nhảy tót vào lòng ông bà bất cứ khi nào chúng thích dù đã lớn tồng ngồng, con trai tôi tròn mắt ngạc nhiên.

1. Tứ đại đồng đường theo kiểu cũ không phải cứ muốn là được. Bởi đơn giản và dễ hiểu nhất là, khi người già còn sống, đứa chắt phải được sinh ra. Và cái nhóm người bốn thế hệ với đủ các lứa tuổi trải dài như thế, ở chung trong một nóc nhà không hề là điều đơn giản, dễ thu xếp. Người trẻ có muốn sống chung như thế hay không? Người già đã chuẩn bị được một ngôi nhà dung chứa, ôm ấp đủ từng ấy người hay không? Quá nhiều điều kiện đưa ra để một nhóm người nào đó được sống trong mô hình tứ đại đồng đường. Vì khó nên hiếm, vì hiếm nên quý. Ba tôi nói, nhưng yêu thương nhau và sống hòa thuận với nhau mới là điều quý hơn. Tam tứ ngũ lục không quan trọng. Quan trọng là sống chung mà vẫn hạnh phúc. Điều ấy, quan trọng nhất cho bất cứ đứa trẻ nào!

Tôi hỏi mẹ mình hồi nhỏ ông cố thế nào. Mẹ nói ông cố về già hay đau mình, ban đêm khi nghe ông kêu “đứa nào mạnh tay tới bóp chân cho ông coi bây” thì một đám trẻ gần chục đứa sẽ chui hết xuống ván trốn. Ông cố tôi, tức là ông nội của mẹ sẽ chầm chậm trở cán gậy, khó khăn ngồi xuống cạnh bộ ván. Ngày xưa xài đèn dầu, nghe tiếng thì biết đám cháu trốn dưới đó chứ ông đâu có thấy đường, thấy mặt mũi đứa nào. Ông quơ quơ trong ấy, thế nào cũng móc được một đứa ra bóp chân bằng cái đầu gậy có cái móc tròn. Lũ còn lại, cười inh ỏi vì được thoát. Bao nhiêu trò chơi lại tiếp tục rộn nhà…

Tôi may mắn được sống với nội của mình, tôi cũng có bao nhiêu là kỷ niệm với ông. Bây giờ ba mẹ tôi đang sống cùng cháu nội, họ cũng đang cùng nhau ươm trồng bao nhiêu là kỷ niệm cho hai đứa đó. Tôi tin rằng kỷ niệm ấy sẽ nuôi chúng lớn lên, là chất men để chúng có nhiều hơn nữa tình cảm gắn kết gia đình, đại gia đình sau này.

Nhưng con tôi thì có vẻ thiệt thòi! Bởi vì tôi là một người nhập cư theo cách thông thường nhất của Sài Gòn. Học đại học rồi lấy nhau, tạo một tổ ấm nhỏ chỉ hai thế hệ. Tôi nghĩ đó là mô hình gia đình căn bản của thành phố bây giờ. Ông bà quê quán dù xa dù gần, nhưng ở riêng vẫn là ở riêng. Con tôi cô độc theo đúng kiểu những đứa trẻ thị thành. Nhiều lần nhìn hai đứa cháu đùa giỡn thân thiết với ba mẹ tôi tức là ông bà nội chúng, tôi thương con mình lạc loài! Nó hiếm hoi, ít ỏi có những cơ hội như thế. Tình thương nó giấu trong lòng, sự tôn kính khiến nó phân vân không xác định được đâu là thân thiết, đâu là giới hạn cuối cùng trong cách nó ứng xử, giao tiếp với ông bà. Nhiều khi thấy tụi nhỏ quàng vai, nhảy tót vào lòng ông bà bất cứ khi nào chúng thích dù đã lớn tồng ngồng, con trai tôi tròn mắt ngạc nhiên.

Vài anh chị họ thân thiết rủ tôi sau này về quê sống sau khi con trai cưới vợ. Khuyên tôi giao nhà cửa lại cho tụi nhỏ ở Sài Gòn rồi về quê an hưởng không khí trong lành. Tôi không cần suy nghĩ một giây, trả lời ngay là không. Ai hiện đại văn minh, ai tự do độc lập mà thấy vui vì họ là họ. Tôi vẫn luôn cho rằng, được ở cùng ông bà, là một phước báu lớn lao, là một số vốn kếch sù khiến mình khi ra đời, mặc định giàu có hơn người ở khía cạnh tinh thần ấy. Có kẹt xe, chen chúc, ồn ào chật chội cỡ nào, tôi cũng sẽ ở cùng con cháu mình đến chết. Vì điều kiện công việc của ba mẹ, con trai tôi không có cái phước ở cùng cái pho kiến thức đồ sộ của ông bà. Tôi không muốn sau này cháu mình cũng vậy, không thể để cho cháu khuyết một tuổi thơ thú vị như thế!

Minh họa LEFTSTUDIO

Minh họa LEFTSTUDIO

2. Khi nhắc về ông bà mình, anh em chúng tôi có thể ngồi với nhau cả ngày mà không hết chuyện. Mỗi đứa một kỷ niệm, mỗi đứa một hồi ức. Khác màu, khác mùi, khác món đồ chơi mà ông làm cho, khác số roi bị đánh vào mông nhưng nhất định chúng tôi luôn có chung một bầu khí quyển yêu thương khi được ở cùng họ. Group chat alo lẫn messenger của chúng tôi có tên là “Nhà ông chín bà chín”, dù ông chín bà chín đã mất từ rất lâu trong trí nhớ của những người quanh vùng, dù ông chín bà chín không biết điện thoại thông minh là gì.

Họ càng không thể biết được một ngày nọ, đám cháu con của mình chát chít nhăng nhít với nhau trong một nhóm mà mình đứng tên. Lời dạy của ông bà tôi vẫn còn vang vọng đó, cháu nội hay cháu ngoại không quan trọng, là cháu chung của ông bà là phải thương nhau, lo cho nhau bất kể lớn nhỏ, gần xa. Tôi vô cùng yêu cái group ấy, ảnh đại diện là một cánh đồng quê, sau tiếng ting ting sẽ là một ai đó chọc ghẹo, một việc gì đó để chia sẻ, để chúc mừng, để bàn bạc…

Ba tôi, bây giờ đã bắt đầu cảm thấy vui vì điều đó. Ông gọi ấy là ngũ đại đồng đường! Bằng kiểu này hay kiểu khác, những con người có mối dây máu mủ sẽ tự biết ràng rịt với nhau mà sống, sống lớn mạnh, sống vui vẻ. Công nghệ phát triển đến đâu, mình nương theo mà sống theo đến đó, miễn sao mình vui, mình làm được nhiều điều tốt. Bạn hẳn cũng thừa nhận rằng, làm sao đếm được có bao nhiêu cái group gia đình như thế trên cõi mạng này. Đâu có ảo chút nào, máu mủ ruột rà thật ở ngoài đời và họ chọn cách để kề cận nhau. Không phụ thuộc vào điều kiện nhà cửa, địa lý như hồi xưa nữa, internet đã cho nhiều đại gia đình một ngôi nhà chung, đồ sộ, đẹp đẽ. Chỉ cần họ còn nhớ nhau, còn thương mến nhau, còn muốn gắn kết, phần còn lại… chỉ cần trả phí wifi đầy đủ là xong.

Con trai tôi, sau một thời gian ở trong group, thấy cô chú anh chị ông bà mình nói chuyện vui vẻ với nhau, nó có vẻ thích thú và mong được về quê nhiều hơn để gặp được người này người kia, những người mà nó luôn thả tim cho những bông đùa của họ. Tôi mừng vô cùng.

Sáng nay, anh tôi gửi vào nhóm chat một bài báo về chú voi cô độc nhất hành tinh. Chú voi tên là Kaavan, đã sống 35 năm trong một vườn thú tồi tàn ở Pakistan. Bi kịch hơn nữa, cách đây 8 năm, bạn đời của chú đã qua đời vì chính điều kiện sống tồi tệ ấy. Tám năm qua, sức khỏe của chú dần trở nên suy kiệt vì thừa cân nhưng suy dinh dưỡng. Về mặt tâm lý, chú cũng tuột dốc với những biểu hiện của sự chán nản đến tột cùng. Tin vui là cuối cùng chú đã đủ điều kiện về sức khỏe và các thủ tục khác để được đưa đến nơi ở mới là một khu bảo tồn động vật ở Campuchia. Tại đây chú sẽ được chăm sóc thể chất và trị liệu tâm lý trong vài năm. Chính xác, sẽ mất vài năm để điều trị tâm lý cho một chú voi cô đơn!

Anh tôi giỡn, thằng Tèo hôm rồi ở Mỹ về bị cách ly có 14 ngày mà rên quá xá, mày phải kêu Kaavan bằng sư phụ đó nghen! Tôi trả lời mà không suy nghĩ: Hên quá, tụi mình còn được sống chung trong bầy đàn!

Trương Gia Hòa

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-dua-tre-lac-loai-trong-cuoc-song-thi-thanh-27568.html