'Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp': Có cuộc sống sau cái chết không?
Tiến sĩ, bác sĩ y khoa Ian Stevenson đã dành hơn 40 năm để nghiên cứu và xác minh gần 3.000 trường hợp trẻ em có ký ức về những trải nghiệm ở kiếp trước. Đây là công trình nghiên cứu nổi tiếng của ông về hiện tượng luân hồi.
Thế giới trong mơ của người đang mơ
Trước hết, tôi cần nhắc rằng gần như mọi tôn giáo trên thế giới đã đưa vào giáo lý hoặc lời dạy của họ ý tưởng về sự sống sau cái chết. Đối với một người phương Tây có học thức trung bình, những ý tưởng này thường ít hấp dẫn. Hoặc là chúng mơ hồ, như khái niệm về “hạnh phúc vĩnh cửu”, hoặc là chúng không khác gì ước muốn rằng những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống hiện tại sẽ tiếp diễn, cải thiện và nhân lên.
Khi một người phương Tây có học thức nói rằng một cuộc sống sau cái chết dường như là điều không tưởng đối với anh ta, thường thì người đó đang tỏ ra thất vọng trước những kiểu khái niệm mà tôi vừa nhắc đến, đồng thời cũng thể hiện niềm tin rằng không thể có sự sống ngoài cơ thể vật lý quen thuộc của chúng ta. Tuy nhiên, một số nhà triết học và tâm lý học phương Tây đã đề xuất các đặc điểm cụ thể của cuộc sống sau cái chết mà không cần đến cơ thể vật lý. Những đề xuất này được suy luận từ kiến thức lâu đời chứ không phải là sản phẩm của khoa học viễn tưởng.
Chúng tôi có một số thông tin làm cơ sở cho những phỏng đoán của mình. Ngay từ đầu, một vài chủ thể nhớ về tiền kiếp với các chi tiết xác thực cũng đã nói rằng họ nhớ các sự kiện xảy ra trong một cõi gồm những linh hồn lìa trần, và họ cũng là linh hồn lìa trần tại thời điểm đó. Đối với những thông tin mà họ cung cấp, chúng tôi có thể bổ sung thêm thông tin từ một số người có giấc mơ sáng suốt (người mơ ý thức được mình đang mơ) và một số người đã tiến gần đến cái chết nhưng sau đó hồi phục hoặc thoát chết. Tôi nghĩ chúng tôi cũng có thể sử dụng phần kiến thức (ít ỏi) của mình về các hoàn cảnh và tiến trình thần giao cách cảm để đưa ra các phỏng đoán. Sau đây là một số ý tưởng về sự sống sau cái chết có thể diễn ra như thế nào.
Không có các giác quan của một cơ thể vật lý, nhận thức sau khi chết chắc chắn sẽ khác với những điều chúng ta đã quen thuộc khi còn sống, nhưng những nhận thức đó không nhất thiết phải dừng lại. Những người suýt chết và sau đó hồi phục cho biết đã có những nhận thức – một số không quá khác biệt so với nhận thức bình thường – ngay cả khi cơ thể vật lý trông như bất tỉnh và đôi khi được cho là thật sự đã chết, dù thực tế không phải vậy. Các trải nghiệm giác quan của họ – những thứ dường như có được từ một vị trí trong không gian khác với không gian của cơ thể vật lý – không diễn ra theo quy trình của các giác quan bình thường.
Các ý nghĩ sau khi chết có thể bao gồm nhiều hình ảnh hơn so với các ý nghĩ của thế giới quen thuộc khi còn sống, bởi vì chúng ít được tô điểm (và cản trở) bằng ngôn từ. Với đặc điểm này, suy nghĩ sau khi chết có thể giống với suy nghĩ của trẻ nhỏ và suy nghĩ của người đang mơ. Thế giới của trạng thái sau khi chết sẽ là một thế giới “hình ảnh” – nói theo ngôn ngữ của triết gia người Anh H. H. Price – nhưng nó không phải là thế giới tưởng tượng hay ít thực hơn so với thế giới trong mơ của người đang mơ.
Tại sao mọi người đều sợ chết?
Trong thế giới sau khi chết, cũng như trong giấc mơ, ký ức về một số sự kiện quá khứ có thể dễ tiếp cận hơn so với khi ở trạng thái bình thường. Những ký ức có thể đi vào nhận thức sau khi chết không nhất thiết chỉ là những ký ức mà một người lưu luyến. Có thể xảy ra một cuộc phán xét hay đánh giá lại cuộc đời và hành vi đạo đức của một người trong kiếp sống đó, và tôi đã nhắc đến quan điểm cho rằng nỗi khiếp sợ trong tiềm thức về cuộc phán xét này có thể giải thích cho việc hầu hết mọi người đều sợ chết.
Triết gia Socrates, thầy của Plato, cũng nghĩ về những phán xét và số phận trong một cuộc sống sau khi chết khi nói rằng người tốt không cần phải sợ chết. Tuy nhiên, hiện tại, từ trường hợp của những đứa trẻ nhớ về tiền kiếp, chúng ta gần như không có bằng chứng nào về một cuộc phán xét như vậy; chỉ một vài chủ thể nhắc đến điều gì đó tương tự. Đôi khi, cuộc phán xét đó, thường được gọi là “ký ức toàn cảnh”, vẫn xảy ra với những người (phương Tây) suýt chết và hồi phục sau một trận ốm hoặc thoát khỏi một tình huống nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Trong 417 trường hợp mà tôi và đồng nghiệp đã nghiên cứu, 54 (13%) người đã trải qua một cuộc phán xét như vậy về các sự kiện đã qua. Vì một số người này (dù không phải tất cả) được cho là đã chết hoặc gần như đã chết trước khi hồi phục, chúng tôi có thể phỏng đoán – nhưng không khẳng định chắc chắn – rằng những người thật sự chết cũng rà soát lại các sự kiện của cuộc đời vừa kết thúc. Nếu đúng như vậy, sau đó, họ có thể quên đi các chi tiết của cuộc phán xét đó.
Cho nên, thế giới sau khi chết mà tôi hình dung sẽ chứa đựng nhiều nội dung bắt nguồn từ những ý nghĩ trước khi chết của người đang sống trong đó. Nó sẽ phản ánh cả nền văn hóa nơi anh ta đã sống lẫn những trải nghiệm và hành vi cá nhân mà người đó đã có. Thế giới ấy sẽ vui vẻ hay đau đớn tùy vào lối sống của người đó trước khi chết.