Những đứa trẻ Trung Quốc bị cha mẹ 'bỏ rơi', phụ thuộc smartphone
Học xa nhà và không có bố mẹ bên cạnh, hàng triệu trẻ em Trung Quốc suốt ngày dán mắt vào smartphone. Chúng xem đây là cách thức duy nhất để kết nối với thế giới bên ngoài.
Năm 2020, khi bị bắt quả tang dùng điện thoại trong trường học, Li Xiaofeng (13 tuổi) đã bị nhà trường tịch thu phương thức duy nhất để cậu kết nối với thế giới bên ngoài. Lúc đó, cậu bé đang học tại một trường nội trú ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Biết tin, bố mẹ của cậu bé là công nhân đi làm xa tận Bắc Kinh (cách Hà Nam hơn 1.000 km) tỏ ra rất bình thản. “Mẹ cháu chỉ cằn nhằn một chút rồi thôi”, Li Xiaofeng nói.
Sau đó, bố mẹ đã mua cho cậu bé một chiếc đồng hồ thông minh mới để giữ kết nối với con trai. Nhưng với Li như vậy vẫn chưa đủ. Vì để dành tiền mua điện thoại mới, cậu học sinh ăn bánh bao và bánh mì trắng suốt hai tháng trời dù tiền sinh hoạt hàng tháng là 1.000 tệ (140 USD).
“Cháu không thể sống thiếu điện thoại. Cháu cần nó để chơi game, video trong lúc giết thời gian. Học hành chẳng quan trọng với cháu. Cháu không biết mình có thể làm được gì nếu không có điện thoại”, Li nói với Sixth Tone.
Những đứa trẻ không thể sống thiếu điện thoại
Li Xiaofeng chỉ là một trong 6 triệu đứa trẻ bị bố mẹ “bỏ rơi” ở vùng quê hẻo lánh để lên thành phố lập nghiệp. Câu chuyện của chúng cho thấy công nghệ đang ngày càng đi sâu vào đời sống mỗi người, định hình tương lai của họ.
Năm 2018, chính quyền đã ban hành lệnh cấm học sinh tiểu học và cấp 2 sử dụng thiết bị điện tử trong trường học để giải quyết vấn nạn nghiện smartphone. Năm 2021, Trung Quốc còn giới hạn thời gian trẻ em chơi game online xuống chỉ còn một giờ. Một năm sau, một báo cáo chỉ ra lượng game thủ là trẻ em đã giảm 40 triệu người so với năm ngoái.
Song, một nghiên cứu gần nhất của Đại học Vũ Hán đã cho thấy vấn nạn này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Khảo sát hơn 13.000 đứa trẻ bị bố mẹ để lại vùng quê ở 9 quận ở Hà Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, các nhà nghiên cứu nhận ra câu chuyện của Li Xiaofeng cũng là câu chuyện của hàng nghìn đứa trẻ khác.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra hơn 40% học sinh sở hữu điện thoại riêng, hơn 50% đang sử dụng điện thoại của ông bà. Bên cạnh đó, 21,3% bố mẹ cho biết con họ bị nghiện điện thoại nên rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chúng.
Theo nghiên cứu, việc các lớp học chuyển sang hình thức online do đại dịch Covid-19 chính là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng này.
Nói với nhà nghiên cứu Yi Zhuo của Đại học Vũ Hán, một giáo viên cho biết 40% học sinh có kết quả học tập tệ đều bị nghiện game. “Điểm số và chứng nghiện điện thoại có mối liên quan quá rõ ràng và mật thiết”, giáo viên nói.
Ảnh hưởng của smartphone lên điện thoại không chỉ dừng lại ở vùng trung tâm Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu xã hội học ở Đại học New York Thượng Hải cũng thực hiện một khảo sát tương tự ở khu vực phía Bắc Trung Quốc và nhận thấy xu hướng tương tự. Họ cũng chỉ ra smartphone ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ em.
Trong một trường cấp 2 nọ, 30% trẻ em có thị lực kém, trong khi ở một trường khác, lại có đến 2/3 trẻ bị cận thị phải mang kính. Bên cạnh đó, các giáo viên còn chứng kiến các em mất tập trung trong giờ học vì chỉ mong đến cuối tuần để chơi điện thoại.
Tìm đến smartphone để giải thoát sau giờ học
Theo Sixth Tone, sau một tuần dài dành thời gian ở trường nội trú, Li Xiaofeng tìm đến sự giải thoát thông qua video Douyin, TikTok và trò chơi điện tử. Do đó, smartphone trở thành sợi dây duy nhất kết nối Li với thế giới bên ngoài.
Nhưng điều này không hề dễ dàng. “Ký túc xá cắt điện lúc 23h và đó cũng là giờ cháu bắt đầu chơi game. Cháu lén mang điện thoại đến trường dù bị cấm nên chỉ dám chơi vào lúc mọi người đã ngủ”, cậu bé kể lại.
Sống trong một khu ký túc xá rộng lớn cùng với 80 sinh khác, Li nói rằng khoảng thời gian vui vẻ nhất là lúc chơi game và lướt video. Cậu bé thường thức đến 2-3h sáng, chợp mắt một lát rồi lại dậy lúc 6h để chuẩn bị đi học. Vì thế, cậu bé hầu như ngủ gật trong suốt buổi học.
Trong khi bạn bè xung quanh dành cuối tuần để xem lại bài học và chuẩn bị cho tiết tới, Li lại sa đà vào chơi game Vương giả vinh diệu hoặc thỉnh thoảng chuyển sang xem video ngắn để nâng cấp kỹ năng chơi.
Bố mẹ của Li chuyển đến Bắc Kinh từ nhiều năm trước để có thu nhập tốt hơn và cho con chơi điện thoại từ lúc lên 10. “Bố cháu mua TV và được tặng điện thoại nên đưa cho cháu”, Li nhớ lại.
Lúc cả nhà sống cùng nhau ở Bắc Kinh, Li dành hầu hết thời gian cho các thiết bị điện tử. “Cháu thường chơi game với bạn bè. Ở nhà, dù có mọi người xung quanh, cháu vẫn im lặng vì bận chơi điện thoại”, cậu bé nói.
Hậu quả là cậu bé nhiều lần bị phát hiện dùng điện thoại khi đang học trường nội trú ở Hà Nam đến mức bị đuổi học.
Nghĩ rằng con minh cần thay đổi, gia đình Li đã cho cậu học một trường tư thục nhưng kết quả lại quá tệ nên không được chấp nhận. Cuối cùng, Li đã bỏ học cấp 2 từ năm 2021 và phải lựa chọn theo học nghề hoặc ra đời đi làm.
Ở Thượng Hải, Fan Yan (40 tuổi) lại có một câu chuyện khác. Cô làm nghề bảo mẫu chăm sóc trẻ hoặc người lớn tuổi và có chồng là tài xế xe tải. 3 đứa con của họ cũng bị “bỏ lại” ở một huyện nhỏ thuộc tỉnh Giang Tô.
Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, Fan dùng 1.000 nhân dân tệ để mua điện thoại cho con trai lớn lúc đó mới học lớp 8 phục vụ việc học. Tuy nhiên, trái với mong muốn của cô, kết quả học tập của cậu con trai giảm từ hạng 300-400 xuống đến 800.
“Vợ chồng tôi học thức không cao, không thể dạy con nên gửi nó đến trường tư tốt nhất. Nhưng sau khi có điện thoại, chúng dùng mọi lúc mọi nơi. Lần nào tôi kiểm tra cũng thấy nó đang chơi game”, Fan Yan nói.
Cuối cùng, đứa con lớn của họ trượt kỳ thi chuyển cấp. Đứa con thứ hai mới 13 cũng vừa được mua điện thoại hồi năm ngoái để học online. “Nhưng hôm sau, tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm và đăng nhập vào Douyin thì phát hiện thằng bé đang online”, người mẹ kể lại.
Bà nhớ lúc đó đã 1h sáng và bà hỏi tại sao cậu lại thức khuya. Thằng bé nói rằng cậu đói và muốn tìm đồ ăn bỏ bụng. “Tôi biết thừa nó đang nói dối. Nó chắc chắn đang chơi game”, Fan Yang nói.
Nhưng chính bà cũng không kiểm soát được thời gian sử dụng smartphone của mình nên bà chẳng thể dạy con về việc này. “Tôi cũng không thể ngừng sử dụng điện thoại cả ngày. Ngay cả khi đang trông trẻ tôi vẫn xem Douyin”, cô nói.