Những em nhỏ 'vượt nắng, thắng mưa' mưu sinh ở Sa Pa

Mỗi ngày có hàng chục trẻ nhỏ ở vùng nông thôn kéo về TX. Sa Pa, lang thang khắp nơi để kiếm tiền. Các em 'vượt nắng, thắng mưa' miễn sao có thu nhập. Bố mẹ các em thì đồng tình bởi đó là 'vỏ bọc' để 'hành nghề'.

Những em nhỏ dắt díu nhau, lang thang theo du khách bán hàng ở trung tâm thị xã Sa Pa.

Những em nhỏ dắt díu nhau, lang thang theo du khách bán hàng ở trung tâm thị xã Sa Pa.

Không đi thì đói...

Trung tâm thị xã Sa Pa ngày lễ nhộn nhịp người xe trên các tuyến đường. Hòa vào dòng người đó là những đứa trẻ lấm lem, tay cầm các loại quà lưu niệm “lẽo đẽo” bám theo mỗi đoàn khách qua lại.

Ở một góc đường, chị Lù Thị Máy (SN 1995, bản Lao Chải, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa) ngồi cùng 2 đứa nhỏ. Chỉ vào bọn trẻ, chị bảo: “Đứa con gái nhỏ 3 tuổi, còn anh nó 5 tuổi. Hai anh em dắt nhau đi bán hàng. Mình còn một đứa lớn 9 tuổi, cõng theo đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi cũng đang đi bán hàng rồi”.

Rồi chị kể, nhà làm ruộng vất vả không đủ ăn, chồng lại đi tù. Cực chẳng đã nên mới “dắt díu” con lên thị xã kiếm sống. Chị Máy dạy con nói vài câu thông thường để chào mời khách mua hàng. Được đồng nào về đưa hết cho mẹ.

Cứ thế, bọn trẻ “bán mặt” ngoài đường từ sáng tới khuya. Đêm xuống, không còn người qua lại mới về căn nhà trọ ở sau phía chợ cũ để ngủ. “Bên chợ kia họ có cho đăng ký chỗ ngồi bán hàng, nhưng phải trên 40 tuổi mới được. Mình chưa đủ tuổi nên không có chỗ bán. Đi thế này mỗi ngày chỉ được khoảng 100 nghìn. Chủ trọ thu mỗi người 10 nghìn/1 tối, nên bán hàng cũng chỉ đủ ăn thôi”, chị Máy tâm sự.

Ở một góc khác, cô bé Lù Thị Dung (6 tuổi) đang mời khách mua mấy chiếc móc chìa khóa bằng thổ cẩm. Em tâm sự: “Con học Trường Lao Chải, xã Hoàng Liên. Ngày nghỉ con muốn ở nhà chơi nhưng mẹ bảo đi bán hàng kiếm tiền. Không đi thì chẳng có cơm ăn và không có tiền mua sách vở”.

Hơn 23 giờ, bên bờ hồ trung tâm vẫn có những đứa bé lang thang quanh hàng ăn đêm để chào mời khách. Vẫn liên tục vẳng ra những câu chào mời quen thuộc: “Cô mua cho cháu một cái. Cô không mua thì cho cháu xin mười nghìn…”. Đáng chú ý hơn cả là mấy em trai người Mông đang đon đả mời khách. Em lớn tên Vàng A Thông (10 tuổi) địu trên vai một bé hơn 1 tháng tuổi. Còn Vàng A Trứ (6 tuổi) học ở Trường Tiểu học Lao Chải cũng lẽo đẽo theo anh.

Người phụ nữ tên Thào Thị Tùng (SN 1993) ở thôn Ý Linh Hồ, xã Hoàng Liên nhận mình là mẹ của Thông và Trứ. Chị giãi bày: “Thông và Trứ đi học được cô giáo khen giỏi. Nhưng nhà làm ruộng không đủ ăn. Trước tôi vẫn đi làm thuê, giờ con bé quá chưa đi được nên phải đưa lên đây bán hàng. Ở xã cho đăng ký vào chợ bán, tôi làm thủ tục 2 năm nay mà chưa thấy họ bảo gì”.

“Ái ngại” trước những hình ảnh ấy, anh chị Hải – Thơm (2 du khách đến từ Hà Nội) rút trong túi ra, đưa cho một bé ít tiền lẻ. “Các cháu mời tôi mua hàng, nhưng tôi không có nhu cầu dùng những thứ đó. Thấy đứa trẻ nhem nhuốc, lại địu thêm 1 em nhỏ nữa, thương quá nên cho các cháu mấy đồng”, anh Hải nói.

Còn theo chị Liên (tên nhân vật đã được thay đổi), đã có 5 năm bán bò bía ở khu vực Sân Quần: Cứ cuối tuần lại thấy mấy phụ nữ từ xã Hoàng Liên đưa con lên khu vực này bán hàng. “Họ thu nhập cao lắm, mỗi ngày tầm 500 nghìn đến một triệu rưỡi. Vì thế, bảo vào chợ bán hàng là họ không vào đâu”, chị Liên nói.

Một bé trai đang ôm em nhỏ ngủ gật gù trên tay lúc 23 giờ trên đường Cầu Mây, thị xã Sa Pa.

Chim non “gánh” mẹ...

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, dọc các tuyến phố trung tâm của phường Sa Pa, có đặt rất nhiều biển đỏ, ghi nhiều nội dung: “Cấm bán hàng rong – Hát dạo”, “Cấm chèo kéo - đeo bám và ăn xin”… Xe của Đội kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa cũng thường xuyên đi lại, phát loa. Lần nào cũng là những âm thanh nghe đã quá quen thuộc: “Đề nghị quý khách không mua hàng hoặc cho tiền những trẻ em bán hàng rong, để cứu lấy cuộc đời các em…”.

Thông tin từ một cán bộ kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa cho hay: Họ làm việc từ sáng đến nửa đêm. Trong đó, gặp nhiều phụ nữ khi bị nhắc nhở đã sẵn sàng cãi nhau tay đôi và thậm chí quát mắng ngược lại. “Tôi vận động nhiều năm, thậm chí có trường hợp phải giữ lại. Theo lời khai của họ, chúng tôi mời chính quyền xã nơi họ cư trú để lên làm việc. Nhưng rồi cũng được vài hôm, song đâu lại vào đó”, cán bộ này cho hay.

Còn theo bà Hoàng Thị Vượng – Trưởng phòng Văn hóa thông tin thị xã: Trong năm 2017, có khoảng 500 phụ nữ địu con đi bán hàng rong. Phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế… Bởi vậy, tình trạng này đã được cải thiện.

“Từ cuối năm 2019 đến nay chỉ còn khoảng 20 người. Nhưng họ hoạt động “tinh vi” hơn là không bán hàng nữa. Họ cho những đứa trẻ đi thay. Các cháu còn ngây thơ, dễ lấy được tình thương và lòng trắc ẩn của du khách. Vì thế mà họ sẵn sàng đẩy các em ra đường. Thậm chí, thị xã đã vận động vào khu chợ, sắp xếp chỗ ngồi bán hàng không thu phí nhưng vẫn không vào”, bà Vượng cho hay.

Được biết, chợ trưng bày và bán sản phẩm đặc sản Sa Pa thường thu hút nhiều trẻ về bán hàng nhất. Khu vực này thuộc quyền quản lý của Trung tâm tư vấn và xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai, đặt trên địa bàn thị xã Sa Pa.

Ông Phạm Tất Thành, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Từ khi nhận lại khu chợ này là tháng 9/2021 đến nay, với những ô đã có sẵn chúng tôi vẫn để bà con bán hàng hoàn toàn không thu phí. Vì chỗ ngồi có hạn nên mỗi đợt lễ hội, chúng tôi sẵn sàng kết hợp xếp thêm ô bán hàng cho bà con. Nhưng kế hoạch bổ sung các hộ vào chợ bán hàng lâu dài thì tôi chưa thấy”.

Phúc Điền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhung-em-nho-vuot-nang-thang-mua-muu-sinh-o-sa-pa-e16ZB1r7R.html