Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế qua 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng
Qua 30 năm tái lập (4-1992 - 4-2022), tỉnh Sóc Trăng có một bước tiến dài trên mọi mặt. Đây cũng là chặng đường mà tỉnh Sóc Trăng đồng hành cùng công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước, hòa mình vào dòng chảy chung của dân tộc. Qua đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trên địa bàn toàn tỉnh đã nỗ lực, khẳng định những bước đi vững chắc để tạo nên thế và lực mới, quyết tâm xây dựng tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, với dấu mốc đặc biệt quan trọng khi ngày 26-12-1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII ra quyết định phân lại địa giới một số tỉnh; tỉnh Hậu Giang (cũ) được chia thành 2 tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng. Sau đó, tỉnh Sóc Trăng chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 4-1992, gồm 7 đơn vị hành chính (6 huyện và 1 thị xã), với diện tích 3.138,67km2, dân số 1.067.167 người. Lúc bấy giờ, tỉnh Sóc Trăng có xuất phát điểm của nền kinh tế rất thấp, nông nghiệp chủ yếu là độc canh cây lúa. Cơ sở vật chất còn thấp kém, đặc biệt là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nguồn thu ngân sách của tỉnh rất thấp, không đủ chi…
Song, với tinh thần đoàn kết thống nhất, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực phấn đấu với khát vọng vươn xa, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã làm nên bao cuộc chuyển mình, đạt được những thành tựu đáng phấn khởi trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa Sóc Trăng phát triển. Cô Loan - cán bộ hưu trí ở TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) chia sẻ: “So với 30 năm về trước, mọi thứ đều thay đổi bởi nhà cửa, phố xá đã được quy hoạch, xây dựng lại, cảnh quan môi trường, đời sống nhân dân cũng được cải thiện. Trong ký ức của nhiều người, TP. Sóc Trăng khi ấy là một thị xã nhỏ, nhà cửa, quán xá lèo tèo, đường đi nhỏ hẹp. Tuy nhiên, qua mấy lần nâng cấp, quy hoạch lại, đến nay thành phố đã được mở rộng về quy mô, tầm vóc; rồi ngành nghề, dịch vụ phát triển; trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa, thể thao, công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, đưa thành phố phát triển và rất đáng tự hào đối với người dân TP. Sóc Trăng nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Mới đây, TP. Sóc Trăng được công nhận là đô thị loại II - xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả tỉnh nhà...”.
Không riêng gì TP. Sóc Trăng, đối với các huyện, thị xã khác trên địa bàn toàn tỉnh, sự khởi sắc cũng diễn ra khá nhanh chóng. Điển hình trong đó là huyện Trần Đề, dù là địa phương “sinh sau, đẻ muộn” của tỉnh nhưng đã vươn lên trở thành một huyện phát triển khá ở Sóc Trăng. Đồng chí Lưu Hữu Danh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề phấn khởi cho biết: “Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến huyện, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện nhà đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt kết quả khá toàn diện. Nổi bật là sản lượng lúa; nuôi thủy sản tiếp tục được thắng lợi; lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá có bước phát triển… Qua đó, đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp, thủy sản đạt trên 236,6 triệu đồng. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đúng đối tượng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định”.
Trong 30 năm qua, ngoài TP. Sóc Trăng và huyện Trần Đề có bước phát triển thì các địa phương còn lại của tỉnh gồm: Châu Thành, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, TX. Ngã Năm và TX. Vĩnh Châu cũng có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Sự phát triển của các địa phương trong tỉnh phần nào tái hiện được những “gam màu tươi sáng” trong bức tranh kinh tế qua 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt trong giai đoạn hơn 10 năm trở lại đây (từ tháng 9-2010 đến tháng 3-2022), Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lãnh đạo nhân dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII, XIII và XIV, đồng thời kết hợp với việc triển khai và vận dụng thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Trung ương vào tình hình thực tế của tỉnh, đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Kết quả, về nông nghiệp, hạt gạo ST24 đạt giải “Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017” và gạo ST25 đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”; giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 986 triệu USD, tăng 2,5 lần so với năm 2010; hoạt động công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ có bước chuyển biến tích cực; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.031 USD, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010… Kết cấu hạ tầng của tỉnh được tăng cường đầu tư phát triển như: Tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TP. Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa tỉnh Sóc Trăng; Tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề, Đường tỉnh 933B… Đặc biệt, công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được đưa vào sử dụng, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thông tin nhanh về tình hình kinh tế của tỉnh tại buổi họp mặt doanh nghiệp đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế đạt 1,18% (đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 12%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1 tỉ 289 triệu USD (tăng 16%)... Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; nhiều công trình, dự án lớn có tác động lan tỏa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được khởi động. Đặc biệt là các tuyến cao tốc hình thành trục dọc kết nối từ Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau; trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án đường bộ ven biển, Cảng biển nước sâu, cầu Đại Ngãi... đây là những thông tin có thể dẫn dắt làn sóng đầu tư mới vào tỉnh; đồng thời mở ra những kỳ vọng phát triển trong thời gian tới đối với tỉnh Sóc Trăng.
Trong 3 thập niên trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn, thách thức, cũng như khi thuận lợi, dòng chảy xuyên suốt trong tư duy và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng qua các thời kỳ là sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của quê hương. Với ý chí, tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn cao, vươn xa; không tự thỏa mãn với chính mình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng nguyện đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng sớm đưa tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển của cả nước.