Những ghi chép bí mật của phu nhân lãnh tụ V.I.Lênin
Bà Nadezhda Krupskaya, phu nhân của nhà lãnh đạo giai cấp vô sản Vladimir Ilyich Lênin đã cùng chồng trải qua toàn bộ con đường chính trị khó khăn của ông, ghi chép cẩn thận mọi thứ kể cả bệnh tật của chồng lúc cuối đời vào nhật ký…
Trong sổ nhật ký của mình, bà N.Krupskaya gọi chồng là “V.I.”, “Ilyich” và đặt tên cho những ghi chép đó là “6 tháng cuối đời của Vladimir Ilyich”. Bà N.Krupskaya bắt đầu viết vào ngày 9-3-1923, khi Lênin qua khỏi 2 cơn đột quỵ. Cơn đột quỵ thứ 2 gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
Bà N.Krupskaya viết rằng, bệnh tình của Lênin trở nặng ngày 9-3-1923. Ông tỏ ra đau đớn, không thể nói được, tay và chân phải bị liệt. Lênin không thể ở một mình. Người em gái luôn ở bên ông. Các bác sĩ đã túc trực gần như suốt ngày đêm. 2 bác sĩ đã được gọi từ Đức về để chăm sóc sức khỏe cho Lênin.
Vào ngày 31-7-1923, Lênin yêu cầu các bác sĩ không đến gặp mình nữa. Ông không muốn nghe nói về bệnh tật của mình. Cũng chính vì vậy, vào những tháng cuối đời của Người, các bác sĩ chỉ có thể quan sát bệnh nhân từ phòng bên cạnh. Theo bà N.Krupskaya, Lênin đã từ chối khi được hỏi có muốn gặp Bukharin - người vẫn đến thăm ông bà thường xuyên hay một người đồng chí thân thiết với Lênin tại nơi làm việc…
Theo nhà sử học Svetlana Generalova, sau khi được điều trị, sức khỏe của Lênin đã dần tốt lên. Tuy nhiên, ông vẫn bị đau đầu dữ dội và đau dạ dày. Phu nhân N.Krupskaya khi đó là người thân thiết nhất của ông. Bà đã túc trực bên cạnh chồng mọi lúc, luôn hỏi xem ông cảm thấy trong người thế nào, muốn nói điều gì và muốn gì…
Cũng theo bà S.Generalova, các bác sĩ giỏi nhất khi đó đã được giao chữa bệnh cho Lênin. Phương pháp điều trị hoàn toàn phù hợp với thời điểm ấy. Đó là xoa bóp, tiêm dẫn xuất của asen và iốt… Khi ấy, đây được coi là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, dù trên thực tế, nó làm trầm trọng thêm bệnh xơ vữa động mạch của Lênin.
Trong những tháng sau đó, Lênin cùng bà N.Krupskaya dành nhiều thời gian bên nhau. Họ cùng đi dạo hoặc đọc sách. Cảm giác về sự kết thúc sắp xảy ra đến với họ vào ngày 17-1-1924. Bà N.Krupskaya viết rằng, mọi người bắt đầu cảm thấy dường như có điều gì đó sắp xảy ra. “V.I.” trông vô cùng mệt mỏi và kiệt sức. Ông ấy thường nhắm mắt lại, gương mặt không hiểu sao lại trở nên tái nhợt đi. Và quan trọng nhất, nét mặt của ông không hiểu sao đã thay đổi. Nhưng khi được hỏi có thấy đau không, ông trả lời là không. 2 ngày sau, bác sĩ đã chẩn đoán Lênin bị viêm kết mạc. Theo chỉ định của bác sĩ, Lênin được rửa mắt bằng dung dịch acid boric, làm sạch dạ dày và đeo kính đen. Hôm đó là thứ bảy ngày 19-1-1924.
Bà N.Krupskaya viết rằng, Lênin đã từ trần vào thứ hai, ngày 21-1-1924. “V.I.” vẫn thức dậy hai lần vào buổi sáng, nhưng ông lại ngủ ngay lập tức. Ông uống cà phê đen vào lúc 11h và lại ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy lần nữa, ông không còn nói được gì. Lênin đã được cho uống nước súp và cà phê. Ông bình thường trở lại một chút, nhưng ngay sau đó bắt đầu thở khó khè.
Phu nhân N.Krupskaya đã viết rằng lúc đầu bà nắm bàn tay nóng ẩm của ông, sau đó phát hiện chiếc khăn tay dính đầy máu, khuôn mặt ông tái nhợt. Các bác sĩ tiêm long não và cố gắng duy trì hô hấp nhân tạo, nhưng không có kết quả. Họ không thể cứu được Lênin.
Theo nhà thần kinh học Victor Koss, mặc dù Lênin đã được sử dụng dẫn xuất của asen với liều lượng nhỏ, điều này vẫn gây bất lợi cho ông và có thể dẫn đến các cơn đột quỵ lặp đi lặp lại. Theo ông V.Koss, ngày nay, người bị đột quỵ được dùng thuốc để hạn chế tổn thương não, cũng như các thuốc hạ huyết áp và chống đông máu… Nhiều người được cứu sống sau cơn đột quỵ đầu tiên.
Theo Theo Komsomol. Pravda