Những gì đang diễn ra ở 'đế chế' Facebook?
Câu chuyện 'đế chế Facebook' đổi tên đã tạo nên những làn sóng dư luận tới từ nhiều phía, vì rằng Facebook là mạng xã hội lớn nhất, phổ biến bậc nhất toàn cầu.
Trước sự kiện này, có 2 luồng ý kiến chính: Một là, việc Facebook đổi tên thương hiệu cho thấy tham vọng vượt ngoài phạm vi mạng xã hội để tiến vào vũ trụ ảo khi họ tin rằng đó là tương lai của Internet. Hai là, Facebook đổi tên để tránh búa rìu dư luận, kể cả “làm nguội” đi những đối mặt có thể sẽ rất nặng nề trên phương diện pháp lý “vì những gì họ đã gây ra trong suốt thời gian qua”.
Hướng tới “vũ trụ ảo” hay là chiêu “ve sầu thoát xác”?
Nói về việc đổi tên, trong cuộc phỏng vấn với The Verge, Zuckerberg cho biết đã chi ít nhất 10 tỷ USD để xây dựng vũ trụ ảo. Dự án đã chính thức khởi động từ hơn 6 tháng trước. Một nhóm nhỏ nhân viên tham gia phải ký vào thỏa thuận không tiết lộ riêng biệt. “Tôi cho rằng có nhiều bối rối và kỳ cục khi thương hiệu của một công ty cũng là thương hiệu của một trong các ứng dụng mạng xã hội. Vì thế, cần phải thay đổi” - Zuckerberg chia sẻ, mặc dù cho rằng thời điểm đổi tên là không thuận lợi khi mà công ty đang vấp phải vô số chủ trích “nhờ” những tài liệu nội bộ do Frances Haugen - nhân viên cũ, tung ra.
Tuy thế, Zuckerberg vẫn quả quyết việc đổi tên công ty không phải là một chiêu “ve sầu thoát xác” của công ty và của chính bản thân mình trong vị trí CEO.
Metaverse (với khái niệm “thế giới vũ trụ ảo”) không phải ý tưởng mới, nuhưng muốn theo đuổi nó cần phải có sự dũng cảm, tầm nhìn khác biệt cũng như phải tập hợp được những bộ óc đáng nể trong giới công nghệ, đồng thời phải dày vốn vì đòi hỏi đầu tư nhiều, liên tục trong khi không dễ gì thấy ánh sáng cuối đường hầm. Ý tưởng dẫn Zuckerberg tới “thế giới vũ trụ ảo” bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết Snow Crash của thập niên 90, trong đó, mọi người thoát khỏi thế giới thực để đắm chìm trong thế giới ảo.
Tiếp nối sự tưởng tượng ấy, Zuckerberg tin rằng vũ trụ ảo sẽ mở khóa nền kinh tế hàng hóa và dịch vụ ảo hoàn toàn mới. Theo đó, chất lượng của metaverse nằm ở cảm giác hiện diện, giống như chúng ta đang ở cùng một ai đó trong một không gian khác. “Cảm thấy hiện diện thực sự với người khác là giấc mộng cuối cùng của công nghệ cộng đồng”- Zuckerberg viết trên Facebook.
Trở lại với việc “đế chế Facebook” đổi tên Công ty mẹ, nhiều người hoải nghi liệu việc này có giúp cho họ đổi phận?
Thượng Nghị sĩ Richard Blumenthal cho rằng việc đổi tên không có mục đích gì khác ngoài nỗ lực “gây nhiễu” và “đánh lạc hướng”. Tuy nhiên, nỗ lực đó sẽ không thể “xóa bỏ những hành vi quanh co, coi thường quyền riêng tư, phúc lợi của trẻ em, gieo rắc sự căm ghét và diệt chủng”. Tương tự, Thượng nghị sĩ Markey lên tiếng: “Facebook muốn chúng ta gọi nó là Meta, song chúng ta sẽ gọi nó như bản chất của nó, đó là mối đe dọa với quyền riêng tư, nền dân chủ và trẻ em”.
Còn theo Giáo sư Priya Raghubir của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, có 4 lý do chính để một doanh nghiệp thay đổi nhận diện thương hiệu. Đó là: đơn giản hóa, tái cơ cấu, đổi tên sau bê bối hoặc cần “tút tát”, xoay trục kinh doanh. “Trong trường hợp của Facebook, những lý do này đan cài vào nhau”.
Nhẹ nhàng hơn, nhà phân tích Gene Munster cho rằng Facebook muốn đổi tên để xua đi tất cả tiêu cực vây quanh và hướng đến tương lai tích cực. Tuy nhiên, Facebook quá lớn để có thể cải cách và thay đổi. Đổi tên chỉ là động thái phân tán sự chú ý của nhà đầu tư và người dùng khỏi “bão truyền thông tiêu cực” dựa trên tài liệu nội bộ của Facebook bị phát tán.
5 cáo buộc chính nhắm vào Facebook
Trong một nỗ lực được cho là nhằm hạ gục Facebook, Frances Haugen - cựu nhân viên của tập đoàn, cho rằng sẽ phơi bày những “sự thật khủng khiếp” về mạng xã hội lớn nhất thế giới. Haugen được mệnh danh là “người thổi còi” đã đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng sau đây (được đưa ra tại cuộc điều trần trước Tiểu ban Thương mại, Khoa học và Giao thông của Thượng viện Mỹ), kéo dài 3 giờ đồng hồ vào ngày 5/10.
-Thứ nhất: Zuckerberg nắm quyền lực tuyệt đối, khi nắm giữ trên 55% cổ phần có quyền biểu quyết tại Facebook. “Không một công ty lớn tương tự nào lại được kiểm soát đơn phương như vậy” - Haugen nói và nhấn mạnh, “hiện tại không ai bắt Zuckerberg phải chịu trách nhiệm ngoài chính ông ta”.
-Thứ hai: Đặt lợi nhuận lên trên con người. Theo Haugen, “khi họ kiếm được 40 tỉ USD mỗi năm, thì họ có đủ nguồn lực để giải quyết những vấn đề này, nhưng họ đã không làm”.
-Thứ ba: Facebook đã theo dõi cách Trung Quốc, Iran và các quốc gia nước ngoài sử dụng dịch vụ cho hoạt động gián điệp. Điều đó dẫn tới mất an toàn cho người dân Mỹ” - vẫn theo “người thổi còi” Haugen.
-Thứ tư: Facebook đã thay đổi các mặc định an toàn vào khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và sau đó họ đã cài đặt trở lại sau vụ bạo loạn ngày 6/1 vào Điện Capitol. “ Tôi nghĩ đó là vấn đề nghiêm trọng”.
-Thứ năm: Facebook nhận thức rõ về tác hại đối với giới trẻ và việc lan truyền thông tin sai lệch gây thiệt hại cho xã hội, nhưng vẫn bỏ qua. Haugen đã nói về cách các chuyên gia của Facebook tiến hành những nghiên cứu mở rộng về tác động tiêu cực của Facebook và Instagram đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là về sức khỏe tinh thần và hình ảnh cơ thể. Cô cũng nêu chi tiết về cách công ty nhắm mục tiêu tới người trẻ, gồm cả người dưới 13 tuổi.
Trước những cáo buộc của “người thổi còi” Haugen, người phát ngôn của Facebook, Lena Pietsch đã bác bỏ lời khai của “người thổi còi” tại buổi điều trần nói trên. Trong một tuyên bố, bà Pietsch nói: “Hôm nay, một tiểu ban của Ủy ban Thương mại Thượng viện đã tổ chức buổi điều trần với một cựu giám đốc sản phẩm tại Facebook, người đã làm cho công ty trong không đầy 2 năm, không có báo cáo trực tiếp nào, chưa từng tham dự một cuộc họp ra quyết định nào với các giám đốc cấp độ C, và đã ra làm chứng trên 6 lần, không về những chủ đề được đề cập”.
“Hồ sơ” về Mark Zuckerberg
Nhiều năm qua, cái tên Mark Zuckerberg như một biểu tượng của người dẫn dắt mạng xã hội toàn cầu. Zucberkerg sinh ngày 14/5/1984, tại New York, Mỹ; là người giàu thứ 6 thế giới với tài sản ròng ước tính là 105 tỷ USD (tính đến hết năm 2020).
Ngày 4/2/2004, Zuckerberg cho ra đời Facebook trong phòng ký túc xá của mình tại Đại học Harvard. Sau khi thành công trong việc tạo lập và thiết kế, nhóm của Zucberkerg giới thiệu Facebook đến với các trường đại học khác. Từ đó, Facebook đã phát triển nhanh chóng, cán mốc một tỷ người sử dụng vào năm 2012. Cũng trong năm này, tạp chí Time đã đưa Zuckerberg vào số 100 người giàu nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Vào tháng 12/2016, theo Forbes, Zuckerberg đứng thứ 10 trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Cha mẹ của Zucberkerg cùng làm trong ngành y. Tổ tiên của ông có nguồn gốc từ Đức, Áo và Ba Lan. Khi còn học trung học, Zuckerberg có thành tích xuất sắc. Trong đơn xin học đại học của mình, Zuckerberg cho biết có thể đọc và viết tiếng Pháp, tiếng Hebrew, Latin và Hy Lạp cổ đại. Khi học tại Đại học Harvard, Zuckerberg vang danh như một “một thần đồng lập trình”. Đến hết năm thứ hai, “thần đồng lập trình” đã rời Harvard. Tuy nhiên, vào ngày 28/5/2017, với những thành công vang dội, Zuckerberg đã nhận được bằng danh dự từ Harvard.
Zuckerberg đã gặp người vợ tương lai của anh, bạn học Priscilla Chan, trong một bữa tiệc sinh viên năm thứ hai tại Harvard. Vào ngày 19/5/2012, Zuckerberg và Chan kết hôn. Họ có 2 con gái là maxima (hay còn gọi là Chen Mingyu, sinh năm 2015) và August (sinh năm 2017).
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhung-gi-dang-dien-ra-o-de-che-facebook-5674274.html